Bóng mây u ám

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều khu vực trên thế giới rơi vào thời kỳ suy thoái nhất trong lịch sử và kéo lùi sự phát triển. Từ các nền kinh tế tiên tiến, đến các nước kém phát triển đều phải nỗ lực tìm giải pháp nhằm “đảo ngược tình thế” hiện nay. Tuy nhiên, gam màu ảm đạm vẫn bao trùm bức tranh kinh tế toàn cầu.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, trong năm nay, nền kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng, ở mức 5,2%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, thiệt hại có thể ở mức từ 5.800 tỷ đến 8.800 tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% GDP toàn cầu. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 12 nghìn tỷ USD tính đến hết năm 2021. Đây là “cảnh báo đỏ” với tất cả các nước, các khu vực, đặt ra nhiệm vụ cấp bách là nhanh chóng tìm “liều thuốc giảm đau” cho các nền kinh tế chịu thiệt hại nghiêm trọng do dịch bệnh.
 
 Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm 4,8% trong quý đầu năm. Ước tính, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,7% trong năm nay và dịch Covid-19 có thể khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại 7.900 tỷ USD trong thập niên tới. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đối mặt “cú sốc kinh tế” nghiêm trọng. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhận định, sản lượng kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) sẽ giảm từ 5% đến 15% và tăng trưởng kinh tế của Eurozone dự báo giảm 5,4%, khiến năm 2020 ghi dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng năm 1999. Theo WB, GDP của Nga cũng sẽ giảm 6% trong năm nay và đây là mức giảm mạnh nhất trong 11 năm qua.
 
 Tại châu Á, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và một số hoạt động kinh tế quan trọng được khởi động lại, thì các nền kinh tế tiếp tục cảm nhận tác động nặng nề của đại dịch. Theo ADB, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á hầu như không tăng trưởng trong năm 2020. ADB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này còn 0,1%, từ mức 2,2% đưa ra hồi tháng 4; và đây là mức tăng trưởng thấp nhất của châu Á kể từ năm 1961. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo chỉ tăng trưởng 1% trong năm sau khi suy giảm 6,8% trong quý I vừa qua so cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản cũng ghi nhận mức giảm 3,4% trong quý I vừa qua, khi cả tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu đều sụt giảm. Dự báo, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này thậm chí giảm tới 22% trong quý II-2020.
 
 Khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê rơi vào cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử. IMF dự đoán, GDP toàn khu vực sụt giảm 5,2% năm nay, vượt các mức suy giảm nghiêm trọng trong cuộc đại suy thoái thập niên 1930, khủng hoảng kinh tế những năm 1980 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Trong đó, nhiều nền kinh tế khu vực sẽ “tăng trưởng âm”, như Bra-xin với mức âm 9,1%, Mê-hi-cô là âm 10,5% và Ác-hen-ti-na khoảng âm 9,9%. Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CEPAL) của Liên hợp quốc còn cảnh báo, tình trạng “nghèo cùng cực” sẽ gia tăng ở tất cả các quốc gia khu vực này, dự kiến đến cuối năm 2020, số người nghèo sẽ tăng từ 186 triệu người hiện nay lên 214,7 triệu người, tương đương 34,7% tổng dân số khu vực. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Phi do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cũng cho thấy, châu lục này sẽ hứng chịu cuộc suy thoái lớn, với GDP năm nay giảm từ 1,7% đến 3,4%; khoảng 24,6 triệu đến 30 triệu người sẽ thất nghiệp vì Covid-19...
 
 Các gói kích thích tài chính đã được nhiều nước đưa ra nhằm khắc phục hậu quả “bão Covid-19”. Tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ nửa cuối năm nay, Đức kêu gọi các quốc gia thành viên thể hiện sự đoàn kết để thông qua kế hoạch khôi phục kinh tế quy mô lớn, với một “quỹ phục hồi” trị giá tới 750 tỷ ơ-rô nhằm giải quyết hậu quả của đại dịch. Để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh tới đời sống người dân, nhất là những thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội, chính phủ nhiều nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la-tinh cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế. Các chương trình trợ cấp người lao động thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng chi tiêu y tế đã được triển khai rộng khắp...
 
 Hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch, xua tan “bóng mây u ám” che phủ nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước. Song, thế giới chưa thể tự tin về sự hồi phục kinh tế trong “một sớm một chiều”, khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường.