Cách thức duy nhất

Mỹ tiếp tục chính sách gây sức ép tối đa với I-ran, buộc Tê-hê-ran lựa chọn hoặc là đàm phán, hoặc để nền kinh tế sụp đổ vì các đòn trừng phạt của Oa-sinh-tơn. Đổi lại, I-ran tìm cách “lách luật” nhằm chống chọi các lệnh trừng phạt, trong đó có việc duy trì trao đổi thương mại với Vê-nê-xu-ê-la bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ.

Con tàu đầu tiên trong số năm tàu chở nhiên liệu của I-ran đã đi vào vùng kinh tế đặc quyền của Vê-nê-xu-ê-la một cách an toàn, với sự hộ tống của Lực lượng vũ trang quốc gia Bô-li-va (FANB). I-ran đã cảm ơn về sự hỗ trợ của lực lượng Vê-nê-xu-ê-la và hoan nghênh mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Các tàu I-ran chở 1,5 triệu thùng dầu vượt Đại Tây Dương nhằm hỗ trợ Vê-nê-xu-ê-la đối phó tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng. Động thái này được ví như sự công khai mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia “cùng chung cảnh ngộ” là phải chống chọi các đòn trừng phạt của Mỹ. Theo đó, I-ran cung cấp cho Vê-nê-xu-ê-la dầu mỏ, còn Ca-ra-cát giúp Tê-hê-ran củng cố vị trí và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Mỹ la-tinh.

Đoàn tàu của I-ran đang hướng tới vùng biển Ca-ri-bê, nơi mà Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Lầu năm góc đã triển khai các tàu khu trục, tàu tuần duyên, máy bay giám sát tới khu vực này, trong chiến dịch nhằm ngăn chặn các tuyến buôn bán ma túy ngoài khơi Vê-nê-xu-ê-la. Bởi thế, việc I-ran và Vê-nê-xu-ê-la “bắt tay” chặt chẽ hơn ngay lập tức bị Mỹ phản đối mạnh mẽ. Mỹ cảnh báo, I-ran có thể sử dụng “vỏ bọc” vận chuyển hàng hóa để che đậy hành vi vi phạm lệnh trừng phạt. Giới chức Mỹ theo sát mọi hoạt động của đoàn tàu chở dầu I-ran. Trong khi đó, I-ran cảnh báo sẽ chặn mọi nỗ lực của Mỹ nhằm phong tỏa tàu chở dầu của I-ran. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la N.Ma-đu-rô thông báo, lực lượng vũ trang nước này đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực đảo La O-chi-la, phía bắc nước này để bảo vệ các tàu chở dầu I-ran.

Lầu năm góc đã lên các “kịch bản” sẵn sàng phản ứng trước động thái mới của I-ran. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thay vì một giải pháp quân sự, khả năng cao Oa-sinh-tơn sẽ gia tăng trừng phạt nhằm đáp trả việc I-ran vận chuyển nhiên liệu tới Vê-nê-xu-ê-la. Mới đây nhất, Mỹ đã áp đặt trừng phạt với hai quan chức tham gia chương trình hạt nhân của I-ran. Oa-sinh-tơn cũng quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với các quốc gia tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran. Hành động này của Mỹ có thể đẩy bản thỏa thuận lịch sử mà I-ran đã ký với nhóm P5+1 tới bờ vực đổ vỡ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo khẳng định, đây là hành động đáp trả chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của I-ran trong vấn đề hạt nhân.

Vừa phải nỗ lực vực dậy nền kinh tế chật vật vì các lệnh trừng phạt, vừa lo ngăn chặn dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng, I-ran đối mặt khó khăn chồng chất. Tê-hê-ran đã phải đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp khoản vay khẩn cấp trị giá năm tỷ USD để đối phó dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng đẩy nền kinh tế I-ran đến gần nguy cơ sụp đổ, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Đồng nội tệ I-ran mất giá nghiêm trọng (hơn 60% giá trị) khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến I-ran hầu như bị cô lập với hệ thống tài chính toàn cầu, thâm hụt ngân sách lên mức lớn chưa từng có.

Chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế I-ran, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại I-ran gây tác động nghiêm trọng nhất khu vực Trung Đông. Các biện pháp trừng phạt càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm thuốc điều trị, trang thiết bị y tế tại I-ran và bị Mỹ tận dụng để dồn I-ran vào chân tường, nhằm buộc Tê-hê-ran có những nhượng bộ.

Tuy nhiên, những động thái từ I-ran cho thấy, Tê-hê-ran tiếp tục không chịu khuất phục trước bất cứ sức ép nào của Mỹ. Thực tế trong quan hệ đối đầu Mỹ - I-ran cho thấy, các động thái “ăn miếng trả miếng” chỉ làm căng thẳng leo thang. Một giải pháp ngoại giao, thông qua đàm phán, mới là cách thức duy nhất có thể giải quyết bất đồng dai dẳng giữa hai bên.