Áp lực cần giải tỏa

Trong nỗ lực giải tỏa áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran hối thúc châu Âu thực hiện cam kết bảo đảm lợi ích của Tehran, giúp khôi phục hợp tác trong những lĩnh vực “sống còn” của nền kinh tế quốc gia Hồi giáo là ngân hàng và công nghiệp dầu mỏ. Tuy nhiên, đây là yêu cầu khó đối với châu Âu, khi các cường quốc khu vực đối mặt tình thế “đứng giữa hai dòng nước” trong quan hệ với Mỹ và Iran.

Trong cuộc điện đàm thứ hai với người đồng cấp Pháp E.Macron chỉ trong vòng một tuần, Tổng thống Iran H.Rouhani đã thẳng thắn tuyên bố rằng, việc khôi phục hợp tác với thế giới trong lĩnh vực ngân hàng và xuất khẩu dầu mỏ là quyền cơ bản nhất về kinh tế của Iran và cũng là yêu cầu tối thiểu mà Tehran trông đợi từ thỏa thuận hạt nhân. Tuyên bố này dường như cho thấy, Tehran đã chạm giới hạn của sự chịu đựng, khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang “bóp nghẹt” nền kinh tế Iran. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự đoán kinh tế Iran sẽ giảm sút nghiêm trọng trong năm nay, khi nguồn thu ngân sách sụt mạnh, đồng nội tệ mất giá và lạm phát tăng. Việc Mỹ gia tăng trừng phạt đánh thẳng vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Iran, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Ðối mặt khó khăn kinh tế, Iran mới đây yêu cầu các nước châu Âu vốn đã cùng ký kết thỏa thuận hạt nhân, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA, phải thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan việc thanh toán tiền mua dầu cho Iran. Tehran cũng đặt ra mức yêu cầu tối thiểu về lượng dầu được phép xuất khẩu theo JCPOA là 2,8 triệu thùng/ngày.

Những đề nghị thẳng thắn và cấp thiết từ phía Iran được đưa ra trong bối cảnh cơ chế thanh toán Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), mà châu Âu thiết lập nhằm giúp Iran bảo đảm giao thương và “né” các lệnh trừng phạt của Mỹ, vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, kênh thanh toán đặc biệt này dường như bị vô hiệu hóa bởi nhiều rào cản. INSTEX chưa thể giúp khôi phục hoạt động trao đổi thương mại giữa Iran và Liên hiệp châu Âu (EU), do thiếu các nguồn ngân quỹ trả trước để bù đắp cho Iran. Tehran cho rằng, cơ chế của EU thiếu tính khả thi trong việc trả tiền mua dầu của quốc gia Hồi giáo.

Châu Âu vẫn loay hoay tìm một giải pháp nhằm “cứu” JCPOA, trong khi Iran liên tiếp tuyên bố tăng cấp độ làm giàu u-ra-ni, cũng như vượt giới hạn về dự trữ u-ra-ni làm giàu ở cấp thấp, những động thái đe dọa làm đổ vỡ thỏa thuận lịch sử. Trong khi đó, châu Âu đang ở thế kẹt, giữa một bên là sức ép của Mỹ ngăn châu Âu mua dầu của Iran và bên kia là những đòi hỏi khẩn thiết từ Tehran về việc kích hoạt INSTEX. Tổng thống Pháp E.Macron đã phải xoa dịu Tehran, bằng việc nhắc lại những cam kết của Paris ủng hộ nỗ lực duy trì JCPOA, đồng thời nỗ lực tìm giải pháp có lợi cho Iran và được tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân chấp thuận.

Mỹ và Iran thì vẫn tiếp tục các động thái “nắn gân” lẫn nhau. Tehran một mặt dọa rút khỏi JCPOA, mặt khác liên tiếp công bố thành tựu về quốc phòng. Mới đây nhất, khi ra mắt ba tên lửa dẫn đường chính xác do Iran mới chế tạo, Bộ trưởng Quốc phòng A.Hatami khẳng định, Tehran đã sẵn sàng tự vệ trước những mưu đồ của Washington. Trong khi đó, Mỹ mời các đồng minh Anh, Australia, Pháp, Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc... tham gia “sứ mệnh an ninh biển” tại vùng Vịnh, nhằm bảo vệ các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz. Cơ quan Hàng hải Mỹ còn cảnh báo về “mối đe dọa Iran”, kêu gọi các tàu thương mại treo cờ Mỹ gửi trước các kế hoạch đi qua eo biển Hormuz và vùng Vịnh...

Trước sự hối thúc của Iran, những nỗ lực cứu JCPOA đã được châu Âu xúc tiến, song chưa hiệu quả. Việc nền kinh tế Iran ngày càng “ngấm đòn trừng phạt” từ Mỹ khiến Tehran dần cạn kiệt kiên nhẫn khi chờ đợi “liều thuốc giải” từ châu Âu. Nếu các đối tác của Iran không thể thực hiện những điều đã hứa và Mỹ không ngừng gia tăng áp lực trừng phạt, thì không loại trừ “kịch bản xấu” có thể xảy ra, đe dọa an ninh, ổn định của cả khu vực.