Căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỹ

NDO -

Trong mấy ngày qua, quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng liên quan đến các phát ngôn của Tổng thống hai nước về vấn đề tôn giáo. Ngày 25-10, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, Pháp đã triệu hồi đại sứ của nước này.

(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Ngày 21-10 nước Pháp tổ chức tưởng niệm cấp quốc gia dành cho thầy giáo Samuel Paty, người bị một phần từ Hồi giáo cực đoan giết hại dã man vào ngày 16-10 ở ngoại ô Paris.

Nguyên nhân được cho là do thầy giáo này sử dụng hình ảnh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo trong một buổi học.

Tại lễ tưởng niệm này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố "nước Pháp sẽ không từ bỏ các bức tranh biếm họa."

Tuyên bố này của Tổng thống Pháp đã bị chỉ trích ở các nước có đa số dân Hồi giáo.

Tại một số nước như Qatar, Koweit, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Tunisia, Lybia hay Israel, các cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối phát ngôn của Tổng thống Pháp, phản đối các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed cùng với lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa xuất xứ từ Pháp.

Trong hai ngày 24 và 25-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã liên tục công kích trực tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Recep Tayyip Erdogan cho rằng ông Emmanuel Macron “cần phải được kiểm tra sức khỏe tâm thần” sau khi có các phát ngôn về các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed.

Phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến căng thẳng ngoại giao giữa hai nước leo thang.

Phủ Tổng thống Pháp cho rằng phát ngôn như vậy là “không thể chấp nhận được”.

Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Pháp khẳng định “lịch sử của nước Pháp là lịch sử đấu tranh chống những kẻ hung tàn và cuồng tín, chúng ta sẽ tiếp tục điều đó.” Đây được coi là lời đáp trả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 25-10, nước Pháp đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ “để tham vấn” như một động thái phản ứng quyết liệt nhất đối với các phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao song phương, Pháp phải triệu Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước.

Tối cùng ngày, Chính phủ Pháp kêu gọi các nước có liên quan chấm dứt những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp và các cuộc biểu tình mà Pháp cho rằng của một nhóm thiểu số cực đoan. Pháp cũng yêu cầu chính phủ các nước bảo đảm an toàn cho công dân Pháp đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của những nước này.

Trong những ngày gần đây, Pháp đã phát động chiến dịch truy quét các đối tượng được cho là theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và đã đóng cửa một số hiệp hội và nhà thờ Hồi giáo.