Nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội

Vì thiếu hiểu biết, kém ý thức, muốn gây sự chú ý trên in-tơ-nét, hay tự cho mình “quyền” giám sát các lực lượng chức năng,... thời gian gần đây đang xuất hiện tình trạng một số người Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi lợi dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để ngang nhiên vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự xã hội. Đó là hành vi cần phải phê phán và sớm được ngăn chặn.

Rạng sáng 14-2, tại hiện trường vây bắt tội phạm Lê Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn “khỉ” - kẻ đã bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố và phát lệnh truy nã vì hành vi nổ súng, sát hại năm người) tại đường Đỗ Văn Dậy (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), mặc dù lực lượng chức năng đã phong tỏa khu vực, lập chốt chặn để thực thi nhiệm vụ nhưng hàng trăm người hiếu kỳ vẫn kéo đến khiến giao thông quanh khu vực bị tắc nghẽn. Rất đông người lăm lăm trên tay điện thoại di động có chức năng ghi hình, tiến hành livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội). Sự việc nêu trên khiến nhiều người liên hệ đến cảnh tượng hỗn loạn hồi cuối tháng 1-2020 diễn ra trên đường Trung An (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Khi đó, cũng có hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đoạn đường này vì sự hiếu kỳ, không ít người mải mê giơ cao điện thoại để chụp hình, livestream, nhắn, gọi người thân ở phương xa để tường thuật trực tiếp tại hiện trường của cuộc truy bắt. Mặc cho lực lượng công an liên tục nhắc nhở, yêu cầu rời khỏi hiện trường, họ vẫn vô tư ngang nhiên đứng chắn đường, bất kể sự nguy hiểm tính mạng cho chính bản thân mình và gây cản trở lực lượng chức năng. Có người đã di chuyển hơn 60 ki-lô-mét từ Đồng Nai đến tận Củ Chi từ sáng sớm để có mặt tại hiện trường. Thậm chí, một cặp vợ chồng còn than thở đã rủ người thân đến hiện trường cùng xem nhưng chưa thấy ai. Không chen vào được đám đông trên đường Trung An, một số người liền vội vã trở lại hiện trường vụ án hòng chụp lại những dấu tích còn lại của cuộc nổ súng. Nhiều người trong số này theo dõi lực lượng công an truy bắt Tuấn “khỉ” đến mức bỏ cả công việc thường ngày, chấp nhận ăn uống, ngủ nghỉ tạm bợ chỉ để phục vụ một mục tiêu duy nhất là đăng tải thông tin giật gân về vụ trọng án lên các mạng xã hội như Facebook, Youtube càng sớm, càng trực diện càng tốt...

Có thể thấy sự việc nêu trên đã và tiếp tục dấy lên nỗi lo âu trong cộng đồng, bởi sự hiếu kỳ, vô ý thức của một số người đang vô tình, thậm chí cố ý có hành vi gây rối, cản trở người thi hành công vụ, làm mất an ninh trật tự và đạo đức xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục. Thực tế cho thấy, lâu nay tại không ít nơi mỗi khi xảy ra các vụ án, tai nạn giao thông, hay các xô xát, cãi vã giữa các cá nhân cho đến những hoạt động mang tính chất riêng tư như ma chay, hiếu hỉ... lập tức xuất hiện những nhóm người chen lấn xô đẩy, nói cười ồn ào, giơ điện thoại để sẵn sàng quay hình tung lên mạng xã hội. Hình ảnh xấu xí của đám đông tụ tập làm náo loạn trong đám tang của Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín để chụp ảnh, quay phim, hay việc một nhóm thanh niên thích “chơi trội” đã livestream trong tình trạng gần như khỏa thân trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) diễn ra cách đây chưa lâu là những thí dụ điển hình khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc, lên án. Hành vi quay lén, livestream những bộ phim đang chiếu rạp, chương trình truyền hình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật,... cũng gây nhiều phẫn nộ trong xã hội, thậm chí để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, có thể gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nhà sản xuất. Câu chuyện phim chưa thu hồi vốn đã bị livestream từ rạp chiếu bóng tiếp tục trở thành chủ đề nóng trong dịp Tết Canh Tý vừa qua khi hai bộ phim 30 chưa phải Tết và Gái già lắm chiêu 3 bị kẻ xấu phát tán nội dung lên mạng xã hội TikTok.

