Về dự thảo “nghị quyết” của một số dân biểu Mỹ

Các năm qua, chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã được dư luận trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ, đánh giá cao bởi tính chất nhân văn, vừa thấm sâu vào nhận thức chung của người Việt Nam đang sinh sống ở ngoài nước, vừa tác động tích cực để mỗi năm hàng triệu người về nước thăm gia đình, du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh… Tuy nhiên có một số ít người vẫn cố tình phủ nhận sự thật hiển nhiên này. Và đáng tiếc, trong đó có một số dân biểu Mỹ!

Theo dõi tin tức trên BBC, RFA, VOA,… trong các năm gần đây, dễ nhận thấy hiện tượng đã lặp đi lặp lại nhiều lần là vào tháng tư hằng năm, trang tiếng Việt của các địa chỉ truyền thông này lại hồ hởi cho biết dân biểu A. Lowenthal (A. Lô-ven-than) đã trình Hạ nghị viện Mỹ một nghị quyết liên quan cộng đồng người Mỹ gốc Việt và cái gọi là “tháng tư đen” để yêu cầu thông qua. Bi hài là cho dù các nghị quyết này luôn “bị loại từ vòng gửi xe” (như có người Mỹ gốc Việt nhận xét) thì dân biểu A. Lowenthal cùng một số dân biểu bảo trợ vẫn kiên trì theo đuổi và cho dù kết quả luôn là con số 0 thì BBC, RFA, VOA,… vẫn kiên trì đeo bám, cổ xúy, như muốn coi đó là cách thức chứng minh thái độ thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam. Cuối tháng 4-2020 cũng vậy, cùng lúc BBC, RFA, VOA,… đăng mấy bài về việc dân biểu A. Lowenthal trình và yêu cầu Hạ nghị viện Mỹ thông qua nghị quyết gọi là “ghi nhận 45 năm tháng tư đen”. Mấy bài này lập tức được trang mạng của các thế lực thù địch hoặc thiếu thiện chí, đặc biệt là “băng đảng cờ vàng” tại Mỹ, khai thác đăng tải, vừa sử dụng tuyên truyền chống phá Việt Nam, vừa hí hửng như được “chống lưng”! Vậy là bất chấp sự thật, bất chấp những thất bại trước đó, dân biểu A. Lowenthal tiếp tục nối dài các hoạt động thiếu thiện chí với Việt Nam. Đáng chú ý, tháng 4-2020, dân biểu A. Lowenthal không chỉ đề nghị Hạ nghị viện Mỹ thông qua nghị quyết, mà trả lời phỏng vấn của BBC, RFA,… ông ta còn cho rằng “nghị quyết là thông điệp gửi Chính phủ Việt Nam” để yêu cầu “hòa giải vĩnh viễn với cộng đồng người di cư, thả tù nhân lương tâm, trùng tu, bảo tồn Nghĩa trang Biên Hòa”… Chưa kể những thông tin đưa ra là sai trái, không đúng sự thật, mang tính bôi nhọ, xuyên tạc thì đó là những đòi hỏi tùy tiện, bất chấp sự thật, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Trớ trêu là dân biểu A. Lowenthal trình nghị quyết và đưa ra các đòi hỏi phi lý đúng vào thời điểm trên internet (in-tơ-nét) xuất hiện rất nhiều người Mỹ gốc Việt đã công khai danh tính khi đánh giá cao thành tựu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam, ủng hộ chủ trương hòa hợp dân tộc. Thậm chí trước thành tích chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, họ còn công khai tiến hành thảo luận có nên về Việt Nam để tránh dịch và bảo đảm sự an toàn cho bản thân cùng gia đình hay không. Có thể nhắc đến những người tiêu biểu như Hoàng Duy Hùng, Phong Nguyễn, David Nguyễn, Kimmi Tam, Lợi Minh, Peter Nguyễn, Nancy Pham, Dương Xuân Phương, Đại Cường, Phùng Tuệ Châu, Song Phạm, Cầm Nguyễn… Nếu khách quan và cầu thị, trước khi trình nghị quyết và gán cho “thông điệp”, dân biểu A. Lowenthal nên khảo sát ý kiến của những người này, để thấy nhóm người được ông bảo vệ không đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Và ông cần mở rộng phạm vi đánh giá, để tìm hiểu điều gì khiến những năm gần đây, mỗi năm có trăm nghìn người Mỹ gốc Việt về thăm quê hương, thăm họ hàng, người thân, du lịch, hợp tác kinh doanh…

“Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai” là phương châm nhất quán mà nhiều năm qua Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định để xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với thế giới, nhất là với các quốc gia trước đây từng có “duyên nợ” với Việt Nam, cũng như với số người Việt đã rời nước ra đi vì lý do gia đình, kinh tế, khác biệt chính trị, thậm chí từng có hành vi chống phá đất nước. Phương châm này được quán triệt rộng rãi trong hệ thống chính trị, hệ thống truyền thông, ứng xử của mọi người trong nước. Kết quả là người gốc Việt từ nước ngoài trở về đã ngày càng tăng lên. Họ tham gia nhiều hoạt động xã hội, kinh tế, văn hóa trong nước, được tạo điều kiện sinh sống nếu có nhu cầu. Rất nhiều người gốc Việt, đặc biệt là người Việt sinh sống ở Mỹ, đã trực tiếp ghi hình, đưa lên YouTube hình ảnh các chuyến về thăm quê hương trong sự hồ hởi, vui mừng. Có người đã ghi lại hình ảnh Nghĩa trang Bình An (Nghĩa trang Biên Hòa trước đây) luôn được tôn tạo, sạch sẽ, thân nhân không gặp khó khăn khi thăm viếng và xây cất,… lấy đó làm bằng chứng để bày tỏ sự phẫn nộ, đồng thời bác bỏ luận điệu xuyên tạc, lừa dối của một số kẻ ở nước ngoài. Lẽ nào dân biểu A. Lowenthal không biết, hay ông không quan tâm? Căn cứ vào rất nhiều thông báo, tuyên bố đòi trả tự do cho một số người vi phạm pháp luật của Việt Nam, tổ chức gặp gỡ phần tử chống cộng, treo “cờ vàng” tại văn phòng của ông ở Quốc hội Mỹ,… có thể hiểu ông không muốn hướng đến số đông, mà hướng đến thiểu số cực đoan đang hằng ngày lấn lướt trên truyền thông của người Mỹ gốc Việt, sử dụng mọi thủ đoạn xấu xa để khống chế, đe dọa, lũng đoạn sinh hoạt của cộng đồng. Ông hướng theo số người này rồi bảo vệ, dung túng, o bế vì ông cần phiếu bầu cử của họ. Và tình trạng này là không xa lạ với một số dân biểu Mỹ vốn ứng cử tại khu vực có nhiều người Mỹ gốc Việt sinh sống.

Một thí dụ điển hình là hành xử của bà cựu dân biểu L. Sanchez (L. San-chét). Trong 20 năm làm dân biểu (1996 - 2016), bà L. Sanchez liên tục “ve vãn” các phe nhóm chống cộng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt với vô số lời lẽ vu khống Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, báo chí, tôn giáo; bảo vệ người vi phạm pháp luật Việt Nam; tổ chức hội thảo, gặp gỡ nhằm cổ xúy hoạt động chống phá; nhiều lần trình “dự luật về nhân quyền Việt Nam”, điều trần vu cáo Việt Nam tại Hạ nghị viện Mỹ; phụ họa theo mấy kẻ than vãn về “tháng tư đen”… Vì thế “băng đảng cờ vàng” ở Mỹ gọi L. Sanchez là “đồng minh trên chiến tuyến chống cộng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam”, “người bạn thân thương của cộng đồng”! Thế rồi, sau khi thất bại trong ứng cử vào Thượng nghị viện Mỹ năm 2016, bốn năm qua, L. Sanchez không có bất cứ phát ngôn, hành động nào liên quan cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Đơn giản vì khi không cần lá phiếu của họ nữa, L. Sanchez đã lặng lẽ rời “chiến tuyến chống cộng”, vứt luôn vai trò “người bạn thân thương”. Tương tự L. Sanchez, có thể liệt kê các vị dân biểu từng hăng hái ủng hộ hoạt động của “băng đảng cờ vàng” và phe nhóm chống cộng ở Mỹ, song sau khi thất cử, nghỉ hưu hoặc không ứng cử nữa thì tinh thần ủng hộ cũng nhanh chóng nhạt nhòa, như các vị B. Boxer (B. Bóc-xơ), F. Wolf (F. Vôn-phơ), E. Royce (E. Roi-xơ), Cao Quang Ánh… Thực tế đó cho thấy, trong khi nỗ lực đáp ứng nhu cầu của cử tri để kiếm phiếu bầu, họ không ngần ngại đầu cơ chính trị trên danh dự, uy tín của quốc gia khác. Việc làm của họ thực chất chỉ nhằm ngụy trang cho mục đích vụ lợi, trước sau đều vì lợi ích cá nhân.

