Bài toán ngân sách

Sau hơn 12 giờ nhóm họp hôm 14-6, các bộ trưởng tài chính của Liên hiệp châu Âu (EU) đã nhất trí các điểm chính trong dự thảo ngân sách Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Quyết định này được xem như bước đột phá lớn trong quá trình củng cố Eurozone. Tuy nhiên, EU chưa hết lo về bài toán ngân sách khi các thành viên vẫn bất đồng về dự thảo và việc Anh rời EU (Brexit) có nguy cơ tạo ra lỗ hổng tài chính của khối này.

Theo kế hoạch, thỏa thuận về dự thảo ngân sách sẽ được trình lên lãnh đạo EU phê chuẩn tại Hội nghị cấp cao tuần tới ở Bỉ. Nhận định về sự kiện này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire khẳng định đây là một “bước đột phá lớn trong quá trình củng cố Eurozone”, khi lần đầu tiên tạo ra một ngân sách thực tế giúp các nước Eurozone hội nhập và cạnh tranh hơn. Hiện nay, 28 quốc gia EU có ngân sách chung châu Âu, được thiết lập bảy năm một lần và tương đương 1% tổng thu nhập quốc dân của khối. Ðể có thêm nguồn tài chính như dự định, các chính phủ Eurozone sẽ phải ký một thỏa thuận liên chính phủ đặc biệt, giống như hiệp ước tạo ra quỹ cứu trợ Khu vực sử dụng đồng ơ-rô.

Ngân sách tương lai của Eurozone sẽ là một phần của ngân sách dài hạn sắp tới của EU, bắt đầu từ năm 2021. Mục tiêu của thỏa thuận ngân sách này là làm cho các nền kinh tế của Eurozone cạnh tranh và đồng bộ hóa tốt hơn với nhau, thay vì mục tiêu ổn định như trong thời kỳ suy thoái kinh tế suốt “một thập kỷ mất mát” mà “lục địa già” vừa trải qua. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng, việc thông qua một ngân sách như vậy là “cột mốc quan trọng đánh dấu việc hội nhập Eurozone” và giai đoạn tới rất quan trọng đối với khu vực cả về chính trị và kinh tế.

Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách nêu trên từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hà Lan do lo ngại nguy cơ tài sản chung của khối “chảy vào túi” những quốc gia đang ngập trong nợ như là Italy, Hy Lạp hay Tây Ban Nha… Ðể siết chặt kỷ luật ngân sách cũng như giảm bớt quan ngại của một số thành viên EU về việc ngân sách chung Eurozone chỉ tập trung cho một số nước đang chìm trong “núi nợ”, những ngày gần đây, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã kêu gọi Italy tôn trọng những cam kết của mình để đưa thâm hụt ngân sách trở lại phù hợp với các quy tắc của EU, trong bối cảnh nợ công của Italy lên đến 132,2% GDP trong năm 2018, cao hơn gấp hai lần giới hạn 60% của EU. Về phần mình, Italy đã cam kết sẽ tôn trọng các nguyên tắc tài chính của EU thời gian tới.

Mặc dù các bộ trưởng tài chính của EU hôm 14-6 đã nhất trí các điểm chính trong dự thảo ngân sách Eurozone, song những bất đồng nội khối giữa các quốc gia, tiêu biểu là Pháp, Ðức, Hà Lan… về dự thảo này chưa phải đã chấm dứt. Theo các nguồn tin báo chí châu Âu, Tổng thống Pháp E.Macron muốn đề xuất một khoản tiền lên tới vài trăm tỷ ơ-rô nhằm bình ổn kinh tế cho các nước yếu thuộc Eurozone, song đề xuất này đã bị bác bỏ. Hà Lan và một số nước khác nhấn mạnh rằng, công cụ ngân sách này vẫn phải là một phần của ngân sách EU, vì thế quy mô của gói ngân sách này chỉ là 17 tỷ ơ-rô trong vòng bảy năm và không có cơ hội nới rộng. Tổng thống Pháp cũng muốn tạo ra một ghế Bộ trưởng Eurozone, nhưng Ðức, Hà Lan và một số nước khác không muốn như vậy, họ muốn quyền quyết định về kinh tế vẫn phải nằm trong tay 27 quốc gia thành viên (sau khi Anh rời EU).

Ngoài việc các thành viên vẫn bất đồng về dự thảo ngân sách Eurozone, EU còn đối mặt một khó khăn nữa là việc Anh rời “mái nhà chung châu Âu” có thể để lại một “khoảng trống” về tài chính khi nước này không còn góp tiền cho ngân sách của khối. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất 168 tỷ ơ-rô cho dự thảo ngân sách EU năm 2020, trong đó bao gồm cả Anh, do hiện tại nước này vẫn chưa rời EU. Dự thảo ngân sách đang chờ để được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Tuy nhiên, Ủy viên EU phụ trách Nguồn nhân lực và Ngân sách G.Oettinger cảnh báo, nếu Anh vẫn rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, liên minh này sẽ phải đối mặt với tình huống thiếu hụt ngân sách 12 tỷ ơ-rô. Bởi theo thỏa thuận mà Chính phủ Anh đạt được với EU cuối năm 2018, Anh sẽ tiếp tục phải trả phần đóng góp của mình cho ngân sách “ngôi nhà chung” đến cuối giai đoạn ngân sách 2014-2020. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Anh bất ngờ thông báo từ chức vừa qua có thể dẫn đến việc Anh rời EU không có thỏa thuận, hoặc sẽ không trả thêm bất kỳ khoản đóng góp nào cho ngân sách EU. Khi đó, EU sẽ buộc phải tìm cách để lấp “khoảng trống” ngân sách mà London để lại hậu Brexit.

Trong suốt thập kỷ sau khủng hoảng kinh tế vừa qua, các thành viên EU luôn bất đồng về vấn đề tài chính. Những chia rẽ và bài toán ngân sách cho Eurozone và EU cho thấy, dù khủng hoảng kinh tế đã lắng xuống, song sự chia rẽ trong nội bộ EU vẫn không giảm. Lý do là một khi khối EU mở rộng và có thêm nhiều thành viên mới với trình độ phát triển rất khác nhau, việc tìm “tiếng nói chung” luôn là bài toán nan giải.