Chân trời mới

Mối quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang đứng trước “chân trời” hợp tác mới với chuyến công du mang ý nghĩa lịch sử đến Bình Nhưỡng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa diễn ra. Với những kết quả tích cực, chuyến thăm khẳng định sự bền chặt trong mối quan hệ song phương và phát đi thông điệp rằng, Bắc Kinh sẽ “sát cánh” cùng Bình Nhưỡng trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới CHDCND Triều Tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc mang ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bởi lẽ, đây không chỉ là chuyến công du lần đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên, mà còn là chuyến thăm lần đầu của nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc tới quốc gia láng giềng Ðông - Bắc Á trong vòng 14 năm qua. Việc chọn đến thăm Triều Tiên vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia cũng được đánh giá là một quyết định "hợp tình, hợp lý" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua đó khẳng định sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã tồn tại suốt 70 năm giữa hai nước. Truyền thông Trung Quốc nhận định, chuyến thăm này mở ra một giai đoạn mới, trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.

Tại cuộc hội đàm diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn đã nhất trí phối hợp để tạo ra tương lai tươi sáng cho quan hệ hai nước, đồng thời mang lại lợi ích cho sự phát triển hòa bình và ổn định của khu vực. Lâu nay, Trung Quốc luôn là đồng minh ngoại giao then chốt và là đối tác thương mại quan trọng của Triều Tiên. Tuy nhiên, mối quan hệ truyền thống gần gũi này từng có lúc đứng trước "sóng gió" liên quan các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng. Sau đó, hai nước đã tích cực hợp tác để làm nồng ấm trở lại mối quan hệ song phương.

Chỉ trong vòng một năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn thực hiện bốn chuyến công du tới Bắc Kinh, như một minh chứng rằng quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc vẫn trên đà phát triển tốt đẹp.

Không chỉ nhằm khẳng định sự gần gũi trong quan hệ giữa hai nước, chuyến thăm Triều Tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình còn được dư luận nhận định gửi gắm nhiều thông điệp sâu xa liên quan các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, Bắc Kinh ủng hộ giải pháp chính trị cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng giúp giải quyết lo ngại về an ninh của Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng cam kết đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ về chính trị đối với Triều Tiên, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Oa-sinh-tơn đang lâm vào thế bế tắc, kể từ sau Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua. Chưa kể, chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm tuyên bố nhận được một "bức thư tuyệt vời" từ nhà lãnh đạo Kim Châng Ưn, dường như nhằm chuyển tới Oa-sinh-tơn thông điệp về vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh trong các chuyển động địa - chính trị trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Ðông - Bắc Á nói chung. Trung Quốc là một trong các bên tham gia vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đương nhiên Bắc Kinh không muốn "đứng bên lề" trong tiến trình giải quyết vấn đề quan trọng tại khu vực này.

Chuyến công du tới Triều Tiên cũng diễn ra trước thềm Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào cuối tháng này, sự kiện mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc gặp với người đứng đầu "xứ cờ hoa" Ð.Trăm để giải quyết căng thẳng thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của mình đối với "hồ sơ nóng" bán đảo Triều Tiên là cách để Bắc Kinh gia tăng vị thế trên bàn thương lượng với Oa-sinh-tơn trong vấn đề thương mại.

Chuyến thăm Triều Tiên kéo dài hai ngày vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một phần trong chiến lược tăng cường ngoại giao láng giềng của Bắc Kinh, qua đó khẳng định sự coi trọng và sẵn sàng mở ra một chương mới trong lịch sử mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia Ðông - Bắc Á của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chuyến công du này tuy chưa thể tháo gỡ thế bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đầy phức tạp, song đã phát đi tín hiệu lạc quan, thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề này và tạo động lực cho các cuộc đối thoại sâu rộng tiếp theo giữa Mỹ và Triều Tiên, vì hòa bình chung của toàn khu vực Ðông - Bắc Á.