Chìa khóa của tăng trưởng

Tại Hội nghị cấp cao trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra cuối tuần qua, hợp tác ứng phó với khủng hoảng Covid-19 đã trở thành một chủ đề “nóng” được các nước quan tâm và việc hợp tác phát triển, phân phối  vắc-xin  phòng, chống dịch được  xem là “chìa khóa” quan trọng ngăn chặn đại dịch, vực dậy nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Quốc vương A-rập Xê-út nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 là một “cú sốc chưa từng có đối với thế giới trong một năm bất thường này”. Theo đó, các quốc gia cần thiết phải hợp tác và đưa ra một thông điệp mạnh mẽ nhằm giảm tác động của cuộc khủng hoảng. 

Hợp tác để chống “kẻ thù chung” Covid-19 cũng là thông điệp được nhiều nhà lãnh đạo khác nhấn mạnh tại Hội nghị. Phát biểu từ Béc-lin, Thủ tướng Đức A.Méc-ken cho rằng, thế giới có thể chế ngự được Covid-19 nếu hợp tác cùng nhau và chỉ với nỗ lực toàn cầu mới có thể chiến thắng đại dịch. Trong đó, chìa khóa để giúp các quốc gia kiểm soát đại dịch chính là việc tiếp cận vắc-xin với mức giá phải chăng. Bởi vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần được củng cố và sáng kiến tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc cần được hỗ trợ thêm, trong bối cảnh số tiền cam kết cho tới nay là chưa đủ cho mục tiêu nêu trên. Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Pu-tin cũng đồng quan điểm khi cho rằng “vắc-xin cho tất cả mọi người” là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông chủ điện Crem-li cho biết, Liên bang Nga sẵn sàng cung cấp loại thuốc này cho tất cả các nước có nhu cầu và nhấn mạnh rằng, thế giới cần cùng nhau đóng góp vào việc huy động khẩn cấp 21 tỷ USD cho các nhu cầu y tế khẩn cấp, khởi động hợp tác  quốc tế trong việc phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin.

Lãnh đạo nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po… đều có chung quan điểm cho rằng thế giới cần hợp lực chống Covid-19 và sản xuất, phân phối vắc-xin hợp lý đang là “việc cần làm ngay” của mọi quốc gia trên toàn cầu. Từ nhận thức chung nêu trên, Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao G20 đã nhấn mạnh cam kết sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn đại dịch, duy trì đời sống, việc làm và thu nhập của người dân. Đồng thời, bảo đảm để các nước nghèo có thể tiếp cận vắc-xin, thuốc điều trị và xét nghiệm phòng ngừa Covid-19…

Giới phân tích nhận định rằng, các nước G20, vốn chiếm hai phần ba dân số thế giới và 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, cần có trách nhiệm đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Vì vậy, cam kết nêu trên có ý nghĩa quan trọng với kinh tế thế giới. Ngay sau khi Hội nghị cấp cao G20 kết thúc, giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hoan nghênh cam kết tập thể của các nhà lãnh đạo khối này trong việc đối phó đại dịch và những thách thức về kinh tế thế giới hiện nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu  U.Lây-en viết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Chúng tôi nhất trí sự cần thiết phải hợp tác đa phương, đoàn kết và hành động toàn cầu nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va lưu ý các nước phải bảo đảm vắc-xin được phân phối đến mọi nơi và mọi đối tượng. IMF ước tính vắc-xin có thể giúp thu nhập toàn cầu gia tăng gần 9.000 tỷ USD vào năm 2025.

Với những nhận định, cam kết nêu trên, có thể thấy các quốc gia G20 đã đạt được nhận thức chung về việc “thế giới liên hiệp lại” để cùng chống Covid-19 và việc sản xuất, phân phối vắc-xin hiệu quả sẽ là chìa khóa đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sau cam kết, giờ là lúc đòi hỏi G20 phải hành động và việc vượt qua cuộc khủng hoảng kép về y tế, kinh tế hiện nay sẽ là phép thử đối với G20. Tại hội nghị G20 vừa qua, Tổng thống Pháp E.Ma-crông từng cảnh báo rằng, việc tiếp cận rộng rãi với các công nghệ y tế chống Covid-19 chính là “cuộc chiến tiếp theo mà thế giới phải đối mặt”. G20 chỉ thật sự thành công và thực hiện được các tuyên bố của mình khi tới đây các quốc gia này tránh được kịch bản “thế giới hai tốc độ”, trong đó chỉ nước giàu được bảo vệ khỏi vi-rút gây Covid-19 và trở lại cuộc sống bình thường, trong khi nước nghèo bị bỏ lại phía sau.