Bình luận quốc tế

Không bỏ lỡ cơ hội

Bất chấp một số tín hiệu tích cực từ phía chính quyền mới ở Mỹ về khả năng cải thiện quan hệ với I-ran, quốc gia Hồi giáo tiếp tục tung ra các hành động nhằm gây sức ép với phương Tây.

Việc Tê-hê-ran chính thức thực thi điều luật của Quốc hội về hạn chế hoạt động thanh sát quốc tế đối với cơ sở hạt nhân của I-ran khiến cả Mỹ và các đồng minh châu Âu thêm nghi ngại về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran.

Chính quyền mới ở Mỹ đã có những bước đầu tiên tỏ thiện chí với I-ran, khi Oa-sinh-tơn nới lỏng hạn chế đi lại trong nước đối với các nhà ngoại giao I-ran tại Liên hợp quốc. Sau khi tham vấn Mỹ, Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép giải phóng khối tài sản của I-ran bị phong tỏa ở các ngân hàng Hàn Quốc. Xơ-un đàm phán với Oa-sinh-tơn về biện pháp giải phóng số tiền bảy tỷ USD của I-ran bị "đóng băng" mà không vi phạm các lệnh trừng phạt, gồm mở rộng hợp tác thương mại nhân đạo với quốc gia Trung Ðông. Những động thái từ phía Mỹ nhằm làm dịu mối quan hệ vốn rơi vào thế đối đầu với I-ran từ thời chính quyền cựu Tổng thống Ð.Trăm. Mặc dù coi đó là các bước đi mang tính xây dựng từ Oa-sinh-tơn, song Tê-hê-ran khẳng định Mỹ vẫn hành động chưa đủ trong việc thực hiện các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. I-ran kiên quyết đòi Mỹ xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt vốn đẩy nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo rơi vào khủng hoảng.

Trong các bước đi được cho là nhằm tiếp tục gây sức ép đối với Mỹ và châu Âu, I-ran tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bất chấp việc đạt thỏa thuận tạm thời với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về kéo dài ba tháng cho phép IAEA tiếp tục thực hiện hoạt động thanh sát hạt nhân, I-ran vẫn cắt giảm hợp tác với IAEA. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran cho biết, Tê-hê-ran dự kiến ngừng gửi cho IAEA các đoạn vi-đê-ô tư liệu hiện được I-ran cung cấp hằng ngày và hằng tuần.

Tê-hê-ran nhấn mạnh chỉ chuyển giao vi-đê-ô trong trường hợp I-ran được nới lỏng trừng phạt; ngược lại, những đoạn băng ghi hình này sẽ bị xóa. Nhà lãnh đạo tối cao của I-ran, Ðại giáo chủ A.Kha-mê-ni mới đây tuyên bố, nước này có thể làm giàu u-ra-ni có độ tinh khiết lên tới 60% trong trường hợp cần thiết và Tê-hê-ran sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ đối với hoạt động phát triển hạt nhân. Theo báo cáo bổ sung của IAEA, kho lưu trữ u-ra-ni được làm giàu của I-ran hiện gấp hơn 14 lần mức quy định theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Lượng u-ra-ni đã làm giàu của I-ran đạt 2.967,8 kg, trong khi theo JCPOA, mức giới hạn chỉ là 300 kg dạng hỗn hợp (UF6), tương đương 202 kg u-ra-ni. I-ran hiện sản xuất được 17,6 kg u-ra-ni làm giàu lên mức 20%. IAEA còn bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng tồn tại vật chất hạt nhân tại một cơ sở mà I-ran chưa khai báo.

Trước thái độ của I-ran, ba cường quốc châu Âu tham gia JCPOA là Anh, Pháp và Ðức lên tiếng bày tỏ tiếc nuối sâu sắc với quyết định của I-ran giảm hợp tác với IAEA. Các nước này cho rằng, hành động của Tê-hê-ran sẽ cản trở IAEA tiếp cận các cơ sở hạt nhân, cũng như hạn chế những thông tin liên quan về các biện pháp an toàn. Tuy nhiên, ba nước châu Âu nhấn mạnh tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm đưa I-ran và Mỹ quay trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA và bảo vệ thỏa thuận lịch sử này. Người đứng đầu lực lượng Mỹ ở Trung Ðông, Tướng Mắc Ken-di kêu gọi I-ran không nên có hành động gây phương hại các nỗ lực xây dựng lại lòng tin giữa hai bên, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc, hai quốc gia tham gia JCPOA, hoan nghênh việc I-ran đạt thỏa thuận tạm thời với IAEA, đồng thời kêu gọi đối thoại Mỹ - I-ran nhằm đưa Mỹ trở lại JCPOA.

Những động thái từ phía Mỹ và I-ran khiến dư luận thận trọng hơn về triển vọng "tan băng" trong quan hệ giữa hai quốc gia từng nhiều năm đối đầu. Mặc dù phía I-ran đang đánh giá ý tưởng về một cuộc gặp không chính thức với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân, trong đó Mỹ cũng được mời tham dự, song thực tế giữa Tê-hê-ran và Oa-sinh-tơn còn nhiều bất đồng khó hóa giải.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi cả Mỹ và I-ran tận dụng những biến chuyển tích cực gần đây trong quan hệ hai bên để tiến hành đối thoại, mở ra cơ hội hồi sinh JCPOA, như Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn từng đề cập.

HOÀNG ANH