Bức tranh ảm đạm

Trái với nhận định lạc quan của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2021, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất trình lên Quốc hội đã cảnh báo rằng, dù vắc-xin ngừa Covid-19 mang lại hy vọng chấm dứt “cuộc khủng hoảng Covid-19”, song rủi ro đối với nền kinh tế số một thế giới vẫn còn đáng kể.

Trong bản báo cáo mới công bố, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ lạc quan nhận định rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ vượt qua “bão khủng hoảng” và phục hồi từ đại dịch Covid-19 vào giữa năm 2021, tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 4,6% trong năm nay. CBO cho biết, cơ quan này có dự báo lạc quan hơn về kinh tế Mỹ so với dự báo được đưa ra trước đó là vì tình hình suy thoái không quá nghiêm trọng và giai đoạn phục hồi ban đầu đã diễn ra sớm hơn và mạnh hơn dự đoán. Bên cạnh dự báo của CBO, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lạc quan cho rằng “sức khỏe” kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh sau khi nước Mỹ “phủ sóng” vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc trong những tháng tới.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo của FED, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, triển vọng kinh tế Mỹ trong năm nay chưa chắc chắn và dù việc tiêm vắc-xin được triển khai rộng rãi, nền kinh tế số một thế giới vẫn chưa thể sớm thoát cảnh “ốm yếu” bởi những tác động lâu dài mà đại dịch gây ra. Báo cáo của FED nhấn mạnh, hậu quả của dịch bệnh sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế và thị trường lao động ở Mỹ và trên toàn thế giới, ngay cả khi các chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai. Với tốc độ lây lan đại dịch và việc xuất hiện các biến thể mới dễ lây lan hơn của vi-rút SARS-CoV-2 như hiện nay thì khi nào người dân trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn. Trong khi đó, triển vọng nền kinh tế Mỹ lại phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của đại dịch.

Bên cạnh đó, FED chỉ ra rằng, ngay cả khi “kịch bản” đại dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong năm nay thì những tác động của nó vẫn ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế Mỹ. Chẳng hạn, các doanh nghiệp của Mỹ đang đối mặt nguy cơ phá sản đáng kể do rủi ro mất khả năng thanh toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như tại một số công ty lớn vẫn còn. Dịch Covid-19 vừa qua còn làm gián đoạn việc học tập ở tất cả các cấp bậc trong hệ thống giáo dục. Điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực dai dẳng lên trình độ học vấn và tương lai tài chính của hàng triệu học sinh…

Ngoài các nhận định nêu trên của FED, nếu nhìn vào nội lực kinh tế Mỹ hiện nay cũng có thể thấy việc phục hồi kinh tế còn là chặng đường dài và gian nan. Kinh tế Mỹ trong năm 2020 đã suy giảm 3,5%. Đại dịch đã “tàn phá” nhiều lĩnh vực kinh doanh lớn như nhà hàng và hàng không, đẩy hàng triệu người Mỹ vào cảnh mất việc làm và nghèo đói. Bộ Thương mại Mỹ đánh giá đây là mức suy giảm tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai và là năm đầu tiên GDP suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008. Các thống kê công bố trong tháng 2-2021 này cũng cho thấy “bức tranh ảm đạm” của kinh tế Mỹ. Trong báo cáo vừa công bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong năm 2020 đã tăng 17,7% lên 678,7 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy năng suất lao động của nước này trong quý IV-2020 đã ghi nhận mức giảm 4,8%, là mức mạnh nhất trong 39 năm qua. Khi kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, nợ công của nước Mỹ cũng tăng mạnh. CBO cho biết tổng số nợ của chính phủ liên bang dự kiến sẽ vượt quá quy mô của nền kinh tế Mỹ trong năm nay, chưa tính gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống G.Bai-đơn vừa đề xuất.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong quý I năm nay. Những tín hiệu tiêu cực nêu trên đang “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế Mỹ và báo hiệu nền kinh tế số một thế giới tiếp tục bước vào một năm nhiều khó khăn. Triển vọng u ám của kinh tế Mỹ cũng là tình trạng chung của nhiều nền kinh tế phát triển khác trên thế giới và điều này cho thấy có thể năm 2021 sẽ vẫn là “một năm kinh tế buồn” với toàn cầu.