Một đề nghị sai lầm và nguy hiểm

Ðóng góp ý kiến với Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, rất nhiều ý kiến tâm huyết của các tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân đã được gửi tới các cơ quan chức năng, cũng như thông qua diễn đàn báo chí, truyền thông trên cả nước, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao đối với đất nước. Nhưng đáng tiếc, một vài cá nhân lại lợi dụng cơ hội này, thông qua báo chí nước ngoài để đưa ra đánh giá tùy tiện, cổ vũ mô hình phương Tây.

Không đồng tình với một trong những dạng ý kiến như vậy, từ Houston (Mỹ), Luật sư Hoàng Duy Hùng đã gửi tới Báo Nhân Dân một bài phản biện. Xin giới thiệu bài viết này để bạn đọc tham khảo, cũng như có thêm thông tin để hiểu rõ hơn về nền tư pháp phương Tây.

Mới đây, BBC tiếng Việt đăng bài của một luật sư gửi từ Hà Nội nói là để góp ý với Ðại hội XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhưng theo tôi, phía sau bài viết đó là một thâm ý. Mở đầu, ông luật sư khẳng định Việt Nam “khao khát phát triển kinh tế nhưng lại kém coi trọng thực hành công lý”, và cho rằng sau 35 năm cải cách, mở cửa, Việt Nam đã có các thành tựu nhưng theo ông, nguyên nhân Việt Nam phải cải cách là do “thiếu đói”, khó khăn về kinh tế, dẫu vậy lại không cải cách tư pháp để mang lại công lý cho người dân, nên ông viết bài góp ý Ðại hội XIII phải cải cách tư pháp theo mô hình phương Tây, ông muốn Ðại hội XIII phải là đại hội của nền công lý!

Năm 1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với Tuyên ngôn Ðộc lập khẳng định “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”, Cụ Hồ đã viết thư gửi một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ H.S.Truman (H.X.Tru-man), để họ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Ðó là tinh thần cởi mở và thân thiện. Nhưng các quốc gia, nhất là Mỹ, vì quyền lợi riêng mà họ làm ngơ, tiến hành xâm lược Việt Nam. Sau năm 1975, Mỹ và các nước phương Tây đã cấm vận Việt Nam, không cho Việt Nam quan hệ với thế giới. Cùng với đó là chiến tranh biên giới phía bắc kéo dài đến năm 1989... Ðó là các nguyên do chính của đói nghèo. Ðến thập niên 1990, Việt Nam mới mở cửa, sau 35 năm đổi mới, trong đó có 25 năm chấm dứt cấm vận, Việt Nam đã phát triển như chúng ta đang chứng kiến và tự hào.

Luật sư này viết rằng, người dân Việt Nam đã thoát cái đói về lương thực nhưng vẫn tồn tại cái đói “cảm thức về công lý”. Vậy đó là công lý nào? Trước đây, người Iraq (I-rắc) tưởng sự có mặt của Mỹ và chế độ đa đảng đem lại phồn vinh, hạnh phúc cho họ, thế nhưng sau gần 20 năm, người Iraq thiếu lương thực, phe phái đánh nhau liên tục, nhân dân sống trong sợ hãi, chán ngấy đa đảng và công lý kiểu phương Tây, và mơ ước của họ vẫn là ổn định chính trị và lương thực hằng ngày. Libya (Li-bi) cũng vậy. Năm 2011, người dân nghe xúi giục từ bên ngoài mà tham gia “mùa xuân A-rập” lật đổ M.Gaddafi (M.Ga-đa-phi). Họ cũng tưởng đa đảng, công lý kiểu phương Tây là “đũa thần” giúp đất nước thăng hoa. Nhưng đa đảng, công lý đó khiến Libya tan nát, các thế lực đánh nhau triền miên, dân không có lương thực, điện, nước và ao ước trở về thời độc tài của M.Gaddafi. Việt Nam là quốc gia đơn đảng nhưng không có nghĩa là độc tài, vì đơn đảng ở Việt Nam có các quy tắc dân chủ. Chính dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản mà ngày nay đất nước Việt Nam rất ổn định, kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, uy tín và vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao...

