Ánh sáng cuối đường hầm

Nhiều nền kinh tế đang đứng trước áp lực bị ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa và dự báo tăng trưởng tiếp tục suy giảm, bất chấp các gói kích thích đã được đưa ra. Triển vọng phục hồi còn mong manh, song không vì thế mà mất đi những tia hy vọng về "ánh sáng cuối đường hầm".

Niềm hy vọng về đà phục hồi kinh tế trong năm nay đã nhanh chóng bị phai nhạt do sự xuất hiện các biến thể mới của Covid-19. Những con số thống kê cho thấy, một số nền kinh tế rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, bên trong "bức tranh màu xám" của nền kinh tế toàn cầu nói chung, vẫn có những "điểm sáng" làm dấy lên tia hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Tại châu Á, Văn phòng Chính phủ Nhật Bản cho biết, GDP thực tế của nước này trong quý IV-2020 đã tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước đó. Ðây là quý tăng trưởng thứ hai liên tiếp của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát. Nếu xét cả năm 2020, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 4,8%, song với mức GDP thực tế trong quý cuối cùng của năm ngoái tăng 3% so với quý trước đó, nền kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục phục hồi mạnh bất chấp đại dịch. Nhiều chuyên gia dự báo đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản có thể tạm ngưng trong quý I-2021 sau khi dịch bùng phát trở lại, song "đất nước Mặt trời mọc" vẫn không từ bỏ hy vọng về khả năng phục hồi như thời điểm nửa sau của năm ngoái. Ấn Ðộ cũng được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo GDP trong tài khóa 2021 - 2022 theo hướng tăng mạnh. Quốc gia Nam Á được cho là sẽ ghi nhận mức tăng 6,8% trong tài khóa 2022-2023, thuộc nhóm những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Nền kinh tế Mỹ cũng hy vọng được hỗ trợ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đề xuất gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào giữa năm 2021, sớm hơn so với dự đoán mà CBO đưa ra hồi năm ngoái, và tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 4,6% trong năm 2021. Dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ giảm dần cho tới năm 2026; đến năm 2024, hoạt động tuyển dụng lao động mới có thể quay trở lại mức như thời kỳ trước đại dịch, trong khi lực lượng lao động sẽ phục hồi vào năm 2022. Tuy nhiên, CBO cho rằng, thị trường lao động sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục do hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ. Hoạt động chế tạo của Mỹ cũng được dự báo duy trì đà phục hồi trong năm 2021, dù không được như kỳ vọng. Theo kết quả khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM), chỉ số hoạt động sản xuất toàn quốc trong tháng 1 đứng ở mức 58,7, thấp hơn so với mức dự báo 60 trước đó, song vẫn trên mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Ðây là tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số ISM ghi nhận sự tăng trưởng sau khi sụt giảm kể từ khi đại dịch bùng phát. Các nhà sản xuất lạc quan về hoạt động trong tương lai khi chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, mức giảm 3,1% GDP của Nga trong năm 2020 thấp hơn một chút so với dự báo 3,9%. Chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch quốc gia về khôi phục nền kinh tế đến năm 2024, trong đó đặt mục tiêu bảo đảm khôi phục việc làm và thu nhập cho người dân, tăng trưởng kinh tế và những thay đổi cơ cấu lâu dài.

Liên hiệp châu Âu (EU) kỳ vọng nền kinh tế khu vực có thể sẽ phục hồi trong quý II-2021, khi việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được tăng tốc cho phép chính phủ các nước dỡ dần các biện pháp cách ly xã hội. Nền kinh tế khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã giảm 0,7% trong quý IV-2020 so với quý trước đó và được dự báo sẽ suy giảm ít hơn trong quý đầu của năm nay. Theo dự báo của IMF, nếu nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay, thì nền kinh tế Eurozone chỉ có thể trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2022. Châu Âu có thể phục hồi chậm hơn vì các cơ quan quản lý y tế EU mất nhiều thời gian hơn Mỹ hay Anh trong việc phê duyệt vắc-xin cho người dân. Tuy nhiên, sự phục hồi của châu Âu sẽ được thúc đẩy nhờ kế hoạch vay và chi 750 tỷ ơ-rô của EU sơ bộ được triển khai.

Trong bối cảnh thế giới vừa phải gồng mình chống dịch, vừa nỗ lực phát triển kinh tế, IMF kêu gọi chính phủ các nước cần hành động nhanh chóng để bảo đảm phân bổ vắc-xin, bảo vệ những gia đình dễ bị tổn thương nhất, cùng những công ty đủ khả năng tồn tại, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi ổn định và mang tính bao trùm. Chuyên gia IMF cũng nhấn mạnh các chính sách tài chính khuyến khích nền kinh tế chuyển đổi xanh, kỹ thuật số và toàn diện trong môi trường hậu Covid-19. Các gói kích thích, cùng chiến dịch tiêm phòng vắc-xin đang từng bước được các nước triển khai, sẽ là những nhân tố tích cực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, cho dù con đường phía trước còn gian nan.