Cũng nhân ngày 30-4-2020, từ nước Mỹ, đã có nhiều ý kiến vạch trần bản chất mấy kẻ đang cố tình phá hoại quá trình hòa hợp dân tộc ở Việt Nam, đồng thời khẳng định người Việt Nam trong và ngoài nước không muốn hòa hợp với những kẻ đang tụ tập trong tổ chức khủng bố “Việt tân”, “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, cũng như mấy kẻ đang hằng ngày điên cuồng chống cộng như Đỗ Hoàng Điềm, Đào Minh Quân, Ngô Kỷ, Nam Quan, Vũ Huynh Trưởng, Nguyễn Hữu Chánh… Nên, liệu có phải ngẫu nhiên khi phát ngôn của dân biểu A. Lowenthal lại như trùng khớp với luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu khống của mấy tổ chức, cá nhân này? Hơn nữa, chính từ Orange (quận Cam) - nơi dân biểu A. Lowenthal ra ứng cử, đã có một số người Mỹ gốc Việt như Michael Phương Minh Nguyễn, Angle Phan, James Han Nguyen,… nhập cảnh vào Việt Nam để “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” nên phải nhận án tù, nhưng bằng hành xử theo lối tiêu chuẩn kép, ông lập tức phản đối và đòi chính quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức”! Thử hỏi, với tội danh và bản án tương tự ở Mỹ, ông có phản đối và đòi chính quyền Mỹ phải “trả tự do ngay lập tức” hay không?

Việt Nam thống nhất đã 45 năm. Và trong 45 năm đó, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn, trở ngại, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh; xây dựng, củng cố Nhà nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa; giữ vững an ninh - quốc phòng và ổn định chính trị, nâng cao uy tín và vị thế đất nước trên trường quốc tế; bảo đảm toàn dân ngày càng được hưởng tốt hơn các quyền lợi chính đáng trên mọi lĩnh vực của đời sống; mở rộng các quan hệ quốc tế; mở rộng tấm lòng hòa hợp để quê hương luôn là nơi neo giữ tâm hồn, nơi đi về của hàng triệu người Việt Nam sống xa quê hương… Đến nay, thành tựu phát triển về mọi mặt của Việt Nam là sự thật không ai có thể phủ nhận, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Và sau 25 năm kể từ ngày bình thường hóa quan hệ, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã có các bước phát triển theo chiều hướng tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Cùng với việc Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ với tất cả các nước, trong đó có Mỹ, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, thì Chính phủ Mỹ cũng luôn nhấn mạnh chính sách tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị, con đường phát triển của Việt Nam. Đó là quan niệm đúng đắn và thái độ nghiêm túc, tạo dựng cơ sở để hai nước hợp tác cùng phát triển. Trong bối cảnh đó, nếu thực sự quan tâm đến Việt Nam, dân biểu A. Lowenthal và một số dân biểu Mỹ cần góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ để mang lại lợi ích ngày càng tốt đẹp hơn giữa hai đất nước, hai dân tộc cũng như toàn thế giới. Song đáng tiếc, họ lại có hành động, phát ngôn ngược chiều với xu hướng chung, vừa rất thiếu tôn trọng chế độ chính trị và con đường phát triển của Việt Nam, vừa về hùa với những kẻ đang phá hoại, cản trở sự ổn định và phát triển của Việt Nam. Thiết nghĩ, các chính khách tỉnh táo luôn xem xét, đánh giá sự vật - hiện tượng một cách khách quan, luôn coi đạo lý và lẽ phải là tiêu chí ứng xử, am hiểu nghiêm túc và sâu sắc về những chuẩn mực lành mạnh giữ vai trò chỉ đạo khi xử lý quan hệ giữa các quốc gia đang cùng tồn tại trong một thế giới văn minh, có nhận thức đúng đắn về vị trí xã hội của bản thân,… sẽ không cho phép mình hành xử như vậy. Vì thế, hy vọng dân biểu A. Lowenthal và một số dân biểu Mỹ sẽ xem xét lại hành xử của mình để hướng theo điều tốt đẹp.