Theo luật sư này, để có công lý thì nên bắt chước nền tư pháp của Mỹ và phương Tây. Như thế là vọng ngoại, đừng nghĩ cái gì của nước ngoài cũng tốt, đừng nghĩ những điều “có thể tốt” ở phương Tây thì có thể áp dụng ở Việt Nam.  Ở Mỹ và ở phương Tây có hình nữ thần công lý bị bịt hai mắt, cán cân bị lệch một bên, vì họ quan niệm thế giới không có gì tuyệt đối và chỉ là tương đối. Ông luật sư không phân biệt được ngành tư pháp (Judicial Branch) là các cấp tòa án và Bộ Tư pháp (Department of Justice) nên ông nhận định về cải cách tư pháp rất sai lầm. Ở Mỹ, chánh án các cấp của tiểu bang do dân tiểu bang đó bầu, còn thẩm phán liên bang ở tất cả các cấp đều do tổng thống đề nghị và quốc hội phê chuẩn. Khi đề nghị và phê chuẩn, họ chủ yếu làm theo chính sách của đảng phái, như trường hợp các thẩm phán N.Gorsuch (N.Gô-sớt), B.Kavanaugh (B.Ka-va-nơ), và mới đây là A.C Barett (A.C Ba-rét). Sau khi đã làm thẩm phán, họ thường phán quyết theo khuynh hướng của đảng. Vì vậy mới có phe cấp tiến (đảng Dân chủ), phe bảo thủ (đảng Cộng hòa). Do ảnh hưởng của đảng phái nên nhiều phán quyết bị lật ngược, và mỗi lần lật ngược thì xã hội lại bị xáo trộn. Như ở Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng, rồi đây phán quyết về phá thai có thể bị lật ngược, có thể sẽ có biểu tình bạo loạn. Vì sau khi phe bảo thủ có thêm thẩm phán do Tổng thống D.Trump (Ð.Trăm) đề cử đã làm lệch cán cân tại Tối cao pháp viện. Vậy ông luật sư có thấy ngành tư pháp của Mỹ hoàn toàn độc lập hay không? Còn Bộ Tư pháp là một bộ phận của hành pháp và phải thi hành quyết định của hành pháp, không thi hành sẽ bị sa thải. Bộ Tư pháp có cơ quan an ninh điều tra, công an, cảnh sát, các cai tù, các công tố viên... Thí dụ, vì Bộ trưởng Tư pháp Mỹ J.Session (J.Xéc-sơn) rút lui không tham gia vụ điều tra cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, Thứ trưởng R.Rosenstein(R.Rô-dân-stai) chỉ định ông R.Mueller (R.Mu-lơ) làm công tố viên độc lập. Ông R.Mueller gây sóng gió gần hai năm, bắt giam cả cựu Cố vấn an ninh quốc gia là tướng M.Flynn (M.Phờ-lin), truy tố về tội nói dối. Sau hai năm, không tìm được chứng cớ, Tổng thống D.Trump sa thải ông J.Session, ông R.Rosenstein cũng ra đi; đến khi W.Barr (W.Ba) làm Bộ trưởng, lại quyết định không truy tố tướng M.Flynn. Ðó là bằng chứng cho thấy Bộ Tư pháp của Mỹ đâu có độc lập khỏi hành pháp hoàn toàn.

Không phân biệt được sự khác nhau giữa ngành tư pháp và bộ tư pháp nên nhiều nhận định của ông luật sư rất ngớ ngẩn. Thí dụ như ông viết: “hầu hết các nước có nền tư pháp tiến bộ họ quy định tập trung vào trong tay tòa án các thẩm quyền về bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Trong khi ở Việt Nam lại mở rộng trao quyền này cho cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát, khiến cho nền tư pháp mang nặng tính chuyên chế tạo ma sát gây tổn thương cho quyền công dân, góp phần tạo ra tình trạng kém dân chủ trong đời sống xã hội”. Viết như vậy là viết bừa. Thực tế tư pháp phương Tây và ở Mỹ hoàn toàn không như vậy. Chẳng hạn, ở Mỹ, tòa án không ra quyết định khám xét, thu giữ đồ vật khi chưa có “probable cause” tức là chưa đủ yếu tố xác định “căn nguyên có thể phạm tội”, còn trong trường hợp có đủ yếu tố để xác định “căn nguyên có thể phạm tội” thì cảnh sát có thẩm quyền truy bắt ngay, bất kể ngày đêm, thu giữ chứng cớ, nếu ai chống lại thì truy tố thêm tội chống người thi hành công vụ, và nếu người chống lại dùng vũ lực thì cảnh sát có quyền tự vệ bằng vũ lực. Cũng chính vì hiểu biết luật pháp của Mỹ và phương Tây còn hạn chế nên ông luật sư đã bàn luận, góp ý, đúc kết một cách rất ấu trĩ: “Bởi lẽ thể chế chính trị ở Việt Nam do Ðảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, đâu có chịu buông bỏ sự lãnh đạo đối với tư pháp?”!

Không hiểu rõ nền tư pháp của Mỹ và phương Tây nhưng ông luật sư lại muốn áp dụng nền tư pháp đó, vì theo ông: “Tức là qua kinh nghiệm tư pháp lâu đời, họ đã thiết lập lên những quy trình tư pháp bảo đảm rằng cứ làm theo lối đó ngõ hầu kết quả sẽ tiệm cận với công lý”. Người Mỹ có câu “đồng tiền đâm thủng hàng rào công lý”, ai vướng lao lý ở Mỹ sẽ thấy kinh hoàng như thế nào. Vì ở Mỹ có nhiều “tròng”: “tròng” liên bang, “tròng” tiểu bang, “tròng” của các cơ quan, ngành đặc biệt... Tướng M.Flynn là Cố vấn an ninh quốc gia, chức quyền trong tay, thế mà công tố viên độc lập cho FBI hỏi cung, gài độ ông những câu chữ lắt léo, để ông nói đằng nào cũng bị coi là nói dối, và họ truy tố ông về tội nói dối! Ông R.Mueller dùng ngân sách quốc gia, còn tướng M.Flynn dùng tiền cá nhân để trả phí luật sư nên phá sản. “Tròng” của liên bang không được, ông R.Mueller áp dụng tròng thứ hai dọa sẽ đưa hồ sơ qua tiểu bang tiếp tục truy tố nếu ông M.Flynn không chịu nhận tội nói dối; và còn dọa sẽ tìm cách kéo gia đình con cái ông M.Flynn vào truy tố luôn. Không còn tiền chi trả luật sư, cuối cùng tướng M.Flynn ký nhận tội nói dối. May cho tướng M.Flynn là ông W.Barr lên làm Bộ trưởng Tư pháp đã quyết định không truy tố tướng M.Flynn vì cho rằng như vậy là bất công. Nhiều người Mỹ cho rằng, M.Flynn là nạn nhân công lý của cuộc đấu đá giữa các phe Cộng hòa và Dân chủ, ông thoát tội song cũng khuynh gia bại sản, sự nghiệp mất hết. Phải chăng ông luật sư coi đó là công lý kiểu mẫu cho Việt Nam? Ông luật sư còn góp ý nên bắt chước quyền im lặng của bị can như ở Mỹ, tuy nhiên, ở Mỹ các điều tra viên rất khôn khéo dùng nhiều chiêu thức cuối cùng bị can tự khai. Công tố viện ở Hạt Harris (Texas) ra chỉ tiêu cho các công tố viên và điều tra viên, ai có quá trình kết án các bị can mức độ cao thì được thăng cấp, nên họ kéo dài điều tra vụ án rất lâu khiến bị can phải nhận tội, để hồ sơ của họ có “uy tín” là đã kết án cao. Nhiều người bị oan, không có tiền trả luật sư nên nhận tội, không hẳn nhận tội thì án nhẹ hơn, mà chủ yếu để không bị kéo dài dai dẳng, tốn kém...

Công lý không phụ thuộc vào đơn đảng hay đa đảng, mà ở giá trị mà đất nước, quốc gia đó lựa chọn, thậm chí ở cả tâm con người, ở đạo đức của công an, điều tra viên, chánh án, quản giáo... Lấy một vài sơ sót của một số cá nhân, dù các sai sót đó không thay đổi bản chất vụ án như trong vụ án của Hồ Duy Hải, rồi quy kết nền tư pháp của đất nước là “lạc hậu, không đem lại công lý cho người dân” rồi ngóng trông hệ thống nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam,... là vọng ngoại, không thể cổ vũ. Nếu hệ thống tư pháp của chế độ đơn đảng còn có sai sót thì cần góp ý để sửa chữa, đổi mới, chứ không nên sổ toẹt. Chưa kể, vì hiểu biết nền tư pháp của Mỹ và phương Tây quá kém nên ông luật sư cho rằng, nền công lý của Việt Nam lạc hậu và đề nghị cần phải áp dụng mô hình tư pháp của Mỹ và phương Tây. Rõ ràng, đó là một đề nghị hết sức thiếu thiện chí và sai lầm, nguy hiểm cho đất nước, có thể dẫn đến bất ổn. Là một luật sư ở xa quê hương, sống và làm việc ở Mỹ, tôi mong muốn Việt Nam cố gắng khắc phục các nhược điểm còn tồn tại, và cải tiến, đổi mới, hoàn thiện tư pháp theo cách của Việt Nam, để nền tư pháp đất nước ngày càng hoàn thiện và thực hiện thật tốt vai trò trong xã hội.