Bình luận - Phê phán

Lời cảnh tỉnh đối với phim chiếu trên mạng

Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra sân chơi mới cho các nghệ sĩ cũng như công chúng hâm mộ nghệ thuật thứ bảy nhưng sự phát triển rầm rộ của các web drama (phim chiếu trên mạng) trong nước chỉ vừa diễn ra trong một thời gian ngắn đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, thiếu sức sống. Sự nóng vội của một số nhà sản xuất, việc chỉ chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả thiếu tính sáng tạo, nghèo nàn về đề tài, cách thể hiện... đang được cho là những nguyên nhân dẫn đến kết cục đáng buồn này.

Có thể coi năm 2018 và nửa đầu năm 2019 là thời kỳ "làm mưa làm gió" của các web drama. Hàng chục kênh mới được đăng ký trên YouTube đã cung cấp cho công chúng những bộ phim được quảng cáo là "chỉ có trên mạng". Xem phim bất cứ lúc nào, không phải trả phí, cũng không cần mất công đến rạp, chỉ với một thiết bị điện tử có nối in-tơ-nét, người xem hoàn toàn được chủ động chọn lựa thời gian cũng như nội dung phim phù hợp nhu cầu, sở thích của mình. Những yếu tố này giúp phim chiếu trên mạng nhanh chóng được nhiều người lựa chọn. Về phía nhà sản xuất, họ được toàn quyền chủ động phát hành phim trên mạng, không phải phụ thuộc cứng nhắc vào lịch chiếu của các rạp, nhờ đó giúp kéo dài "tuổi thọ" và cơ hội khai thác lợi nhuận từ các bộ phim. Thậm chí, sân chơi mới này được kỳ vọng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các tài năng nghệ thuật được thử sức, đồng thời sẽ tạo sự cạnh tranh không nhỏ với phim chiếu rạp và phim truyền hình. Theo đó, tác phẩm nào chất lượng hơn, hấp dẫn hơn sẽ được công chúng lựa chọn. Do những lợi thế này cho nên chỉ trong thời gian ngắn, các web drama đã phát triển rầm rộ và trở thành một hiện tượng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng và cả giới chuyên môn. Hàng loạt phim chiếu trên mạng đạt mức hàng triệu view (lượt người xem) đã đem lại sự phấn chấn đối với các nghệ sĩ trẻ đang muốn thử sức trong lĩnh vực mới. Tiêu biểu có thể kể đến các phim như Ai chết giơ tay của nghệ sĩ trẻ Huỳnh Lập. Tập 1 của bộ phim được phát sóng đã thu hút gần 11 triệu lượt người xem. Các tập tiếp theo của bộ phim cũng thu hút từ 6,5 đến 9 triệu lượt người xem. Bộ phim Thập tam muội của đạo diễn Khương Ngọc, Tô Gia Tuấn cũng đã tạo ra một cơn sốt trên mạng xã hội với gần 40 triệu view cho mỗi tập phim khi ra mắt.

Hay vào cuối năm 2018, tập 6 trong loạt phim Người trong giang hồ của ca sĩ Lâm Chấn Khang đã đạt hơn 61 triệu view, trở thành sản phẩm Việt Nam đầu tiên lọt Top 10 video nổi bật trên toàn thế giới.

Cùng với tiếng tăm đem lại cho nghệ sĩ tham gia, sự bứt phá ngoạn mục của một số phim chiếu trên mạng giúp mang lại doanh thu "khủng" cho nhà sản xuất thông qua doanh thu quảng cáo, tài trợ. Sức hấp dẫn khó cưỡng từ một thị trường dù mới mẻ nhưng đầy tiềm năng đã thu hút không ít nhà sản xuất đầu tư số tiền lớn, mời gọi các nghệ sĩ có tên tuổi tham gia các dự án phim chiếu trên mạng của mình. Ðiều này tạo ra nhiều thay đổi đáng kể đối với các web drama. Một số đạo diễn từng thành công với phim chiếu rạp cũng không bỏ qua cơ hội để thử sức với web drama. Ðạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: "Chúng tôi không thể đứng ngoài xu thế tất yếu. Người xem không thể ôm ti-vi đi làm, trong khi in-tơ-nét phủ đến tận tỉnh, thành phố xa xôi. Mỗi người đều có điện thoại thông minh bên người, họ có thể xem chương trình, bộ phim yêu thích mọi lúc mọi nơi". Từ khía cạnh chuyên môn, đạo diễn Hoàng Anh lý giải: "Hiện nay có nhiều diễn viên muốn làm phim riêng cho mình nhưng nếu đầu tư làm điện ảnh thì kinh phí không cho phép, nếu làm truyền hình lại không có kênh phát sóng, như vậy phim chiếu mạng là lựa chọn hợp lý về kinh phí và đầu ra. Một khi có cầu sẽ có cung, các đạo diễn sẽ chuyển sang làm phim mạng". Và sự tham gia của "đội quân chuyên nghiệp" này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của web drama Việt. Nếu như thời gian đầu các phim chiếu trên mạng có nội dung khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp, ít nhiều mang tính thử nghiệm thì các phim xuất hiện sau đó được tổ chức một cách tương đối bài bản với mức kinh phí đầu tư lên đến tiền tỷ, được chăm chút kỹ hơn về nội dung, hình ảnh, chú trọng khâu phục trang, kỹ xảo,... giúp người xem mãn nhãn.

Sự phát triển mạnh mẽ của web drama khiến nhiều người lạc quan cho rằng đây sẽ là hướng đi triển vọng của điện ảnh, bởi khả năng thích ứng với nhu cầu, xu hướng mới trong thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng. Báo cáo của Công ty Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu, trụ sở đặt tại Niu Oóc - Mỹ, và Ði-ê-men - Hà Lan) cho biết, hiện có tới 92% số người dùng in-tơ-nét Việt Nam có thói quen xem video trực tuyến hằng tuần, đạt tỷ lệ cao nhất ở khu vực Ðông - Nam Á. Do đó, mạng xã hội chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất chương trình giải trí. Số liệu thống kê của Social Blade (website chuyên xếp hạng các trang mạng xã hội) cũng cho thấy: Việt Nam hiện có 71 kênh YouTube sở hữu nút play Vàng (là sự công nhận của YouTube dành cho các kênh có hơn một triệu khán giả đăng ký theo dõi trên YouTube). Ðứng đầu bảng là FAPTV, với tổng cộng 3,3 tỷ view cho các sản phẩm web drama. Mới đây, ngày 18-9-2019, FAPTV nhận nút Kim cương của YouTube do đạt 10 triệu subscribe (người đăng ký theo dõi kênh). Ðáng chú ý, trong cuộc đua náo nhiệt của các web drama phục vụ cộng đồng mạng, một số đơn vị truyền thông uy tín cũng không bỏ lỡ cơ hội, tiêu biểu là Ðài Truyền hình Việt Nam. Cụ thể như trên kênh VTV giải trí, thường xuyên sản xuất các web drama ngoại truyện phát triển từ những phim truyền hình "ăn khách" như Người phán xử, Quỳnh Búp bê, Về nhà đi con... thu hút rất đông người theo dõi, kéo theo sự tham gia của nhiều đơn vị quảng cáo, tạo nên giá trị gia tăng đáng kể cho sản phẩm của nhà đài.

