Tăng cường hiệu quả của hoạt động từ thiện

Đã thành nét đẹp của truyền thống dân tộc, mỗi khi đất nước gặp khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai thì truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam lại được phát huy thông qua những phong trào, hoạt động từ thiện diễn ra trên khắp đất nước, thu hút sự tham gia tích cực của rất nhiều nhà hảo tâm. Song gần đây, lợi dụng danh nghĩa từ thiện, một số người đã có hành vi không đúng mực, biến việc làm ý nghĩa và tốt đẹp này thành phương thức phục vụ mục đích cá nhân, đánh bóng hình ảnh, thậm chí để quảng cáo, lừa đảo... Điều đó cần phải bị lên án, ngăn chặn kịp thời.

Sau nhiều năm giữ vững tốc độ phát triển kinh tế ở mức khá cao, đầu năm 2020, Việt Nam liên tục phải đối mặt với những thách thức, khó khăn không nhỏ. Đại dịch Covid-19 và tình trạng xâm nhập mặn bất thường tại miền Tây Nam Bộ đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người dân trên cả nước. Tình trạng người lao động mất việc làm, bị giảm thu nhập gia tăng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của Chính phủ, sự nhập cuộc của các nhà hảo tâm trên cả nước đã mang đến nhiều hiệu quả tích cực. Không dừng lại ở một số giải pháp tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu, sinh kế tối thiểu của các nhóm yếu thế, một số hoạt động từ thiện còn cho thấy tầm nhìn, giải pháp hiệu quả, tính bền vững, lâu dài. Trong đó có thể kể đến các hoạt động quyên góp phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động thiện nguyện chế tạo, sản xuất, trao tặng thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu, trao tặng thiết bị lọc nước, dụng cụ trữ nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn hay việc tổ chức cây “ATM gạo”, “siêu thị 0 đồng” để kịp thời cứu trợ những người chẳng may lâm vào hoàn cảnh khó khăn... Trong lúc hoạn nạn vì dịch bệnh, thiên tai, người Việt Nam đã sát cánh bên nhau, khẳng định tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái. Nhiều du khách quốc tế, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng không tránh khỏi bất ngờ, xúc động khi người dân Việt Nam dù còn nhiều khó khăn vẫn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ, cưu mang họ, bất chấp gánh nặng về kinh tế và thiếu thốn về cơ sở, vật chất, trang thiết bị y tế. Câu chuyện ông J.D. người Anh, giáo viên ngoại ngữ thất nghiệp, được cộng đồng mạng chia sẻ thông tin, tận tình hỗ trợ công ăn, việc làm giữa đại dịch không phải là trường hợp cá biệt. Những dòng chia sẻ ngắn gọn “Cảm ơn Việt Nam!” từ Hanoi Massive Community (Cộng đồng người nước ngoài ở Hà Nội) là minh chứng không thể thuyết phục hơn về lòng tốt của những người dân trong nước đối với bạn bè quốc tế trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, cũng như tinh thần nhân văn, sự hiếu khách của người Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều nghĩa cử cao đẹp, đã và đang xuất hiện không ít hình ảnh, hành vi phản cảm, tiêu cực nhân danh hoạt động quyên góp, từ thiện. Mặc dù chưa phải là hiện tượng phổ biến trong xã hội nhưng vô hình trung tình trạng này đã tạo ra tâm lý ngờ vực, bất an với các nhà hảo tâm và những người có ý định tham gia hoạt động thiện nguyện. Thủ đoạn quen thuộc thường được kẻ gian sử dụng là giả mạo website, tổng đài, thư điện tử với nội dung quyên góp từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản, ăn cắp thông tin... từ những người nhẹ dạ. Bên cạnh đó, một số đối tượng lại núp bóng mạng xã hội giả danh các tổ chức “từ thiện thật” để trục lợi vẫn tiếp tục hoành hành. Chưa kể, thiên tai và dịch bệnh cũng là cơ hội để một số người lười lao động, ỷ lại vào lòng tốt từ các nhà hảo tâm ra sức lợi dụng. Dù không thực sự khó khăn nhưng một số người vẫn xông vào nơi phát đồ từ thiện để tranh thủ giành giật, vơ vét. Cá biệt, một số đối tượng còn bịa đặt, dối trá về hoàn cảnh sống của mình bằng cách dùng hình ảnh người khác đăng tải lên mạng xã hội kêu gọi lòng thương từ những nhà hảo tâm. Thậm chí tại Đồng Nai, một phụ nữ còn giả dạng nhà hảo tâm lên mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ tiền bạc, vật chất cho chính gia đình mình. Tin vào hình ảnh và câu chuyện bịa đặt, nhiều tổ chức, cá nhân đã vượt hàng trăm cây số từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng Nai để trao quà cho gia đình này. Chuyện chỉ thực sự vỡ lở khi một số người nghi ngờ người phụ nữ nói trên, nên đã xác minh thông tin qua chính quyền địa phương. Ngoài ra, hình thức làm từ thiện của một số cá nhân cũng gây ra tranh cãi trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông khi số người này đã biến việc làm từ thiện thành cơ hội đánh bóng tên tuổi, khoe mẽ về hành vi làm từ thiện. Họ công khai khoe khoang về số tiền quyên góp rất lớn nhưng chỉ minh họa bằng các hình ảnh “tự sướng” của bản thân mà không hề có bằng chứng cụ thể. Chưa kể một vài người còn quay phim, chụp ảnh ghi lại cảnh trao quà đến tay người nghèo song hiện vật lại là sản phẩm kém chất lượng, không thể sử dụng. Thậm chí có người còn cho mình “quyền” được mắng chửi, mạt sát những người mà họ cho rằng... không xứng đáng nhận đồ từ thiện!

