Thúc đẩy các không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo có tác dụng tiếp sức hoạt động của nghệ sĩ, đồng thời giúp công chúng thêm cơ hội tiếp cận nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa. Từ góc độ kinh tế, không gian sáng tạo cũng góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, và tạo thêm việc làm cho nhiều người. Tuy nhiên đến nay, việc phát triển không gian sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như quy mô trong đời sống thực tế. Nhiều không gian sáng tạo trong nước đang đứng trước nguy cơ “sớm nở, tối tàn” vì thiếu vốn, hành lang pháp lý chưa bảo đảm...

Tính đến nay, tại Việt Nam có khoảng hơn 200 không gian sáng tạo, trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng. Riêng Hà Nội hiện có 115 không gian sáng tạo, TP Hồ Chí Minh có khoảng 60. Dù một số câu lạc bộ nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ có hoạt động sáng tạo, hoặc không gian dành cho hoạt động sáng tạo, có tương tác mạnh mẽ với công chúng đã ra đời hàng chục năm nay (như quán Cà-phê thứ bảy - khởi đầu tại TP Hồ Chí Minh và về sau phát triển thành chuỗi ở một số thành phố khác, hoặc Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Ðom Ðóm ở Hà Nội), nhưng chỉ các năm gần đây, các địa chỉ này mới được định danh chính thức là “không gian sáng tạo”. Sự kiện khiến nhiều người quan tâm đến không gian sáng tạo là sự ra đời của Hợp tác xã Zone 9 (Hà Nội) - một tổ hợp gồm nhiều cửa hàng, cửa hiệu, quán cà-phê, nhà hàng, studio, cửa hàng thời trang,... với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế. Không gian này đã tạo ra môi trường để kết nối những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa, từ đó hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, tạo cơ hội kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Cuối năm 2013, vì khu nhà không bảo đảm an toàn cho nên Zone 9 đã đóng cửa, song đó cũng là thời điểm khởi đầu cho sự nở rộ hàng loạt không gian sáng tạo khác. Dần dà, sự ra đời và phát triển của các không gian sáng tạo đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, các mô hình không gian sáng tạo cũng ngày càng đa dạng về hình thức hoạt động. Có “tổ hợp” tương tự như Zone 9, điển hình là Hanoi Creative City (Hà Nội) song cũng có không gian có tính chất nghệ thuật hàn lâm hơn như The Factory (TP Hồ Chí Minh) - một không gian với diện tích hơn 1.000 m2, có các khu dành cho triển lãm, thư viện, tọa đàm, không gian làm việc; tại đây cũng có nhiều cuộc triển lãm, dự án nghệ thuật đương đại lớn, các lớp học nghệ thuật, các buổi nói chuyện, giao lưu giữa nghệ sĩ với công chúng… Bên cạnh đó, cũng có nhiều không gian sáng tạo là quán cà-phê; gallery (phòng trưng bày) nghệ thuật,... hoặc tập hợp một nhóm nghệ sĩ... Ðiểm chung của những không gian này là luôn được đề cao các hoạt động văn hóa có tính tương tác, tính sáng tạo; một số nơi tập trung vào chuyên đề như mỹ thuật, âm nhạc, thiết kế. Phần lớn các không gian sáng tạo là của tư nhân, nhưng cũng có một số nơi do cơ quan chính quyền địa phương tổ chức, như Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Sự phát triển của các không gian sáng tạo tại Việt Nam đa dạng đến mức hiện đã có không gian sáng tạo “ảo”, mà điển hình là Không gian Matca, nơi người đam mê nhiếp ảnh có thể chia sẻ, thể nghiệm, tìm kiếm các ý tưởng về nghệ thuật thị giác; hay Hanoi Grapevine, một kênh chuyên cập nhật thông tin cùng các bài viết chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật, kết nối giữa khán giả với nhau, và với nghệ sĩ…

