Chìa khóa hòa bình

Pháp đi đầu, cùng Ukraine, Nga và Ðức đã chính thức khởi động lại cuộc thảo luận cấp cao theo “thể thức Normandy”, sau ba năm cơ chế đàm phán này bị đình trệ. Hội nghị bốn bên tại Pháp lần này được kỳ vọng có thể tìm thấy “chìa khóa hòa bình”, nhằm sớm khép lại cuộc xung đột vũ trang kéo dài 5 năm qua tại miền đông Ukraine.

Hội nghị cấp cao “định dạng Normandy”, khai mạc ngày 9-12 tại Paris, là cuộc gặp lần đầu giữa lãnh đạo bốn nước Ukraine, Nga, Ðức và Pháp, kể từ sau cuộc thảo luận cấp cao ở Béc-lin (Ðức) tháng 10-2016. Bên lề hội nghị, lần đầu kể từ khi nhậm chức, Tổng thống V.Zelensky có cuộc gặp trực tiếp người đồng cấp nước láng giềng, Tổng thống Nga V.Pu-tin. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine đình trệ ba năm qua, những sự kiện tại Paris lần này có ý nghĩa quan trọng, khi mở lại kênh đối thoại vốn được xem là hiệu quả nhất trong nỗ lực giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine.

Ngay trước thềm hội nghị ở Paris, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Y.Men-đen tự tin khẳng định: Khi ngoại giao lên tiếng, súng đạn sẽ yên lặng! Cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo “bộ tứ Normandy” sẽ đem đến cơ hội im tiếng súng ở vùng Donbas. Theo Kiev, ba vấn đề lớn được Tổng thống Ukraine V.Zelensky nêu ra tại hội nghị lần này, gồm trao đổi tù nhân, ngừng bắn và rút quân khỏi các khu vực có xung đột ở miền đông Ukraine. Ðây là những điều kiện để các cuộc bầu cử có thể được tổ chức ở những vùng lãnh thổ đòi độc lập này.

Ðàm phán cấp cao theo “định dạng Normandy” ra đời năm 2014, sau nhiều nỗ lực; đối thoại bốn bên đã đưa đến thỏa thuận ký tháng 2-2015 tại Minsk (Bê-la-rút). Thỏa thuận Minsk kêu gọi ngừng bắn, yêu cầu các bên rút vũ khí hạng nặng, khôi phục quyền kiểm soát biên giới của chính quyền Kiev, tăng quyền tự trị tại các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát và tổ chức các cuộc bầu cử địa phương ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, sau đó bản thỏa thuận quan trọng nêu trên không được thực hiện rốt ráo; các cuộc đàm phán của “bộ tứ Normandy” cũng ngưng trệ.

Tổng thống V.Zelensky lên nắm quyền vào tháng 5-2019 sau chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống, đem đến hy vọng mới cho nỗ lực giải quyết xung đột ở miền đông đất nước, cũng như cải thiện quan hệ với nước láng giềng Nga. Với thiện chí và nỗ lực, Ukraine và Nga đã có một loạt bước đi nhằm giảm căng thẳng, trong đó có các cuộc trao đổi tù nhân giữa hai bên, trao trả các tàu của Ukraine mà Nga bắt giữ, nhất là việc quân đội Kiev và các lực lượng đòi độc lập ở miền đông hoàn tất rút quân thí điểm ở các vùng giới tuyến xung đột. Ðây là tiền đề thuận lợi và là kết quả mấu chốt dẫn tới quyết định khôi phục đàm phán cấp cao của “bộ tứ Normandy”.

Nỗ lực của Kiev trong cuộc đàm phán lần này là tìm kiếm sự đồng thuận cho kế hoạch mới của Tổng thống Zelensky, nhằm thực thi các điều khoản trong thỏa thuận Minsk. Các mục tiêu cụ thể là một đợt trao đổi tù nhân nữa với Nga, có thể là trước khi bước sang năm 2020; bảo đảm thực thi lệnh ngừng bắn ở miền đông; và giải tán tất cả các “nhóm vũ trang bất hợp pháp” trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, mục tiêu của Kiev không dễ đạt được chỉ trong khuôn khổ vòng đàm phán vừa được nối lại tại Paris.

Những bước đi triển khai thỏa thuận Minsk thời gian qua phần nào giúp kiềm chế xung đột vũ trang tại miền đông Ukraine, song các bên vẫn chưa thể xây dựng được lòng tin, trong khi luôn cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, không nghiêm túc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận. Mấu chốt gây bế tắc đàm phán là thứ tự ưu tiên thực thi các điều khoản, khôi phục quyền của Kiev kiểm soát biên giới lãnh thổ, hay tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trước tiên. Trong khi đó, quy chế tự trị đặc biệt cho hai vùng lãnh thổ đòi độc lập ở miền đông là Ðô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ hết hiệu lực vào cuối năm 2019 và việc gia hạn luật này là nhiệm vụ không dễ dàng với chính quyền Kiev.

Thực tế, “định dạng Normandy” đến nay vẫn là khuôn khổ đàm phán hiệu quả nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Không thể xử lý toàn bộ các vấn đề, song đối thoại cấp cao bốn bên được nối lại là cơ hội mà các bên khai thác triệt để. Ngoài xung đột ở vùng Donbas, Ukraine và Nga còn có thể thảo luận vấn đề vận chuyển khí đốt vào châu Âu. Hay, Nga cùng Ðức và Pháp có thể lắng nghe quan điểm của nhau, trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Moscow và Liên hiệp châu Âu (EU)...