Biến tướng trong hoạt động từ thiện còn làm nảy sinh trong xã hội hiện tượng một số người nhân danh từ thiện để soi mói, khích bác, xâm phạm đến đời sống riêng tư một số cá nhân, tổ chức, công ty, tập đoàn lớn, nhất là người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí. Trong mùa dịch, nhất cử nhất động của các tổ chức, cá nhân này đều trở thành mục tiêu săn đuổi của họ. Bức xúc vì liên tục bị người hâm mộ quấy rầy bằng câu hỏi vì sao không làm từ thiện, nghệ sĩ T.T. đã buộc phải bộc bạch: “Tôi không có thói quen làm từ thiện mà phải đăng báo mình làm ở đâu, bao nhiêu tiền. Bây giờ làm cái gì cũng phải báo cáo thì hóa ra từ một hành động ý nghĩa đâm ra thành “đối phó với cộng đồng” sao? (...) Làm từ thiện là tình nguyện, tùy khả năng, đừng so sánh. Giúp ít giúp nhiều gì cũng là tấm lòng, đều quý hết”. Tương tự, cầu thủ Q.H. đã phải chịu nhiều phản ứng tiêu cực của cộng đồng mạng khi nhận bàn giao chiếc xe ô-tô đã đặt mua từ nhiều tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng cầu thủ này cũng đành phải im lặng trước những lời quy kết rất vô căn cứ như: “Biết là tuổi trẻ tài cao, có tiền có quyền mua gì mình thích nhưng đang trong thời điểm đất nước còng lưng chống dịch, khoe khoang như thế thì mất hết hình tượng rồi”. Những lời đả kích vẫn tiếp tục trong một thời gian dài, bất chấp việc Q.H. và nhiều tuyển thủ bóng đá Việt Nam khác là các tấm gương đi đầu trong phong trào từ thiện cũng như trực tiếp tham gia các chiến dịch tuyên truyền chống dịch Covid-19 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và CLB Hà Nội. Nghiêm trọng hơn, một số tổ chức từ thiện chân chính cũng trở thành nạn nhân trước sự công kích của những kẻ ích kỷ, hẹp hòi, ưa suy diễn, đặt điều. Đáng nói nhất trong thời gian qua là chiến dịch truyền thông của “Mạng lưới tự kỷ Việt Nam” (VAN) đã phải chịu rất nhiều quy kết, xuyên tạc xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và thói quen nhận định hồ đồ của một số người dùng Facebook nổi tiếng. Không cần kiểm tra, xác định danh tính và động cơ trong sáng của VAN, một số người vội vàng nhận định các khóa học cho trẻ tự kỷ của tổ chức này là “trò lưu manh”, “quảng cáo rẻ tiền”...