Các không gian sáng tạo ra đời thật sự đã đem lại “làn gió mới” cho đời sống văn hóa, nghệ thuật, cũng như các hoạt động sáng tạo, trước hết là với nghệ sĩ, nhà thiết kế. Ðể giúp nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ giảm bớt khó khăn trong quá trình lập nghiệp, không gian sáng tạo thường được thiết kế phá cách, tạo cảm hứng cho sáng tạo, chi phí thuê mặt bằng ở mức phải chăng. Những không gian này còn có phòng trưng bày, triển lãm, phòng họp,... phục vụ cho việc giới thiệu sản phẩm từ quá trình sáng tạo, tạo môi trường tương tác, chia sẻ giữa các nghệ sĩ, nhà thiết kế. Ðiều đó khiến không gian sáng tạo được nghệ sĩ trẻ tìm đến để tìm hướng phát triển sự nghiệp của mình. Những không gian này cũng tạo ra cơ hội để nghệ sĩ, nhà thiết kế tiếp cận đối tác, thị trường mà chuỗi không gian sáng tạo Tổ ong hiện có mặt ở nhiều đô thị lớn là một thí dụ.

Hoạt động của không gian sáng tạo giúp công chúng có điều kiện tiếp cận các loại hình nghệ thuật theo nhiều mặt; công chúng bình dân cũng có thể tiếp cận âm nhạc, sân khấu, ballet… Thí dụ, ở Hà Nội có các địa chỉ đáng chú ý như quán cà-phê Ơ kìa Hà Nội thường xuyên tổ chức tọa đàm, biểu diễn nhân kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, tọa đàm về thơ Xuân Quỳnh, các buổi trò chuyện, chiếu tác phẩm điện ảnh kinh điển…, hay không gian Cà-phê thứ bảy, Heritage Space,… là nơi tổ chức nhiều tọa đàm về nghệ thuật, kiến trúc, khoa học - công nghệ. Công chúng quan tâm có thể tham dự, được tương tác với nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư,… điều mà bình thường họ rất ít có cơ hội. Không gian The Factory (TP Hồ Chí Minh) là địa điểm lý tưởng với những ai có nhu cầu tìm hiểu về nghệ thuật đương đại; đồng thời, cũng là kênh để các nghệ sĩ tiếp xúc với công chúng, với thị trường. Hoặc nghệ thuật múa còn khá xa lạ với phần đông người Việt, nhưng với không gian sáng tạo Mắt trần (Hà Nội), múa lại gần gũi hơn với mọi người qua nhiều dự án. Tương tự là không gian Cái tổ nhỏ (TP Hồ Chí Minh) với các hoạt động đưa sân khấu đến với cộng đồng, để sân khấu không chỉ giới hạn trên sàn diễn mà là phương tiện kết nối, chia sẻ giữa mọi người... Sự tương tác mạnh mẽ với công chúng đã tạo cơ hội để phát triển sự nghiệp cho nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế, cho “đầu ra” của sản phẩm, kích thích thị trường của sản phẩm văn hóa. Ðặc biệt, không gian sáng tạo không chỉ trực tiếp tạo điều kiện làm việc cho nghệ sĩ, nhà thiết kế, người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, mà đồng thời còn giải quyết việc làm cho lao động gián tiếp khác. Hiện đã có một số không gian sáng tạo thu hút tới hàng trăm lao động. Và một điều không thể không nhắc đến đó là các không gian sáng tạo góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị. Tại Hà Nội, Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Không gian bích họa phố Phùng Hưng đã trở thành thương hiệu văn hóa, du lịch của Thủ đô.

Mặc dù đang trong giai đoạn nở rộ, nhưng không gian sáng tạo tại Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ “sớm nở, tối tàn”. Rất ít không gian sáng tạo tồn tại được đến 5 năm. Do còn mới mẻ cho nên tính “chính danh” của không gian sáng tạo vẫn là một vấn đề, vì hệ thống pháp lý hiện nay chưa có quy định về hoạt động của không gian sáng tạo. Dù xã hội đã có những bước phát triển lớn trong nhận thức cũng như thực tế về văn hóa, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa, tuy nhiên một thành tố quan trọng trong công nghiệp văn hóa như không gian sáng tạo vẫn chưa được chú ý đúng mức, thậm chí rất ít khi được đề cập.

