"Liều thuốc khẩn cấp"

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) C.La-gác-đơ vừa nhấn mạnh rằng, châu Âu cần sớm triển khai quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ ơ-rô trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Ðây được xem là "liều thuốc khẩn cấp" khi hoạt động kinh tế trên toàn khu vực trở lại ngưỡng suy giảm trong tháng 10 này.


Bà C.La-gác-đơ đưa ra tuyên bố nêu trên trong phát biểu với báo Le Monde của Pháp cuối tuần qua. Theo Chủ tịch ECB, mục tiêu đặt ra là quỹ phục hồi kinh tế nêu trên sẽ được triển khai vào đầu năm 2021 và quốc hội các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) thông qua việc thành lập quỹ này. Chủ tịch ECB nhấn mạnh rằng, chương trình kích thích kinh tế thông qua quỹ phục hồi cần phải nhắm đúng mục tiêu, nếu không sẽ không thể hỗ trợ thật sự cho các nền kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu nên cân nhắc việc thành lập quỹ này theo hướng lâu dài. Ðây đang là vấn đề các nhà lãnh đạo EU còn bất đồng.

Tuyên bố nêu trên của người đứng đầu ECB được đưa ra trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai đã bùng phát mạnh ở châu Âu những ngày gần đây và một lần nữa đẩy kinh tế khu vực vào "vũng lầy suy thoái". Thống kê của Công ty dữ liệu IHS Markit vừa công bố cho thấy, chỉ số PMI của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) trong tháng 10 đã giảm xuống mức 49,2 điểm, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này sụt giảm và đây cũng là mức thấp nhất trong bốn tháng qua. Chỉ số PMI dưới 50 điểm phản ánh nền kinh tế đang suy giảm và đây là "hồi chuông báo động" về sức khỏe kinh tế châu Âu. Ðánh giá về các nền kinh tế khu vực, IHS Markit nhận định rằng, nền kinh tế đầu tàu châu Âu là Ðức là điểm sáng duy nhất, trong khi Pháp và phần còn lại của Eurozone tiếp tục trượt sâu hơn theo xu hướng suy giảm. Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit nhận định rằng, hoạt động kinh tế trên toàn khu vực EU đã trở lại ngưỡng suy giảm trong tháng 10 khi lĩnh vực dịch vụ suy giảm nặng nề vì tâm lý lo ngại đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Cùng với các chỉ số kinh tế vĩ mô suy yếu, làn sóng thất nghiệp cũng nghiêm trọng hơn tại châu Âu từ tháng 8 đến nay. Theo số liệu chính thức của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thành viên Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng 8-2020, từ mức 7,9% của tháng 7. Eurostat cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 8, tại Eurozone có khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp và số người mất việc làm tăng 251.000 người. Các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo đáng lo ngại rằng, tỷ lệ thất nghiệp nêu trên tại châu Âu có thể còn tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm, khi các chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn. Trong khi đó, làn sóng Covid-19 thứ hai khiến nhiều nước châu Âu quyết định áp đặt lại các lệnh hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động xã hội và doanh nghiệp. Kinh tế Eurozone đã phục hồi tích cực trong cuối quý II vừa qua, nhưng "mây đen u ám" đã trở lại khi nhiều quốc gia buộc phải thực hiện chính sách hạn chế đi lại và đóng cửa với các nước láng giềng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo nền kinh tế Eurozone sẽ "chứng kiến một cú sốc lịch sử trong năm 2020" với mức suy giảm 8,3% trong năm nay. Các chuyên gia của IMF cảnh báo tình hình kinh tế khu vực có thể sẽ còn tệ hơn và khuyến cáo các nước châu Âu chi tiêu mạnh tay để ngăn chặn các "cú rơi tự do" của nền kinh tế do đại dịch Covid-19. Theo định chế tài chính này, gói phục hồi trị giá 750 tỷ ơ-rô là một giải pháp đúng hướng trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế châu Âu.

Trong bối cảnh nêu trên, việc ECB tuyên bố sớm triển khai quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ
ơ-rô có thể xem là một "liều thuốc tăng lực" kịp thời và cần thiết cho khu vực. Bên cạnh đó, sức ép phục hồi kinh tế có thể cũng sẽ buộc các nhà lãnh đạo châu Âu thu hẹp bất đồng về các chi tiết của cơ chế trợ cấp và cho vay trong nhiều năm có tên là "Thế hệ tiếp theo của EU". Một khi cơ chế này được vận hành, ECB sẽ có thêm "liều thuốc tài chính" mạnh để giúp các quốc gia châu Âu vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.