Cái khó ló cái khôn

Lãnh đạo nhiều nước châu Á đã nghĩ ra ‘trăm phương nghìn kế”  để kích cầu kinh tế, bảo đảm đời sống người dân và giúp các doanh nghiệp thích ứng với trạng thái bình thường mới, trong bối cảnh các nền kinh tế đang bị đại dịch Covid-19 tàn phá nghiêm trọng.

Sau gần nửa năm “làn gió độc” của dịch Covid-19 tràn khắp khu vực, nhiều chính phủ tại châu Á đã triển khai gói cứu trợ tài chính nhằm giải nguy cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, ăn uống, bán lẻ... Trong cuộc chiến chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, nhiều giải pháp sáng tạo, độc đáo chưa từng có tiền lệ đã được đưa ra để khuyến khích doanh nghiệp và lực lượng lao động chuyển đổi mô hình, cách thức kinh doanh mới. Tại Nhật Bản, một chiến dịch trợ giá đã được chuẩn bị để hỗ trợ ngành du lịch đang “thoi thóp”. Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng cơ sở, Vận tải và Du lịch Nhật Bản K.A-ca-ba vừa cho biết, Nhật Bản sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch trợ giá từ ngày 22-7 để thúc đẩy hoạt động du lịch trong nước đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch, dù những quan ngại về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn còn. Theo chương trình này, chính phủ “đất nước mặt trời mọc” sẽ hỗ trợ 50% tất cả các chi phí, bao gồm phí lưu trú và di chuyển bằng các phương tiện giao thông. Theo chiến dịch hỗ trợ nêu trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ giá tới 190 USD/người/đêm lưu trú và 95 USD/ngày, bao gồm cả chi phí đi lại, cho các khách du lịch.

Chính phủ Thái-lan mới đây cũng   đưa ra các chính sách nhằm “lấp đầy khoảng trống ngành du lịch” thời Covid-19, trong bối cảnh cường quốc du lịch này không thể đón khách du lịch nước ngoài kể từ khi ban hành lệnh cấm các chuyến bay quốc tế từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái-lan (TAT) cho biết, để vực dậy ngành công nghiệp không khói, Chính phủ Thái-lan đã phê duyệt các gói kích thích trị giá 716,8 triệu USD để thúc đẩy du lịch trong nước, với mục tiêu kích cầu khoảng 2 triệu chuyến du lịch nội địa trong quý III-2020. Gói kích cầu du lịch nội địa này bao gồm trợ cấp về chi phí lưu trú, đi lại, ăn uống và phí vào cửa tại các điểm tham quan...

Trong khi đó, tại Ấn Độ, ngoài các chính sách kích cầu kinh tế, chính phủ đặc biệt quan tâm việc hỗ trợ tạo việc làm ở nông thôn. Sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng 3 năm nay để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, khoảng 100 triệu lao động ngoại tỉnh rơi vào cảnh thất nghiệp, tạm thời phải trở về quê kiếm sống. Trong bối cảnh đó, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn là việc cần làm ngay và Thủ tướng N.Mô-đi đã phát động Chiến dịch việc làm phúc lợi cho người nghèo trị giá khoảng 6,7 tỷ USD, nhằm thúc đẩy tạo việc làm ở khu vực nông thôn và được triển khai tại 116 huyện trên khắp cả nước, giúp những người lao động từ các thành phố quay trở về địa phương có thể “tìm kế sinh nhai”. Chiến dịch nêu trên cũng tập trung xây dựng đường sá, nhà ở, thiết lập hệ thống cung cấp in-tơ-nét, khí đốt… Những dự án này sẽ được ưu tiên để bảo đảm việc làm cho lao động nhập cư.

Tại một quốc gia châu Á khác là Xin-ga-po, chính phủ đã nhanh chóng biến thách thức thành cơ hội khi đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi kinh tế số, trong bối cảnh người dân phải thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19. Sau khi Xin-ga-po áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, việc “ngắt mạch” nhiều giao dịch trực tiếp đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân. Trong bối cảnh nêu trên, Chính phủ Xin-ga-po khuyến khích các doanh nghiệp trong nước “lên đời” kỹ thuật số. Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Xin-ga-po đã tung ra “Gói tăng cường thương mại điện tử” nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nhân lực và chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít hoặc không có kinh nghiệm về thương mại điện tử, để giúp họ chuyển đổi kinh doanh sang bán hàng trực tuyến. Đánh giá về bối cảnh mới và các biện pháp nêu trên của Chính phủ, Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây cho biết, Xin-ga-po đã  lên các kế hoạch  chuẩn bị cho một nền kinh tế tương lai, bằng việc đầu tư mạnh mẽ để nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp của người lao động, số hóa cả khu vực công và tư nhân, xây dựng khả năng đổi mới và nghiên cứu - phát triển (R&D).

Từ những giải pháp “tăng lực” cho nền kinh tế, đối phó thách thức của dịch Covid-19 tại một số quốc gia châu Á nêu trên, có thể thấy, một khi biết ứng biến linh hoạt, sáng tạo, trong “cái khó” biết “ló cái khôn”, thì người dân, doanh nghiệp, các nền kinh tế đều có thể đứng dậy và vươn lên mạnh mẽ sau mỗi cuộc khủng hoảng, dù là khủng hoảng nghiêm trọng.