Do không có quy định cụ thể cho nên dù hoạt động trên cơ sở tài trợ hay có nguồn thu, không gian sáng tạo đều phải đăng ký hoạt động với hình thức doanh nghiệp, chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp. Ðiều đó đã dẫn tới không ít bất cập, bất bình đẳng kìm hãm và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các không gian sáng tạo. Bởi, không gian sáng tạo không phải doanh nghiệp thông thường, không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, hoạt động chủ yếu hướng đến cộng đồng, mang lại lợi ích tinh thần cho xã hội; đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động thử nghiệm, có độ rủi ro cao. Chưa kể, các đối tượng hoạt động tại đây chủ yếu là nghệ sĩ, nhà thiết kế... cho nên thường thiếu kiến thức kinh doanh, khả năng quản trị, điều hành. Và đây là lý do để không ít không gian sáng tạo rơi vào cảnh thua lỗ, dừng hoạt động. Hoạt động của không gian sáng tạo còn có đặc điểm thường xuất hiện nhiều yếu tố mới lạ, nhất là trong mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc… trong khi các hoạt động ở những lĩnh vực này phải được cấp phép của cơ quan chức năng và thủ tục cấp phép cho các sự kiện này hiện khá phức tạp. Vì vậy, không ít sự kiện đã phải hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức do chậm trễ trong thủ tục cấp phép, thậm chí phải tổ chức nội bộ, hạn chế đáng kể đến hiệu ứng của các sự kiện tới công chúng.

Nhiều lợi ích của không gian sáng tạo đã đem tới cho xã hội là đáng khích lệ, cần được nhận thức đầy đủ để sớm có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy cũng như quy định về tính “chính danh” của không gian sáng tạo, nhất là khi công nghiệp văn hóa đang dần có vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa - xã hội, phát triển kinh tế. Ngành văn hóa và các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu để xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù như: giảm thuế, xây dựng quỹ đầu tư, hỗ trợ không gian sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan văn hóa nhà nước với tổ chức, cá nhân quản lý không gian sáng tạo… Ðiều này không chỉ giúp các không gian sáng tạo trong nước phát triển một cách bền vững và đúng hướng, mà còn có thể đem lại nhiều lợi ích văn hóa - xã hội, tạo điều kiện để nghệ sĩ, nhà thiết kế phát huy tài năng của mình. Chẳng hạn, tại Hà Nội, sau khi được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới, chính quyền đã có một số bước đi đầu tiên để hỗ trợ không gian sáng tạo, như: khuyến khích hợp tác công - tư giữa những đơn vị văn hóa do chính quyền quản lý với các không gian sáng tạo. Ðiều đó đã có tác dụng tăng cường sự phối hợp giữa hai bên, tận dụng tốt những thế mạnh vốn có của mỗi bên, nhanh chóng thúc đẩy các không gian sáng tạo phát triển, đồng thời giúp hoạt động các đơn vị văn hóa của thành phố thêm phong phú, đa dạng. Ðây là kinh nghiệm mà các địa phương khác có thể tham khảo.

Cùng với đó, hoạt động của các không gian sáng tạo là hoạt động thuộc lĩnh vực luôn đề cao yếu tố mới, lạ, sáng tạo. Tuy nhiên trên thực tế, có hoạt động “mới, lạ”, “sáng tạo” được chấp nhận ở quốc gia khác, nhưng đôi khi chưa (không) phù hợp với văn hóa bản địa, chưa (không) phù hợp với các quy định về quản lý văn hóa ở Việt Nam. Vì thế, cùng với việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng để không gian sáng tạo phát triển thì việc đổi mới phương thức quản lý cũng cần được đặt ra. Ðiều này, không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả cải cách hành chính trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật mà còn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các không gian sáng tạo về thủ tục pháp lý, tổ chức hoạt động, vừa bảo đảm các hoạt động ấy luôn trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, được xã hội chấp nhận một cách rộng rãi.