Chặng đường dài của EU

Các quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) tiến hành Hội nghị cấp cao với những bất đồng rất lớn khi kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của khối này bị một số quốc gia "cản bước". Theo đó, để có được một kế hoạch phục hồi kinh tế chung, các thành viên trong "đại gia đình EU" chắc chắn còn phải trải qua một chặng đường dài đàm phán.

Trọng tâm của Hội nghị cấp cao EU lần này là thảo luận để thống nhất về kế hoạch vực dậy nền kinh tế của toàn khối sau đại dịch Covid-19 thông qua một quỹ cứu trợ trị giá 750 tỷ ơ-rô. Kế hoạch này xuất phát từ một đề xuất của Thủ tướng Ðức A.Méc-ken và Tổng thống Pháp E.Ma-crông. Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng thời phải đàm phán về gói ngân sách dài hạn mới của khối trị giá gần 1.100 tỷ ơ-rô. Sự kết hợp này càng gia tăng tính phức tạp của vấn đề. Sau nhiều hội nghị trực tuyến thì đây là lần đầu các nhà lãnh đạo EU thảo luận trực tiếp với nhau với hy vọng sớm tìm được "chiếc phao cứu sinh" cho kinh tế toàn khu vực. Trong thư mời tham dự Hội nghị cấp cao, Chủ tịch EU S.Mi-sen nhấn mạnh "một sự thỏa hiệp là cần thiết, vì lợi ích chung của người dân của chúng ta" và hứa hẹn sẽ làm việc hết sức cho mục đích này.

Tuy nhiên, không khí căng thẳng đã diễn ra ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị cấp cao EU khi kế hoạch vực dậy nền kinh tế của khối này sau đại dịch Covid-19 đã vấp phải lập trường kiên quyết của các quốc gia vốn chủ trương "thắt chặt hầu bao" như Hà Lan và Áo. Sau hơn bảy giờ thảo luận được coi là mang tính xây dựng, các lãnh đạo EU vẫn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" về kế hoạch tài chính nhiều tham vọng nêu trên. Trong đó, bốn nước gồm Hà Lan, Áo, Ðan Mạch, Thụy Ðiển và sau đó thêm cả Phần Lan, đã quyết liệt bảo lưu ý kiến không đồng tình với đề xuất của các nhà lãnh đạo Ðức và Pháp. Nhóm này cho rằng, kế hoạch tài chính hậu Covid-19 chủ yếu có lợi cho I-ta-li-a và Tây Ban Nha, hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch Covid-19, nhưng cũng là những nước luôn bị đánh giá là có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất. Trong các cuộc thảo luận, Thủ tướng Áo X.Cuốt-dơ đã "nói thẳng nói thật" rằng, Áo muốn từ chối đề xuất hiện tại. Ông nhấn mạnh, dù Áo muốn thể hiện sự đoàn kết, cũng phải quan tâm tới lợi ích của người nộp thuế của nước mình.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ yêu cầu các kế hoạch cải cách của mỗi quốc gia phải được toàn bộ 27 nước thành viên thông qua, chứ không phải chỉ là đa số. Một số nhà phân tích cho rằng, yêu cầu nêu trên là không thể về mặt pháp lý, "khó nuốt" về mặt chính trị và trên thực tế là Hà Lan muốn có quyền phủ quyết kế hoạch tài chính mà Ðức và Pháp đề xuất. Ngoài các phản ứng nêu trên, trước khi diễn ra hội nghị cấp cao của EU lần này, Hung-ga-ri thậm chí còn đặt ra một số điều kiện để "ngã giá" với EU về việc thông qua quỹ cứu trợ hậu Covid-19. Quốc hội Hung-ga-ri quyết định sẽ không đồng ý với gói tài chính của EU nếu vụ kiện chống lại Hung-ga-ri vi phạm luật pháp EU chưa kết thúc. Thủ tướng Hung-ga-ri cũng tuyên bố sẽ phủ quyết trong trường hợp các khoản giải ngân của EU trong tương lai đi kèm với việc áp đặt các điều kiện pháp lý đối với Hung-ga-ri. Các nhà phê bình châu Âu đã coi đây là "một sự tống tiền trần trụi".

Trong bối cảnh nêu trên, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng EU trong nhiệm kỳ từ nay đến cuối năm 2020, Thủ tướng Ðức A.Méc-ken được báo giới miêu tả là "vất vả" khi bà phải cố gắng thông qua các cuộc đàm phán cá nhân để đưa quan điểm và mong muốn của các nước EU đến một "mẫu số chung". Phần lớn các nhà lãnh đạo EU và giới phân tích đều nhận định rằng, quá trình đàm phán về các vấn đề tài chính nói chung, quỹ cứu trợ hậu Covid-19 của EU nói riêng sẽ rất khó khăn. Nhiều nhà phân tích cho rằng, một số khác biệt lịch sử giữa những nước cung cấp tiền và những nước nhận tiền trong EU đã quay trở lại. Thủ tướng A.Méc-ken cũng khẳng định rằng, vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Ða số chuyên gia kinh tế ở châu Âu nhận định, hội nghị cấp cao này chưa thể đưa kế hoạch phục hồi kinh tế của EU "về đích". Các cuộc thảo luận về vấn đề nêu trên sẽ còn kéo dài và thậm chí phải trải qua nhiều hội nghị nữa mới có thể thành công. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng đặt niềm tin vào tài thao lược của Thủ tướng Ðức, người có kinh nghiệm đàm phán nhiều nhất trong số 27 lãnh đạo của EU và đã đưa khối này vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng gần đây.

Để bà A.Méc-ken có thể một lần nữa chèo lái "con thuyền EU" vượt bão đi đến thành công, giờ là lúc người dân châu Âu cần đến sự hợp tác nhiều hơn của lãnh đạo các nước thành viên EU. Thực tế khó khăn này cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo châu lục phải "nhìn xa trông rộng" cho lợi ích của toàn khối hơn là lợi ích của từng quốc gia đơn lẻ, bởi vì bất kỳ sự tính toán sai lầm nào cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến EU và tương lai của toàn khối.