Áp lực đầu năm mới

Mang theo một ba-lô nhỏ, Mai-nơ Gác-xi-a rời quê nhà ở Xan Pê-đrô Xu-la (On-đu-rát) hòa vào dòng người hối hả tiến về biên giới Goa-tê-ma-la trong đêm. Hàng nghìn người như thế, từ khắp nơi ở On-đu-rát đã vượt hàng rào an ninh, mạo hiểm trên hành trình tìm "giấc mơ Mỹ". Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đoàn "ca-ra-van di cư" khởi hành ngay đầu năm mới đã đưa áp lực trở lại với chính phủ các nước trong khu vực.

Mai-Nơ Gác-xi-a là một trong những người may mắn đến được thành phố Cô-rin-tô của Goa-tê-ma-la, sau hành trình dài hơn 100 km từ quê nhà ở On-đu-rát. Chia sẻ với phóng viên, chàng thanh niên 19 tuổi nói về nỗi sợ hãi thường trực suốt chặng đường dài, song vẫn khẳng định quyết tâm rời quê hương, nơi anh không thể tìm được việc làm, cuộc sống càng khó khăn sau khi những cơn bão kinh hoàng vừa qua phá hủy mọi thứ.

Từ một nhóm khoảng 300 người, xuất phát hôm 14-1 từ thành phố Xan Pê-đrô Xu-la của On-đu-rát, đoàn "ca-ra-van di cư" lớn dần theo hành trình hướng đến các thành phố biên giới Cô-rin-tô và A-goa Ca-li-en-tê của Goa-tê-ma-la. Có tới 7.000 cảnh sát và nhân viên an ninh On-đu-rát được huy động ngăn cản, song hàng nghìn người đã vào được lãnh thổ Goa-tê-ma-la, từ đó tiếp tục hành trình đến Mê-hi-cô rồi tìm cách vượt biên giới vào Mỹ. Ðoàn người di cư chia thành các nhóm hàng trăm người, hối hả di chuyển xuyên đêm. Ðến ngày 15-1, khoảng 7.000 người di cư đã vào lãnh thổ Goa-tê-ma-la, sau nhiều vụ đụng độ và nỗ lực phá vòng phong tỏa của các lực lượng an ninh.

Ðoàn người di cư đông đúc không phải hình ảnh mới xuất hiện ở khu vực Trung Mỹ. Ước tính, mỗi năm có hàng nghìn người, chủ yếu từ các nước On-đu-rát, Goa-tê-ma-la và En Xan-va-đo, gia nhập đoàn "ca-ra-van di cư" hướng đến biên giới Mê-hi-cô để vào Mỹ. Trên hành trình dài đó, họ chịu nhiều rủi ro và nguy hiểm, thậm chí bị các nhóm tội phạm bắt cóc và giết hại. Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), năm 2020, có khoảng 380 người di cư chết và mất tích chỉ riêng ở khu vực biên giới Mê-hi-cô - Mỹ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, việc các nước đóng cửa biên giới và siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch đã phần nào giúp giảm nhẹ tình trạng di cư bất hợp pháp trong năm 2020.

Tuy nhiên, kinh tế sa sút do đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bạo lực. Hai cơn bão lớn liên tiếp là Eta và Iota hồi tháng 11-2020 khiến số người thiếu lương thực tăng mạnh ở On-đu-rát và nhiều nước trong khu vực. Ðể phục hồi kinh tế, một số nước nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi đó, nước Mỹ sắp có chính quyền mới và Tổng thống đắc cử G.Bai-đơn từng cam kết thiết lập hệ thống nhập cư công bằng, nhân đạo; gia tăng hỗ trợ các nước nhằm giải quyết những yếu tố dẫn đến tình trạng người di cư Trung Mỹ bất chấp nguy hiểm tìm đường vào Mỹ. Bối cảnh nêu trên là lý do làm bùng nổ trở lại dòng người di cư trong những ngày đầu năm mới 2021.

Mỹ từng hỗ trợ các nước Trung Mỹ, đã ký thỏa thuận với Mê-hi-cô, Goa-tê-ma-la và On-đu-rát về phối hợp ngăn chặn làn sóng di cư. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khu vực này vẫn chưa tìm được lối thoát. Một phần do căn nguyên gốc rễ của nạn di cư trái phép chưa được giải quyết rốt ráo, đó là tình trạng nghèo đói, thiếu việc làm và bất ổn xã hội tại những quốc gia Trung Mỹ. Với Mỹ, vấn đề người nhập cư trái phép luôn nhức nhối, cho dù, chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Ð.Trăm từng theo đuổi chính sách cứng rắn, sử dụng cả "gậy trừng phạt" là rút lại viện trợ ba nước Trung Mỹ, nhất là quyết đeo đuổi đến cùng dự án "tường biên giới" với Mê-hi-cô.

Ngay khi đoàn người di cư Trung Mỹ xuất phát từ On-đu-rát, lãnh đạo Mê-hi-cô đã có cuộc trao đổi với Tổng thống đắc cử Mỹ G.Bai-đơn, nêu khả năng ký kết chương trình hợp tác mới. Trước đó, hôm 11-1, giới chức các nước Trung Mỹ đã thảo luận các giải pháp khẩn cấp để ngăn dòng người di cư trái phép. Các bên thừa nhận, cuộc khủng hoảng di cư là thách thức chung của khu vực, không quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết, mà phải thông qua hợp tác và chia sẻ trách nhiệm, trên tinh thần tôn trọng quyền của người di cư phù hợp luật pháp quốc gia và các cam kết quốc tế.

Hình ảnh đoàn người di cư hối hả hướng về biên giới Mỹ chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử G.Bai-đơn đã tạo áp lực mới với tân lãnh đạo Nhà trắng. Ðể giảm sức ép ở biên giới nước Mỹ, không chỉ cần những biện pháp ngăn chặn, mà cần hỗ trợ các dự án phát triển, tạo việc làm, bảo đảm ổn định tại những nơi là điểm xuất phát của dòng người di cư.