Trên con đường của Hồ Chí Minh

"Hãy tiếp tục như thế với Bác Hồ", "Trên con đường của Hồ Chí Minh", "Ðại hội Ðảng XIII: Ðội ngũ kiên trung của Ðảng Cộng sản Việt Nam không lùi bước", "Ðại hội XIII - Việt Nam hoạch định cho tương lai",… là những bài viết đã đăng trên báo chí châu Âu nhân Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết tổng thuật và lược dịch những bài báo nêu trên của tác giả Hồ Ngọc Thắng đã phần nào cho thấy báo chí châu Âu rất quan tâm sự kiện chính trị trọng đại đối với sự phát triển của Việt Nam. Ðồng thời cùng với việc ca ngợi, nhấn mạnh thành tựu của Việt Nam thời gian qua, các bài báo cũng khẳng định Việt Nam có lựa chọn đúng để phát triển đất nước… Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Những ngày qua, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam (Ðại hội XIII) đã trở thành một trong các tâm điểm thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, trong đó có thể kể đến truyền thông ở Ðức và các nước châu Âu. Loại trừ một số địa chỉ truyền thông thiếu thiện chí như các trang tiếng Việt của BBC, VOA, RFA, RFI,… vốn lâu nay vẫn thường xuyên, liên tục công bố nhiều bài vở xuyên tạc, bịa đặt, tạo cơ hội cho một số người đưa ra ý kiến tùy tiện nhằm tác động tiêu cực tới uy tín, vai trò tổ chức, lãnh đạo của Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, thì phần lớn các địa chỉ truyền thông đều phản ánh một cách khá khách quan, trung thực về sự kiện chính trị vô cùng trọng đại với sự phát triển của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20, đồng thời nhấn mạnh những thành tựu Việt Nam đã đạt được, khẳng định Việt Nam có lựa chọn đúng để phát triển đất nước. Có thể đọc trên báo chí châu Âu rất nhiều phân tích và nhận định, thí dụ như: "Ðảng Cộng sản Việt Nam tự tin một cách ngoạn mục trong việc khống chế Covid-19 và phát triển kinh tế. Tại Ðại hội XIII, Ðảng trình bày tầm nhìn cho các thập kỷ tới… Những người lính mặc quân phục mầu trắng tinh khôi với tư thế nghiêm trang đứng dọc con đường đại biểu của Ðại hội XIII đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp có tầm quan trọng chính trị to lớn và quyết định tương lai của Việt Nam, không thể thiếu niềm tin đối với người có bộ râu dài với tầm nhìn xa trông rộng đã sáng lập đảng, đã trở thành cha đẻ của đất nước xã hội chủ nghĩa, và đã qua đời năm 1969. Hình ảnh của Người là sự cụ thể hóa di sản tư tưởng mà từ đó Ðảng Cộng sản và người dân Việt Nam đã xây dựng nên sức mạnh của mình" (trích dịch từ bài "Hãy tiếp tục như thế với Bác Hồ" trên Báo Miền Nam nước Ðức ngày 24-1-2021); "Bên những thách thức từ tác động bên ngoài, những người cộng sản Việt Nam nhìn nhận xã hội của mình trong quan hệ chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế, chính trị với đổi mới xã hội, văn hóa, giáo dục và đào tạo, cũng như coi trọng việc áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ. Ðại hội Ðảng đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất chi tiết cho việc này. Các đảng viên trẻ, nhất là những người từ các vùng khó khăn của các dân tộc thiểu số trên toàn quốc, đã thể hiện niềm tin vững chắc của họ về công cuộc đổi mới, như một đại biểu của Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở tỉnh Ðắk Lắk nói trước thềm Ðại hội Ðảng: "Tôi hy vọng những quyết sách sẽ được đưa ra nhằm khuyến khích sự sáng tạo của thanh niên trong sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thanh niên là người dân tộc thiểu số"…" (trích dịch từ bài "Ðại hội XIII - Việt Nam hoạch định cho tương lai" trên tờ Thế giới trẻ ngày 25-1-2021).

Trước ngày Ðại hội XIII khai mạc, đáng chú ý có bài "Ðại hội Ðảng XIII: Ðội ngũ kiên trung của Ðảng Cộng sản Việt Nam không lùi bước" đăng ngày 26-1-2021 trên Báo Thành Vienna (Wiener Zeitung - tờ báo của Cộng hòa Áo, là một trong những tờ báo nổi tiếng nhất, lâu đời nhất ở châu Âu). Bài có đoạn: "Bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 - theo ước tính là khoảng 2,9%. Quốc gia Ðông - Nam Á này cũng là một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất, là một địa điểm công nghiệp đang phát triển, một số công ty công nghệ đã chuyển địa điểm sản xuất của họ đến đây do tình trạng căng thẳng trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc... Trong khi nhiều lĩnh vực cuộc sống ở châu Âu như ngừng hoạt động, thì nhiều lĩnh vực của cuộc sống thường ngày ở Việt Nam đã quay trở lại, nhiều cửa hàng mở cửa, trong các quán ka-ra-ô-kê mọi người đang hát bài hát của họ. Thông qua các biện pháp như cách ly nghiêm ngặt các trường hợp nghi ngờ, áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt trong cộng đồng dân cư, tiến hành cứu chữa kịp thời, Việt Nam đã thành công trong việc giảm tới mức thấp nhất số ca nhiễm. Với 97 triệu dân, nhưng Việt Nam chỉ có 1.549 ca bệnh và 35 người chết. Ðây là một trong những thành tựu Ðảng Cộng sản Việt Nam có thể tự hào giới thiệu về các thành công trong Ðại hội lần này. Các trọng điểm của đường lối chính trị và kinh tế trong tương lai đã xác định rõ ràng: Việt Nam tiếp tục tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế với các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng. Trên bình diện quốc tế, Hà Nội sẽ tiếp tục cố gắng duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc. Những người thừa kế Hồ Chí Minh từ lâu đã có cách tiếp cận linh hoạt đối với các cựu thù bằng một thực tế Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất có khả năng tổ chức, lãnh đạo bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất quốc gia của Việt Nam. Ðồng thời với các cải cách kinh tế và sự thăng tiến đi kèm, Ðảng bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, và toàn dân Việt Nam gắn bó với sự lãnh đạo của Ðảng".

