Bước đột phá

Các cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), được thiết kế chung quanh Diễn đàn đối thoại chính trị Li-bi, đã đạt bước đột phá quan trọng trong xây dựng tiến trình chuyển tiếp chính trị nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia Bắc Phi. Hàng loạt đề xuất liên quan cơ chế cũng như hướng đi cho một chính phủ chuyển tiếp ở Li-bi được đưa ra và được các phe phái ở quốc gia này cân nhắc một cách có trách nhiệm, mở ra tia hy vọng về một tương lai xán lạn hơn.

Diễn đàn đối thoại chính trị Li-bi là một phần thiết yếu trong các nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn đã nhấn chìm quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ trong gần chục năm qua, kể từ sau khi nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi bị lật đổ năm 2011. Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội quan trọng ở Li-bi dự kiến diễn ra vào cuối năm 2021 theo lộ trình được xúc tiến tại Diễn đàn này. Để hiện thực hóa các mục tiêu nhằm thiết lập một cơ chế chính trị dân chủ ở Li-bi, các cuộc đàm phán do LHQ chủ trì diễn ra tại Giơ-ne-vơ ngay trong tháng đầu năm này nhằm thể hiện ý chí và quyết tâm của cộng đồng quốc tế nói chung, người dân Li-bi nói riêng, trong việc khôi phục trật tự và ổn định cho quốc gia Bắc Phi. LHQ cho biết, một ủy ban cố vấn cho các đại diện khu vực khác nhau của Li-bi đã đề xuất hướng đi cho việc lựa chọn chính phủ chuyển tiếp có thể dẫn dắt đất nước hướng đến các cuộc bầu cử vào cuối năm nay.

Ủy ban cố vấn gồm 18 thành viên là một phần của Diễn đàn gồm 75 thành viên, đại diện cả ba khu vực chính ở Li-bi. Ủy ban đã đề xuất, cử tri đoàn của mỗi khu vực chỉ định một đại diện cho hội đồng tổng thống ba thành viên. Thủ tướng sẽ do diễn đàn gồm 75 thành viên lựa chọn và ứng cử viên này thắng cử khi có được 70% số phiếu ủng hộ. Diễn đàn sẽ sử dụng các danh sách được xây dựng từ ba khu vực của Li-bi, mỗi danh sách bao gồm bốn ứng cử viên, đề cử cho hội đồng tổng thống và vị trí thủ tướng. Quyền Đặc phái viên của LHQ tại Li-bi, bà X.Uy-li-am cho biết, các thành viên của Ủy ban cố vấn đã thể hiện trách nhiệm của họ với tinh thần xây dựng, nỗ lực hợp tác. Theo quan chức LHQ, chính phủ chuyển tiếp sẽ là “một cơ quan hành pháp thống nhất tạm thời được biên chế với những người yêu nước Li-bi, những người muốn chia sẻ trách nhiệm hơn là chia miếng bánh”. Trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Li-bi, Hội đồng Bảo an LHQ đã phê chuẩn việc bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu G.Cu-bít làm Đặc phái viên của LHQ tại Li-bi, gần một năm sau khi ông G.Xa-la-mê từ chức vị trí này. Đối với một “hồ sơ” phức tạp như cuộc khủng hoảng Li-bi, vai trò Đặc phái viên của LHQ đối mặt không ít thách thức và là một sứ mệnh không dễ dàng.

Cuộc nội chiến ở Li-bi là một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới, khi các phe phái tham chiến nhận sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Hai lực lượng chính trong cuộc xung đột là lực lượng của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) kiểm soát thủ đô Tơ-ri-pô-li, vốn nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Ca-ta, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Li-bi (LNA) kiểm soát thành phố Ben-ga-di hậu thuẫn chính quyền ở miền đông, được Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ai Cập ủng hộ. Dưới sự trung gian của LHQ và cộng đồng quốc tế, GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và hai bên chấp thuận ngày 23-1 tới sẽ là hạn chót để toàn bộ binh sĩ và lính đánh thuê nước ngoài rời Li-bi. LHQ mới đây đánh giá cao cuộc trao đổi tù binh lần thứ hai giữa các phe đối địch tại Li-bi, đồng thời kêu gọi các bên đẩy nhanh việc triển khai các nội dung khác trong thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 10 năm 2020. Cùng với việc chấm dứt lệnh phong tỏa các cơ sở khai thác dầu mỏ ở quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu khu vực, Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Li-bi (UNSMIL) kêu gọi cả hai bên nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán để mở lại tuyến đường ven biển Địa Trung Hải nối thủ đô Tơ-ri-pô-li ở phía tây với thành phố Ben-ga-di ở phía đông, vốn bị cắt đứt do xung đột giữa các lực lượng đối lập.

Trước bầu không khí thuận lợi của Diễn đàn đối thoại chính trị Li-bi do LHQ thúc đẩy, cộng đồng quốc tế kêu gọi người dân Li-bi gạt bỏ bất đồng và chia rẽ để đoàn kết, tạo thành khối thống nhất, coi đây là hành động trách nhiệm nhằm đưa Li-bi thoát khỏi khủng hoảng, trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển.