“Cú sốc kép”

Trải qua hai đợt “sóng lớn” do đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, nền kinh tế các quốc gia vùng Vịnh lao đao, đối mặt áp lực tài chính nặng nề. Tân Bộ trưởng Tài chính của Iraq A.Allawi đã tới A-rập Xê-út nhằm tìm kiếm nguồn hỗ trợ khẩn cấp để ngăn chặn khủng hoảng, trong bối cảnh cường quốc dầu mỏ này cũng đang chật vật vượt qua khó khăn.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành tài chính Iraq, Bộ trưởng A-la-uy ưu tiên tìm kiếm các nguồn tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách. Ngoài A-rập Xê-út, Iraq cũng "gõ cửa" Kuwait và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính. Sau khi giá dầu liên tục giảm mạnh, Iraq phải đối mặt cuộc khủng hoảng thanh khoản, làm dấy lên lo ngại về khả năng chi trả lương cho khoảng bốn triệu công chức, cũng như các quỹ lương hưu và phúc lợi xã hội cho khoảng bốn triệu người ở nước này. Chính phủ Iraq dự kiến dành gần bốn tỷ USD/tháng để trả lương công chức trong năm 2020, nhưng thu ngân sách chỉ đạt 1,4 tỷ USD trong tháng 4 vừa qua, do giá dầu giảm sâu, trong khi đây lại là nguồn thu duy nhất để trang trải các khoản chi tiêu ngân sách chính thức.

Thủ tướng mới của Iraq M.Kadhimi nhậm chức trong bối cảnh nước này đối mặt khó khăn chồng chất, khi nền kinh tế suy thoái, đời sống người dân ngày càng đi xuống, vốn khơi mào cho làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua. Ðại dịch Covid-19 tác động sâu sắc và làm trầm trọng thêm gánh nặng kinh tế và các vấn đề xã hội của Iraq. Giá dầu giảm mạnh khiến nguồn thu của Iraq sụt giảm nghiêm trọng, từ khoảng sáu tỷ USD trong tháng 2 xuống 1,4 tỷ USD trong tháng 4, chưa bằng một phần năm thu nhập cùng kỳ năm 2019. Mức thu như vậy đồng nghĩa đẩy Iraq tới bờ vực đổ vỡ ngân sách tài chính, bởi nước này vốn dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ để trang trải hơn 90% tổng chi tiêu của chính phủ.

Là nhà sản xuất lớn nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), A-rập Xê-út cũng không tránh khỏi chịu tác động mạnh của tình trạng giá dầu tụt dốc thời gian qua. Ðể ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường dầu mỏ, các nước OPEC cùng đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+) đã nhất trí giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6. Nhiều nước OPEC quyết định cắt giảm sâu sản lượng dầu thô để hỗ trợ giá dầu. A-rập Xê-út cho biết sẽ giảm sản lượng thêm một triệu thùng/ngày trong tháng 6 tới, tương đương 1% nguồn cung dầu toàn cầu, qua đó đưa sản lượng khai thác xuống còn 7,5 triệu thùng/ngày. Giá dầu giảm mạnh đã khiến lợi nhuận kinh doanh trong quý đầu năm nay của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco của A-rập Xê-út giảm tới 25%. Lãi ròng trong quý I của tập đoàn giảm khoảng 16,66 tỷ USD. Tập đoàn cho biết sẽ giảm chi tiêu trong năm nay, từ 32,8 tỷ USD năm 2019 còn khoảng 25 tỷ đến 30 tỷ USD. Saudi Aramco hiện đang phải thích ứng với môi trường kinh doanh liên tục biến động và vô cùng phức tạp. Kể từ đầu năm nay, cổ phiếu của tập đoàn này đã mất 12% giá trị.

A-rập Xê-út đang phải chịu áp lực tài chính từ việc giá dầu giảm sâu, trong khi các biện pháp chống dịch Covid-19 có khả năng làm ảnh hưởng tới tốc độ và quy mô cải cách kinh tế của "vương quốc dầu mỏ". Mặc dù Bộ trưởng Tài chính vẫn khẳng định nền kinh tế nước này rất vững chắc và có khả năng đối phó khủng hoảng do Covid-19 gây ra, song "ông lớn dầu mỏ" vẫn không tránh khỏi phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu. Theo IMF, nền kinh tế của A-rập Xê-út dự báo giảm 2,3% trong năm nay so với mức tăng trưởng 0,3% năm 2019. Dự trữ ngoại hối giảm trong tháng 3 với tốc độ nhanh nhất trong 20 năm qua; thâm hụt ngân sách ghi nhận con số chín tỷ USD trong quý đầu năm 2020...

Nhằm giảm gánh nặng ngân sách, Iraq lên kế hoạch cắt giảm mạnh các khoản trợ cấp xã hội, A-rập Xê-út tạm gác lại các dự án quy mô lớn và đầy tham vọng. "Cú sốc kép" từ giá dầu xuống thấp kỷ lục và đại dịch Covid-19 đang tạo ra áp lực lớn với nhiều nước, nhất là các nền kinh tế ở vùng Vịnh và khu vực Trung Ðông.