Tăng cường hiệu quả xử lý, ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng giấy tờ giả

Từ tình trạng xuất hiện ngày càng có nhiều người ngang nhiên gửi tin nhắn tới điện thoại cá nhân hoặc đưa lên in-tơ-nét thông tin quảng bá “dịch vụ làm các loại giấy tờ giả” cũng như trực tiếp liên hệ, tham gia mua bán giấy tờ, văn bằng giả bị phát hiện, trong đó có không ít người mua là cán bộ, công chức Nhà nước, phải khẳng định rằng hiện tượng tiêu cực này đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội. Điều này không chỉ gây bất bình trong xã hội mà còn góp phần làm suy yếu hiệu lực, hiệu quả nguồn nhân lực đất nước. Vì thế đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt phát hiện, xử lý nghiêm minh những người đang cố tình vi phạm pháp luật để tiếp tay cho cái xấu, gây nhiễu loạn xã hội, làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân.
 

Chỉ cần gõ từ khóa “làm giấy tờ giả” trên công cụ tìm kiếm google sẽ cho ra hàng loạt kết quả với lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn như: “Chứng minh thư làm lấy ngay, nhanh chóng trong hai ngày”, “làm giấy tờ giả chỉ vài giây - nhận kết quả tức thì”, “Giao tận tay, nhận trực tiếp - Không cọc, đưa hàng đưa tiền”... Qua đó có thể thấy vấn nạn mua bán giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ giả không phải mới xuất hiện, mà đã tồn tại từ lâu trên “thị trường đen”. Đáng chú ý, gần đây tình trạng mua bán “mặt hàng” này đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội để rao bán một cách ngang nhiên, trắng trợn, thách thức các cơ quan chức năng. Những kẻ buôn bán, sản xuất giấy tờ giả rất tự tin về khả năng đáp ứng tất cả các nhu cầu về mọi loại giấy tờ, từ văn bằng, chứng chỉ, sổ đỏ, chứng minh thư nhân dân, bằng đại học, chứng chỉ nghề cho đến giấy phép lái xe, giấy phép kinh doanh, giấy khám sức khỏe, đăng ký kết hôn... Thủ đoạn làm giấy tờ giả cũng ngày càng tinh vi hơn. Phần lớn các đối tượng tự thực hiện hầu hết mọi công đoạn, từ chế tạo phôi các loại văn bằng, chứng chỉ cho đến chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí có đường dây còn quảng cáo đã đầu tư máy móc hiện đại, mỗi máy thực hiện một công đoạn. Sau khi hoàn thành, “sản phẩm” còn được dùng máy soi hiển vi để kiểm tra chất lượng, phát hiện lỗi. Các đối tượng cũng bảo đảm thường xuyên cập nhật tin tức, chữ ký của các cán bộ lãnh đạo các cấp để sao chép, từ đó làm giả giấy tờ liên quan. Để khuếch trương và lấy lòng tin của khách hàng, các đối tượng còn hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể cách thức liên hệ để được tư vấn miễn phí, rồi liệt kê đầy đủ các loại giấy tờ cùng giá tiền đi kèm. Nhiều dịch vụ còn tự tin khẳng định chất lượng giấy tờ giả... giống như thật 100%. Có trang web còn cam kết: “Chúng tôi sẽ giúp bạn làm bằng đại học giá rẻ, cam kết chất lượng 100% như bằng thật. Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng bằng mang đi công chứng nhà nước, xin việc”! Bên cạnh việc quảng cáo trên in-tơ-nét, các đối tượng làm giấy tờ giả còn dùng sim rác mời chào khách hàng qua tin nhắn từ điện thoại hoặc Zalo. Theo cơ quan điều tra, điểm đáng chú ý là các đối tượng này không bao giờ nghe điện thoại trực tiếp từ khách hàng, mà chỉ trả lời qua tin nhắn. Một thủ đoạn khác để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện là chúng thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất giấy tờ giả và sử dụng giấy tờ giả để thuê địa điểm làm nơi hành nghề. Tại đó, chúng thiết lập đội ngũ các “chân rết” để báo tin nếu thấy có người lạ xuất hiện.
 
 Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của loại tội phạm này, thời gian qua, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng triệt phá và đã bắt giữ nhiều tổ chức, băng nhóm, đường dây làm giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả. Đáng nói là có đường dây mới hình thành song đã kịp tỏa “vòi bạch tuộc” khắp cả nước, cung cấp rất nhiều chủng loại giấy tờ giả. Điển hình như giữa tháng 8-2020, Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ 18 đối tượng tình nghi trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu do đối tượng Nguyễn Trọng Dương (trú tại Nghệ An) cầm đầu. Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đánh giá đây là đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hàng trăm đại lý tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Đường dây này hoạt động từ năm 2017 và cung cấp tất cả các loại giấy tờ, in ép biển số xe máy, ô-tô... Trong vụ án này, tại hiện trường, lực lượng công an còn thu giữ được hơn 1.000 con dấu được phân chia theo từng tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương. Trước đó, tháng 7-2020, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng bắt giữ ổ nhóm làm giả hàng nghìn con dấu, tài liệu do Hồ Ngọc Quang (trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu, chuyên làm giả các chứng chỉ hành nghề (y, dược, luật sư...), bằng đại học, bảng điểm cùng các giấy tờ nhà đất, hộ khẩu...
 
