Bước tiến quan trọng

Sau gần một tuần đàm phán về những vấn đề “gai góc” tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), hai phe phái đối địch chính tại Li-bi đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Liên hợp quốc (LHQ), Liên hiệp châu Âu (EU) và cộng đồng quốc tế hoan nghênh coi đây là thành tựu lịch sử, tạo bước tiến quan trọng hướng tới thiết lập hòa bình và ổn định bền vững ở quốc gia Bắc Phi. 

Các cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ giữa đại diện quân sự của Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) ở thủ đô Tơ-ri-pô-li được quốc tế ủng hộ và đại diện lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Li-bi (LNA) có trụ sở ở miền đông, đã đi tới “kết thúc có hậu”. Đó là thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trên toàn lãnh thổ Li-bi. Dưới sự bảo trợ của LHQ, hai phái đoàn Li-bi đã nỗ lực gạt bỏ bất đồng nhằm đạt được giải pháp cho các vấn đề tồn đọng. Hai bên đồng thuận trong nhiều chủ đề quan trọng, trong đó có việc mở lại các tuyến đường nội địa trên không và trên bộ. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy trao đổi tù nhân, nối lại các chuyến bay giữa Tơ-ri-pô-li và thành phố miền đông Ben-ga-di. Ngoài ra, Thủ tướng Ph.Xa-rai của GNA thông báo kế hoạch từ chức cuối tháng này để giúp chấm dứt thời kỳ quá độ, mở đường  thành lập chính phủ và các cơ quan một cách dân chủ. 
 
Lệnh ngừng bắn lâu dài là yếu tố then chốt, tạo thuận lợi cho các cuộc đối thoại tiếp theo. Với sự nhượng bộ lẫn nhau và tạm thời hóa giải những bất đồng sâu sắc, các phe phái ở Li-bi thể hiện quyết tâm bảo vệ sự thống nhất và chủ quyền quốc gia. Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện được kỳ vọng giúp khép lại “chương đen tối” của Li-bi. Phát biểu ngay sau lễ ký thỏa thuận ngừng bắn ở Li-bi, người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Li-bi (UNSMIL) X.Uy-li-am bày tỏ hy vọng, thỏa thuận sẽ cho phép người tha hương và người tị nạn Li-bi trở về nhà. Bác bỏ hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận ngừng bắn tại Li-bi, quan chức LHQ khẳng định, sự nhượng bộ của các bên tham chiến để đạt thỏa thuận này xứng đáng nhận được sự khích lệ của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét hoan ngênh lệnh ngừng bắn ở Li-bi, nhấn mạnh đây là bước tiến lớn hướng tới hòa bình. Ủy ban châu Âu (EC) cũng kêu gọi các bên lập tức thực thi thỏa thuận ngừng bắn, coi đây là chìa khóa để nối lại đối thoại chính trị.

Theo thỏa thuận, vai trò giám sát tiến trình rút các chiến binh nước ngoài khỏi Li-bi, cũng như sáp nhập các nhóm vũ trang, được giao cho các tiểu ban tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai. Trong khi đó, các cuộc đối thoại chính trị được lên kế hoạch tại Tuy-ni-di vào đầu tháng 11 tới, với mục tiêu sớm tổ chức cuộc bầu cử quốc gia ở Li-bi. Thực tế, việc thực thi ngừng bắn ở Li-bi còn đối mặt thách thức không nhỏ, khi ở nước này còn hiện diện nhiều lính đánh thuê nước ngoài. Cả hai bên tham chiến trước đây đã tuyển mộ hàng nghìn chiến binh nước ngoài, khiến cuộc giao tranh tại Li-bi trở thành một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện tại. Bạo lực, chia rẽ đã khiến tiến trình chính trị Li-bi gián đoạn nhiều lần và mục tiêu của LHQ là thúc đẩy đạt đồng thuận về một khuôn khổ quản trị quốc gia thống nhất, tiến tới tổ chức các cuộc bầu cử ở Li-bi. 

UNSMIL kêu gọi các phe phái tại Li-bi ưu tiên đặt lợi ích quốc gia lên trên tham vọng chính trị, trong các cuộc đàm phán tiếp theo vào tháng 11 tới. LHQ cũng hối thúc các chiến binh nước ngoài rút khỏi Li-bi trong vòng ba tháng tới, các thế lực bên ngoài chấm dứt can thiệp  tình hình quốc gia Bắc Phi. Các phe phái tại Li-bi cũng cần duy trì thiện chí, có thêm các động thái xây dựng lòng tin để tạo cơ sở vững chắc cho những bước đi tiếp theo. 

Chặng đường phía trước của Li-bi còn gian nan, song sự đồng thuận ban đầu giữa các phe phái chính trị được kỳ vọng mở ra một trang mới cho người dân Li-bi, vốn đã chịu quá nhiều khổ đau, mất mát vì xung đột kéo dài.