Và khi Ðại hội XIII bế mạc, ngày 2-2-2021, tờ "Báo của Nhân dân Luxembourg" (nhật báo theo khuynh hướng Mác-xít ở Luých-xăm-bua) đăng bài "Trên con đường của Hồ Chí Minh", trong đó viết: "Hôm thứ hai, Ðại hội XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã kết thúc những cuộc thảo luận kéo dài một tuần tập trung vào những vấn đề đổi mới, nỗ lực trẻ hóa, xác định các nhiệm vụ trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ tháng 10-2020, Ðảng Cộng sản Việt Nam lập một trang mạng trực tuyến với sáu ngôn ngữ (Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Anh) chuẩn bị cho Ðại hội, đăng dự thảo các văn kiện của Ðại hội, các ý kiến thảo luận, đóng góp của toàn dân. Ðúng thời điểm này, tại Việt Nam lại xuất hiện một số trường hợp nhiễm Covid-19, các trường học, một số quán hàng tại Hà Nội phải đóng cửa. Song nhìn chung, trái ngược với sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch ở các nước tư bản, nhờ những biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt, Việt Nam đã bảo vệ người dân khỏi thảm họa tương đối tốt. Nhà chức trách cho biết, các ca lây nhiễm mới chủ yếu được đưa từ bên ngoài vào…

Theo Thông tấn xã Việt Nam, 5,2 triệu đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam đã bầu chọn 1.587 đại biểu tham dự Ðại hội XIII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người giữ chức Chủ tịch nước từ năm 2018, đã tái đắc cử. Và một Ban Chấp hành Trung ương mới với 18 thành viên Bộ Chính trị đã được bầu. Trước Ðại hội Ðảng, một số các lãnh đạo mới đã được bầu ở 22 tỉnh, trong đó có một số thành viên trẻ. Các tân bí thư có độ tuổi từ 45 đến 55 và có trình độ học vấn rất tốt về kinh tế, luật, sinh học, hóa học, triết học, kỹ thuật cơ khí. Vì đại dịch Covid-19, lần đầu không có phái đoàn nước ngoài nào được mời dự Ðại hội, nhưng các đảng anh em từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Ðảng Cộng sản Luých-xăm-bua, đã gửi lời chào đoàn kết bằng văn bản. Vì chỉ có một số lượng hạn chế nhà báo được trực tiếp tham dự, nên các cuộc họp báo trực tuyến diễn ra trong thời gian Ðại hội, và công ty truyền thông từ khắp nơi trên thế giới có quyền truy cập… Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày phản ánh Việt Nam đang trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với tư cách trước đây là một nước nông nghiệp và sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 6 đến 8%, kinh tế của Việt Nam nằm trong nhóm mạnh nhất của Ðông - Nam Á. Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trị giá hơn 35 tỷ euro sang các nước EU, nhập khẩu một khối lượng hơn 10 tỷ euro. Dự kiến với Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) ký với Liên hiệp châu Âu vào tháng 7-2019 sẽ có mức tăng hơn nữa. Việt Nam góp phần quan trọng để phát triển hợp tác giữa các nước châu Á trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, cùng có lợi. Tháng 11-2017, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Cộng đồng Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Ðà Nẵng; tháng 6-2020, đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 hình thức bằng trực tuyến.

Tiếp nối thành công, các nội dung thảo luận tại Ðại hội tập trung vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội trung hạn cho 5 năm tiếp theo và đến năm 2030, năm kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng. Ðến lúc đó, Việt Nam sẽ trở thành một nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...

Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Ðảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của giáo dục, sử dụng khoa học và công nghệ, kể cả ở các vùng dân tộc thiểu số. Ðại hội XIII đã có những đề xuất chi tiết, bao gồm cả việc tiếp tục kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề chống tham nhũng, và khẳng định tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng. Ðó không phải là lời nói suông. Trong những năm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tập thể lãnh đạo Ðảng coi chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, dẫn đến việc một số quan chức cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, bị khai trừ khỏi Ðảng và bị kết án… Ðại hội một lần nữa làm rõ những đóng góp có ý nghĩa lịch sử của những người cộng sản Việt Nam với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Ðông Âu thất bại. Ðảng của Hồ Chí Minh và những người kế tục đã không quay đầu, mà tiếp tục tiến lên phía trước.