 Cần khẳng định sở dĩ loại tội phạm sản xuất, buôn bán giấy tờ giả xuất hiện và có thể lộng hành như hiện nay là do nhu cầu làm và sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả của một bộ phận người dân có mục đích xấu, gian dối và lừa đảo. Thực tế cho thấy việc sử dụng giấy tờ giả gây nhiều hậu quả khôn lường cho xã hội, nhất là khi được sử dụng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh trật tự; ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân; làm mất niềm tin của cộng đồng. Hậu quả của các hành vi như vậy đã được chỉ ra, nhưng có lẽ vì cái lợi trước mắt cho nên nhiều người vẫn nhắm mắt làm liều. Sẽ hết sức nguy hiểm cho xã hội nếu bất kỳ người nào bỏ ra vài triệu sắm cho mình một tấm bằng giả là chỉ sau vài ngày đã trở thành dược sĩ, bác sĩ để mở cửa hàng bán thuốc, mở phòng khám tư, kỹ sư xây dựng đường sá, cầu cống, hoặc thạc sĩ đứng trên bục giảng, tham gia lãnh đạo một tổ chức, cơ quan, đoàn thể... Lâu nay, tình trạng sử dụng bằng cấp giả trong công tác tuyển dụng cán bộ cũng gây nhiều dư luận không tốt. Một phần bởi quan niệm coi trọng bằng cấp, đánh giá năng lực và cơ hội thăng tiến qua bằng cấp; một phần do công tác kiểm tra, rà soát bằng cấp, chứng chỉ tại một số cơ quan, đơn vị cũng chưa được tiến hành sát sao, kỹ lưỡng, dẫn đến để lọt không ít trường hợp không có trình độ, chuyên môn nhưng vẫn được tuyển dụng, thậm chí được giữ vị trí cao. Đã có nhiều vụ việc bị phanh phui, ngay cả trong các cơ quan nhà nước, ít nhiều khiến người dân đặt câu hỏi về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Cuối năm 2019, sự việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo, 44 tuổi, quê Lâm Đồng), mạo danh tên chị gái mình suốt 20 năm để thăng tiến mà không bị phát hiện khiến dư luận không khỏi bất bình. Cụ thể, bà Ngọc Thảo đã dùng bằng cấp 3 của chị gái là bà Ái Sa để học trung cấp, liên thông lên đại học và còn sắp được cấp bằng thạc sĩ. Trước khi bị phát hiện mạo danh, bà Ngọc Thảo đang là Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Sau sự việc này, lại tiếp tục rộ lên thông tin về một trường hợp cũng chưa học hết cấp 3 giữ chức Phó Trưởng phòng Hành chính? Cũng năm 2019, ông Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu) đã bị tước danh hiệu vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả. Đây còn là trường hợp từng được quy hoạch vào vị trí Phó Giám đốc Công an tỉnh. Ngoài ra, cũng vì khung hình phạt với tội danh sử dụng giấy tờ giả chưa đủ tính răn đe, phần lớn là xử lý hành chính cho nên một số người vẫn sẵn sàng sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả để đạt mục đích xấu của họ. Những sự việc nêu trên đã bị một số đối tượng thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền với các luận điệu xuyên tạc như: “Sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến: Bộ máy chính quyền tha hóa”, “Xài bằng giả và căn bệnh leo cao chui sâu trong thể chế chính trị Việt Nam”...
 
 Hiện tượng tiêu cực nêu trên đang đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa loại tội phạm này, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nhân lực và xã hội cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, trước hết phải tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các cơ quan chức năng và người dân về các thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm làm các giấy tờ giả; đồng thời nâng cao năng lực, nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên làm công tác hành chính, công chứng tại các cơ quan công quyền. Bộ Công an cũng đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, phát hiện việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Một giải pháp được đánh giá có vai trò cần thiết là cần nâng khung hình phạt với tội danh sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả. Bởi thường thì các năm qua, khi phát hiện người sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả, việc xử lý chủ yếu là cách chức, giáng chức, cho thôi việc, cho nên dễ dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”. Vì thế, việc xử phạt phải nghiêm khắc và mạnh tay hơn mới đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tập trung đấu tranh triệt phá, bóc gỡ đường dây, ổ nhóm làm giấy tờ giả và phải xử lý thật nghiêm, triệt để đúng theo Điều 341, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định rõ: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ hai năm đến 5 năm nếu thuộc các trường hợp sau đây: phạm tội có tổ chức; phạm tội hai lần trở lên; làm từ hai đến năm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm nếu thuộc các trường hợp sau đây: làm sáu con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng.
 
 Tuy nhiên việc thực thi pháp luật chỉ có thể thật sự nghiêm minh nếu mỗi người dân đều tự nâng cao ý thức, không ham cái lợi trước mắt, biết nói không và có thái độ kiên quyết lên án, phê phán với việc sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả, không làm những việc có tính chất lừa đảo, dối trá. Khi nhu cầu giảm thì nguồn cung ắt sẽ phải giảm theo và những kẻ sử dụng, mua bán giấy tờ giả sẽ phải lo ngại, e sợ trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời, cộng đồng cũng cần phát huy ý thức trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện, lên án các hành vi sử dụng giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ... giả. Chính sức mạnh cộng đồng sẽ là liều thuốc đặc hiệu góp phần ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này.