Căn bệnh trầm kha

Nội dung nổi bật tại cuộc thảo luận vừa qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) là tăng cường hợp tác, hỗ trợ các quốc gia châu Phi cải cách bộ máy an ninh nhằm duy trì hòa bình khu vực. Thực tế, ngăn ngừa xung đột, thảm họa nhân đạo, chống đói nghèo và thúc đẩy phát triển ở “lục địa đen” luôn là một trong những ưu tiên của LHQ.

Cải cách bộ máy an ninh thông qua các cơ chế phù hợp của LHQ cũng như các phái bộ gìn giữ hòa bình ở châu Phi đang được các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế thúc đẩy. Trợ lý Tổng thư ký LHQ về pháp quyền và thể chế an ninh A.Du-ép khẳng định, LHQ luôn ưu tiên hỗ trợ các nước xây dựng ngành an ninh hiệu quả và có trách nhiệm. Hiện LHQ đang hỗ trợ hơn 15 quốc gia, nổi bật là Buốc-ki-na Pha-xô, Găm-bi-a, Li-bi, Y-ê-men và Xô-ma-li-a, triển khai các sáng kiến cải cách an ninh thông qua hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình và các phái bộ chính trị đặc biệt. Đây là một tiến trình phức tạp, kéo dài, đòi hỏi ý chí chính trị mạnh mẽ, sự hợp tác giữa các đối tác trên thực địa. Cao ủy Liên minh châu Phi (AU) về hòa bình và an ninh X.Sê-guy cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của quản trị và cải cách ngành an ninh đối với các nước thành viên AU trong xây dựng và duy trì hòa bình ở khu vực.

Nỗ lực bảo đảm sự ổn định và thiết lập nền hòa bình bền vững ở châu Phi được thúc đẩy trong bối cảnh “lục địa đen” đối mặt nhiều nguy cơ, xuất phát từ các cuộc xung đột triền miên. Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tiến công khủng bố đẫm máu ở nhiều nước, nhất là tại khu vực Tây Phi. Theo số liệu đưa ra trong cuộc họp mới đây giữa đại diện các quốc gia liên quan  với các nhà tài trợ quốc tế, gồm LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB), Mạng lưới phòng, chống khủng hoảng lương thực (RPCA) và một số tổ chức phi chính phủ (NGO), chỉ tính từ tháng 10 đến nay, xung đột và biến đổi khí hậu gây ra tình trạng mất an ninh lương thực khiến khoảng 16,7 triệu người ở Tây Phi rơi vào cảnh đói ăn. Nếu không có các hành động nhanh chóng, con số này có thể lên 24 triệu người vào mùa hè tới, thời điểm được xem là hết sức khó khăn ở khu vực này do các kho lương thực trống rỗng trong mùa giáp hạt. Ngoài ra, mối đe dọa khủng bố khiến bốn triệu người phải di tản. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, bốn quốc gia gồm Buốc-ki-na Pha-xô, Ni-giê-ri-a, Nam Xu-đăng và Y-ê-men, được dự báo sớm rơi vào nạn đói, nếu tình hình tồi tệ hơn trong những tháng tới. Các nước này nằm trong danh sách 20 quốc gia có nguy cơ mức độ đói nghiêm trọng gia tăng. Tình hình đáng báo động sau khi bùng phát điểm nóng xung đột mới ở vùng Ti-grây của Ê-ti-ô-pi-a, đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh màn trời chiếu đất, phải sống nhờ viện trợ, hàng chục nghìn người phải chạy nạn sang các nước láng giềng ở Đông Phi và vùng Sừng châu Phi.

Dịch Covid-19 hoành hành càng khiến tình hình các quốc gia vốn bất ổn ở châu Phi càng thêm bi đát. Nhiều nước rơi vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Kế hoạch giãn nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đưa ra cũng chưa đủ để giúp châu lục này đương đầu những khó khăn, cũng như duy trì khả năng thu hút các khoản đầu tư cần thiết trong tương lai. Khoảng 40% số các quốc gia tại khu vực phía nam Xa-ha-ra đứng trước nguy cơ vỡ nợ, từ trước năm 2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tác động của đại dịch khiến kinh tế khu vực này suy giảm 3% trong năm nay, trong khi đó tỷ lệ nợ tính theo GDP đã tăng gấp hai lần, lên mức 57% trong 10 năm vừa qua.

Đánh giá cao vai trò quan trọng của cải cách ngành an ninh đối với củng cố hòa bình, ổn định tại các quốc gia hậu xung đột, ngăn ngừa tái diễn xung đột, thúc đẩy phát triển bền vững, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2553, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế, gồm LHQ, các đối tác song phương và tổ chức khu vực, bảo đảm hỗ trợ và dành nguồn lực thúc đẩy cải cách, xây dựng hòa bình.

Việc đi tìm liều thuốc chữa “căn bệnh trầm kha” là xung đột, đói nghèo ở châu Phi là hành trình đầy chông gai. Mới đây, LHQ quyết định chi 100 triệu USD nhằm giúp bảy quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, ngăn chặn nạn đói. Song, số tiền này như “muối bỏ bể” và chỉ như “toa thuốc cắt cơn”, còn lời giải bài toán khó của “lục địa đen” vẫn là giải quyết tận gốc rễ vấn đề xung đột và đói nghèo.