Bình luận quốc tế

Lựa chọn ưu tiên

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 đang đẩy người lao động toàn cầu tới gần một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy. Nguy cơ "làn sóng Covid-19 thứ hai" càng khiến triển vọng phục hồi thị trường việc làm thêm khó đoán định. Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi xây dựng chính sách ứng phó dịch bệnh trên cơ sở cách tiếp cận toàn diện, ưu tiên mục tiêu tạo việc làm.

Tại Hội nghị cấp cao trực tuyến của ILO hôm 8-7, Tổng Giám đốc ILO G.Rai-đơ nhấn mạnh, thế giới cận kề một cuộc "khủng hoảng việc làm" do tác động khôn lường của dịch Covid-19. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét nêu rõ, việc xử lý tác động của dịch bệnh, vốn đã lấy đi hàng triệu việc làm trên thế giới, không đơn thuần là lựa chọn giữa sức khỏe, kinh tế hay việc làm. Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc các biện pháp toàn diện và cân bằng giữa ứng phó dịch và khôi phục kinh tế, trong đó bảo vệ việc làm cho người lao động là một trong những ưu tiên. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng kêu gọi, các chính sách phải đặt nền móng cho sự phục hồi kinh tế bền vững, tạo nhiều việc làm và hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu...

Những nhận định và kêu gọi khẩn cấp nêu trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường lao động thế giới đối mặt những thách thức vô cùng lớn. Báo cáo mới nhất của ILO đã chỉ rõ: Tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trung bình giảm 14% trong quý II - 2020, tức là có khoảng 400 triệu người lao động toàn thời gian mất việc làm. Ðây là mức giảm sâu, so dự báo của ILO là khoảng 10%. Tình hình ngày càng xấu ở nhiều khu vực, nhất là tại các nước đang phát triển. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại khu vực Mỹ la-tinh, với lượng giờ làm việc giảm ở mức 18,3%; châu Âu và khu vực Trung Á là 13,9%; khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 13,5%...

Tại châu Á, hầu hết các nền kinh tế đều ghi nhận mức gia tăng số việc làm "biến mất". Ðơn cử, tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Phi-li-pin lên 17,7%, tăng ba lần so mức trung bình giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4-2020; tỷ lệ này tại Trung Quốc là 5,9%. Tại Nhật Bản, số lao động mất việc làm trong tháng 4 "lập kỷ lục" là sáu triệu người, so con số 2,5 triệu người trong tháng trước đó. Hay, tại Ấn Ðộ, đến cuối tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp cũng lên 8,5%...

Tuy nhiên, đó mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Những con số được công bố vẫn chưa phản ánh đúng bức tranh u ám về thị trường lao động tại nhiều nước. Theo giới chuyên gia, ở châu Á, số người lao động làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức và số lao động di cư là rất lớn, trong khi các số liệu chính thức chưa đề cập đầy đủ thực trạng này. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp thực tế còn cao hơn nhiều. Thực trạng việc làm ở một số nền kinh tế chưa đến mức báo động, song theo nhiều chuyên gia, thách thức với thị trường lao động là rất lớn. Cú sốc Covid-19 gây hậu quả nặng nề nhất đối với lĩnh vực dịch vụ, mà đây lại là những ngành kinh tế nắm giữ tỷ lệ cơ hội việc làm rất cao, trong khi lại bị xem là có khả năng phục hồi chậm sau đại dịch. Chưa kể, nếu "làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai" bùng phát, nguy cơ mất việc làm lại càng cao với người lao động, nhất là tại châu Á, do xuất khẩu giảm mạnh vì khó khăn gia tăng tại các nền kinh tế phương Tây.

Các quốc gia đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động, thậm chí với mức độ và phạm vi lớn chưa từng có. Song, theo ILO, thách thức tới đây vẫn rất lớn. Báo cáo của ILO phác thảo các "kịch bản", tùy thuộc diễn biến của dịch Covid-19, nhằm khuyến khích các quốc gia lựa chọn chính sách phù hợp, với mục tiêu ưu tiên là tạo việc làm. Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN hồi tháng 5, các nước trong khu vực đã nhất trí phối hợp nhằm khôi phục thị trường lao động, thông qua hỗ trợ kịp thời, cả về y tế lẫn sinh kế cho người lao động, nhất là người có thu nhập thấp và lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, hay các ngành có rủi ro cao trước tác động của đại dịch.

Theo nhận định của ILO, triển vọng thị trường lao động toàn cầu nửa cuối năm 2020 vẫn "rất không ổn định", chỉ có thể được cải thiện và phục hồi với những nỗ lực rất lớn, của từng quốc gia, lẫn phối hợp chính sách giữa các nước, các khu vực. Tổng Giám đốc ILO G.Rai-đơ nhấn mạnh, đây là thời điểm để thế giới cùng nhau khởi động công cuộc phục hồi kinh tế chú trọng tạo nhiều việc làm, cân bằng và bền vững.

Ninh Sơn