Cần nỗ lực chung

Kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại khốc liệt do đại dịch Covid-19 gây ra. Đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế và đối mặt dự báo tăng trưởng âm, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ, coi đó là “phao cứu sinh” cho nền kinh tế.

Sau cuộc “đại suy thoái” năm 2009, nền kinh tế toàn cầu hiện đối mặt một tương lai u ám khi những cảnh báo về một cuộc suy thoái mới do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 liên tiếp được đưa ra. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) K.Georgieva nhận định, những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể nhiều hơn thiệt hại hồi năm 2009. Trong bối cảnh gần 80 quốc gia trên thế giới đề nghị IMF viện trợ khẩn cấp, tổ chức tài chính này đã sẵn sàng huy động toàn bộ khoản cho vay trị giá 1.000 tỷ USD, đồng thời kêu gọi các nước đưa ra phản ứng chưa từng có tiền lệ.

Hàng loạt quốc gia đã công bố các gói chi tiêu khổng lồ để giảm bớt tác động của dịch Covid-19. Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) E.Gurria còn đề cập về một Kế hoạch Marshall (tái thiết châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai) mới, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu được dự báo có thể xảy ra ngay trong sáu tháng đầu năm 2020, nếu thế giới không khẩn trương hành động. Theo các chuyên gia, chỉ có nỗ lực quốc tế tổng thể mới có thể giúp thế giới đối phó tình trạng hiện nay, hướng tới một giải pháp ứng phó “cú sốc kinh tế” và mở đường cho hướng phục hồi.

Gói cứu trợ ngay lập tức được các nước đưa ra như những “liều thuốc giảm đau”. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp tín dụng chưa từng có dành cho các gia đình, doanh nghiệp nhỏ và chủ sở hữu lao động lớn, đang khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ D.Trump đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ thể hiện sự mất kiên nhẫn của ông khi chứng kiến hoạt động sản xuất tạm ngừng vì các biện pháp cách ly trên diện rộng. Nền kinh tế Đức “báo động đỏ” với nguy cơ có thể thiệt hại hàng trăm tỷ euro, cao hơn rất nhiều so với những gì mà nước này từng hứng chịu trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai những thập kỷ gần đây. Nhằm ổn định nền kinh tế, Chính phủ Đức đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp với tổng giá trị lên tới 750 tỷ euro.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, Italy được cảnh báo bước vào giai đoạn “nền kinh tế thời chiến” sau khi chính phủ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu. Chính phủ Italy bước đầu thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro hỗ trợ nền kinh tế. Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BOE) M.King cũng nhận định, nền kinh tế thứ năm thế giới đang đối mặt thách thức nghiêm trọng, khi hệ thống ngân hàng của Anh gần như sụp đổ. Để ứng phó tình hình hiện nay, Chính phủ Anh cam kết khoản bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp trị giá 330 tỷ bảng (381 tỷ USD) và công bố biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ để bảo đảm các nhân viên vẫn được trả lương trong khi BOE đã triển khai chương trình mua tài sản trị giá 200 tỷ bảng. Trong khi đó, Chính phủ Thụy Sĩ công bố gói tài chính trị giá 32,7 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ Phần Lan cũng thông qua gói hỗ trợ 15 tỷ euro, khi kinh tế nước này dự báo sẽ giảm từ 1,5% đến 4% trong năm nay...

Tại châu Á, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố kế hoạch tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp lên 100.000 tỷ uôn (80 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời có nhiều quỹ đặc biệt để bình ổn thị trường chứng khoán và trái phiếu. Tại Australia và châu Phi các gói tín dụng hàng chục tỷ USD cũng đang được đề xuất.

Theo giới phân tích, thế giới cần có các hành động tập thể. “Sức khỏe nền kinh tế toàn cầu” chỉ có thể được bảo đảm khi bên cạnh các “liều thuốc riêng” cho từng nền kinh tế, cần có những nỗ lực chung.