Với các công cụ được mạng xã hội cung cấp như chức năng đăng tải hình ảnh, video và giờ đây là livestream, trên thực tế ở tại nhiều nước một “nghề nghiệp mới” đã được hình thành trong xã hội. Đó là online streamer (người tạo ra nội dung được phát sóng trực tiếp trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram hay TikTok). So với các nhà sản xuất video, hình ảnh trên mạng xã hội, online streamer được một số người trẻ Việt Nam tán tụng là một nghề “việc nhẹ lương cao”. Theo đó, người làm công việc này chỉ cần đăng tải trực tiếp những sinh hoạt thường ngày của họ để thu hút người xem. Tại Việt Nam, công việc trên nhanh chóng trở thành giấc mơ khởi nghiệp của một số công dân mạng ở độ tuổi khác nhau. Các streamer như ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), MisThy (Lê Thy Ngọc) hay Độ Mixi (Phùng Thanh Độ) thậm chí có lúc còn là “thần tượng” của một số người trẻ bởi họ có cuộc sống “đáng ao ước” khi được chơi trò chơi điện tử thỏa thích, ăn uống sang chảnh, trưng diện những trang phục đắt tiền, tham dự những sự kiện nổi tiếng như một ngôi sao giải trí đích thực. Chưa kể, nguồn lợi nhuận của họ còn đến từ tiền quảng cáo, bán hàng trực tuyến, chuyển khoản quyên góp (donate) từ người hâm mộ và nhiều loại hình kinh doanh ăn theo danh tiếng nữa. Tuy nhiên, trái với vẻ bề ngoài hào nhoáng, streamer là một trong những công việc có tốc độ đào thải rất nhanh. Để bám trụ lại với ngành nghề khắc nghiệt này, không ít streamer đã phải lạm dụng đủ mọi chiêu trò mà điển hình nhất là đăng tải, chia sẻ trực tiếp các loại video, hình ảnh gây sốc, phản cảm. Vì vậy, các sự kiện đang gây xôn xao, tranh cãi trong dư luận cũng chính là “con mồi” của giới streamer. Họ lập tức bám vào các điểm nóng chẳng khác gì hình ảnh “kền kền săn xác chết”. Không chỉ vậy, để gây sốc, nhằm thu hút nhiều hơn những người tò mò cũng như đáp ứng thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, một số người còn ngang nhiên vi phạm pháp luật, tự cho mình quyền “thay trời hành đạo” dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười. Tiêu biểu như sự việc xảy ra hồi tháng 10-2019, mạng xã hội lan truyền một video có nội dung một người đàn ông (được xác minh là Đoàn Văn Tý) đang đánh đập con ruột của mình. Ngay sau đó, một nhóm thanh niên lên đến cả trăm người đã tìm đến địa chỉ cư trú của Đoàn Văn Tý để hành hung, livestream và chụp hình nạn nhân đăng tải lên mạng xã hội như một biểu hiện của hành động “bảo vệ trẻ em”. Họ đâu có ngờ video livestream mà họ xem được trên Facebook thực tế đã được ghi hình từ hai năm trước. Bản thân anh Đoàn Văn Tý đã phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật, đã ý thức được và thấy hối lỗi trước hành vi sai trái với con ruột của mình. Đây không phải sai phạm nghiêm trọng đầu tiên của một số streamer tại Việt Nam và chắc chắn sẽ còn tái diễn nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả cho hành vi coi thường pháp luật này.

Tiền bạc và sự nổi tiếng được xem là hai nguyên nhân khiến “nạn dịch” livestream đang trở nên mất kiểm soát tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. “Ngáo quyền lực” là cụm từ mà bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đã phải thốt lên trước thái độ thách thức của một streamer ngang nhiên xông vào nơi cách ly người nhiễm Covid-19, tự cho mình có “quyền giám sát” đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại đây. Tuy nhiên, cụm từ đó dường như lại là một định nghĩa chính xác dành cho khá nhiều streamer nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay, khi họ đang ngày một lạm dụng quyền tự do, dân chủ của mình để xâm phạm, gây rối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an ninh xã hội, gây mất an toàn cho các cá nhân, cộng đồng chung quanh mình.

Để đối phó với tình trạng streaming bừa bãi, chính phủ nhiều quốc gia đã buộc phải sử dụng các biện pháp mạnh. Tháng 3-2019, ba người Anh đã bị kết án tổng cộng 17 năm tù vì livestream lậu Giải Bóng đá ngoại hạng Anh tại một số quán rượu, câu lạc bộ. Tại Ô-xtrây-li-a, Chính phủ đã ban hành Bộ luật Hình sự sửa đổi để bảo vệ công dân nước này trước nạn livestream các video có nội dung xấu. Đáng chú ý, bộ luật có các điều khoản thẳng tay trừng phạt những mạng xã hội vô trách nhiệm với quy định, cụ thể như sau: các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội có thể bị phạt với số tiền lên tới 10% doanh thu hằng năm, giám đốc điều hành của công ty sẽ phải đối mặt với án tù nếu không có các hành động ngăn chặn kịp thời các video livestream chứa nội dung liên quan đến tội ác. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều biện pháp, hành động cụ thể được các quốc gia sử dụng để ngăn chặn hành vi thực hiện livestream với mục đích, động cơ thiếu trong sáng.

Tại Việt Nam, làm tổn hại kinh tế, loan truyền tin tức sai sự thật, gây rối loạn trật tự xã hội, nhiều streamer trên các mạng xã hội đang phải đối mặt với luật hình sự. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, phần lớn các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc xử lý bằng hình thức giải thích, tuyên truyền, yêu cầu tháo gỡ và phạt hành chính. Chính vì còn thiếu tính răn đe nên tình trạng thiếu ý thức trong sử dụng mạng xã hội của không ít cá nhân vẫn tiếp tục diễn ra, một số Facebooker, Youtuber vẫn ngựa quen đường cũ, chứng nào tật nấy. Mặt khác, các ông lớn công nghệ mà điển hình là Facebook cũng đang phó mặc cho người sử dụng tự tung tự tác với lý do “không thể ngăn chặn được hành vi livestream với mục đích xấu”.

Trước tình trạng này, theo ý kiến của các chuyên gia, để có một môi trường mạng lành mạnh và góp phần gìn giữ sự ổn định, phát triển của cộng đồng, cơ quan luật pháp ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, xử phạt hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Đối với Việt Nam, cần thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng, tập trung bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng, tạo hành lang pháp lý bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người sử dụng mạng xã hội cùng cần nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội, chung tay làm cho in-tơ-nét phát huy được ý nghĩa tích cực đối với xã hội và con người.