Ngay cả việc tổ chức, định hướng các hoạt động, phong trào từ thiện phát triển đúng hướng, nhằm phát huy tối đa sức mạnh cũng như ý nghĩa xã hội của việc làm này cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Theo thống kê ban đầu, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, tổng đài 1400 thuộc Cổng thông tin nhân đạo điện tử quốc gia đã tiếp nhận gần 2,6 triệu tin nhắn, tương ứng với số tiền quyên góp lên đến hơn 150 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 13-5, Ban vận động Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đã tiếp nhận tổng cộng số tiền và hàng hóa ủng hộ trị giá hơn 180 tỷ đồng từ 6.861 đơn vị, cá nhân. Đó là các con số “biết nói”, đầy sức thuyết phục, khẳng định vai trò rất to lớn của người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh là biểu hiện và sự tiếp nối truyền thống cao đẹp về tình người của dân tộc Việt Nam. Con số này cũng cho thấy mức sống của người Việt Nam đã cải thiện hơn trước khá nhiều, vì khi mức sống được nâng cao, nguồn lực dành cho hoạt động từ thiện cũng sẽ được tăng lên, có tiềm năng trở thành phong trào quy mô bên cạnh các hình thức tự phát, nhỏ lẻ. Dù vậy, nguồn nhân lực, tiền bạc dành cho từ thiện lại chưa phải vấn đề lớn nhất đối với các nhà hảo tâm ở Việt Nam. Theo nghiên cứu Đóng góp từ thiện tại Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Hà Nội và Quỹ châu Á, dù nhiệt tình tham gia các hoạt động đóng góp từ thiện, vẫn có 14% người trả lời ở thành phố và 7% ở nông thôn không ủng hộ phương thức làm từ thiện, hay cách làm từ thiện như hiện nay. Lý do chủ yếu là vì lo ngại về tính công khai, minh bạch, chưa trúng đối tượng cần đến và trong chừng mực nhất định công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên chưa tạo được lòng tin cho người đóng góp. Đó là sự thật cần phải thừa nhận, vì đã có một số “con sâu làm rầu nồi canh” khiến một số người hảo tâm thận trọng với hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, cần nhìn thẳng vào thực tế là phần lớn hình thức từ thiện ở Việt Nam vẫn còn bị giới hạn, thường chỉ mang ý nghĩa tức thời và ngắn hạn, ít có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tầm nhìn, hoạch định sinh kế lâu dài cho các nhóm yếu thế. Hiện nay, đại đa số nhà hảo tâm mới chỉ dừng lại ở việc nâng cao tính minh bạch, hướng tới giá trị “từ thiện thật”, song chưa giải được các bài toán như “từ thiện thông minh”, “từ thiện sáng tạo”. Việc áp dụng công nghệ cao vào hoạt động từ thiện vẫn còn giậm chân tại chỗ trong khâu tuyên truyền, kêu gọi, huy động tiền bạc và các nhu yếu phẩm. Vì vậy, nguồn lực thiện nguyện tại Việt Nam vẫn chưa đem lại những giá trị tương xứng với nỗ lực của các nhà hảo tâm.

Từ trước đến nay, câu chuyện “của cho không bằng cách cho” vẫn là nỗi lo lắng, băn khoăn của nhiều nhà hảo tâm. Một số hạn chế, bất cập của hoạt động từ thiện trong cuộc chiến chống vi-rút corona chủng mới, chống hạn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long,... một lần nữa lại chỉ ra những vấn đề cần sớm khắc phục để phát huy cao nhất hiệu quả của hành động ý nghĩa và cao đẹp này, để không làm tổn thương lòng tốt, tránh lãng phí nguồn lực của nhân dân hay nguy cơ bị lạm dụng, rơi vào tay những đối tượng không xứng đáng. Vì vậy, dù vui mừng khi tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc được phát huy khi đại dịch, thiên tai xảy ra, thì cũng đã đến lúc chúng ta cần nâng cao và thay đổi về nhận thức, hành động để tăng cường lợi ích, hiệu quả của hoạt động từ thiện.