Về phía nghệ sĩ, việc tham gia dự án phim chiếu mạng không chỉ tăng thu nhập, mà còn mở ra hướng đi mới cho sự nghiệp và mang lại danh tiếng cho họ. Thí dụ, thành công của bộ phim Ai chết giơ tay đã mang lại cho Huỳnh Lập gần 40 triệu view và gần 1,6 triệu người đăng ký theo dõi trên YouTube. Tương tự, bộ phim Thập tam muội mang về cho Thu Trang 2,6 triệu view chỉ sau một ngày ra mắt, góp phần đưa cô trở thành nữ nghệ sĩ hài đầu tiên của Việt Nam nhận được nút Vàng YouTube. Tất nhiên những thành công này đi kèm với sự nổi tiếng cũng như thu nhập khủng. Nhờ sức nóng của các web drama, sự nghiệp của không ít nghệ sĩ vốn chưa được nhiều người biết đến hoặc những nghệ sĩ đã thành danh nhưng có một thời gian chững lại giờ có cơ hội tiếp tục tỏa sáng. Sau hiệu ứng tích cực từ mạng xã hội, một số phim đã tiếp tục được đầu tư thành phim chiếu rạp.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2019 trở lại đây, mặc dù cuộc đua của các nhà sản xuất phim chiếu trên mạng vẫn còn rất sôi nổi song sức hút của các web drama bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, sự quan tâm của công chúng suy giảm nhanh chóng. Trong hàng chục web drama đua nhau ra mắt, chỉ còn thưa thớt vài địa chỉ được khán giả nhớ đến, lượng người xem cũng sụt giảm đáng kể. Sự thoái trào quá nhanh của web drama không chỉ tạo ra sự tiếc nuối cho nhiều người mà còn đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ. Tại sao nắm được nhiều lợi thế về "đầu ra" và điều kiện tiếp cận công chúng mà web drama lại để "mất trận địa" quá nhanh như vậy? Phải chăng tâm lý chủ quan, "ăn xổi", coi nhẹ công tác kiểm soát, kiểm duyệt chất lượng đã khiến không ít bộ phim dù được đầu tư khá nhiều tiền nhưng vẫn bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, nội dung hời hợp, nhảm nhí, kém hấp dẫn? Không khó để nhận ra nhiều phim chiếu trên mạng hiện nay khá đơn điệu về nội dung. Số lượng phim mới sản xuất nhiều nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ tập trung khai thác một số đề tài quen thuộc như: thế giới của "dân giang hồ", cuộc tranh đoạt giữa các băng nhóm tội phạm, hoặc những câu chuyện tâm linh, thần bí pha chút kinh dị, hài hước, thậm chí đi vào vết xe đổ của không ít phim trong nước trước đó là sử dụng những chi tiết, đề tài rẻ tiền, câu khách nhằm thỏa mãn nhu cầu một bộ phận công chúng, nhằm mục đích lợi nhuận... Chưa kể, trong giai đoạn đầu, có thể một số đề tài tạo được sự hấp dẫn do đã đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem, tuy nhiên, khi mật độ khai thác trở nên quá dày đặc, nội dung lặp lại, đơn điệu, thiếu sáng tạo mới thì phim phải đối diện sự thờ ơ của người xem là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Sự chững lại và suy giảm của web drama trong nước bên cạnh việc là một hiện tượng xã hội đáng lưu tâm cũng cần được xem là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với không ít nhà sản xuất cũng như nghệ sĩ. Nóng vội, cẩu thả, quá coi trọng lợi nhuận,… để rồi dễ dãi chiều theo thị hiếu nhất thời của một bộ phận công chúng sẽ không bao giờ có thể cho ra đời tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Thậm chí, xét từ góc độ văn hóa, những bộ phim đậm mầu sắc giang hồ, bạo lực còn tác động thiếu lành mạnh đến cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ. Ðạo diễn Huỳnh Lập đã thẳng thắn: "Mỗi người nghệ sĩ sẽ có sự lựa chọn riêng trong con đường nghệ thuật của mình. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên hạn chế lại, bởi nếu ai cũng thấy cái hiệu quả trước mắt về lượt xem rồi ồ ạt làm phim giang hồ thì văn hóa người Việt Nam sẽ như thế nào!". Trên thực tế, dù là phim chiếu trên mạng, nhưng nếu sản phẩm vi phạm chuẩn mực văn hóa của cộng đồng thì có thể bị dừng phát sóng vĩnh viễn, có thể bị xem xét trách nhiệm trước pháp luật. Khi đó danh tiếng và hiệu quả đầu tư của nhà sản xuất, uy tín của các nghệ sĩ tham gia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Không thể phủ nhận tiềm năng to lớn của việc sản xuất và phát hành phim trên mạng, nhất là khi xu thế xã hội cũng như đối với nhiều người, các ứng dụng trên in-tơ-nét ngày càng phổ biến, quen thuộc. Nhu cầu, cách thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật của công chúng cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên những người làm phim cũng cần nhận thức rõ, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt để chiếm lĩnh thị trường, dù là phim chiếu rạp hay phim chiếu trên mạng, vẫn phải là sản phẩm có giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa xã hội, mang dấu ấn sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hấp dẫn, lôi cuốn. Khi khán giả có thêm nhiều lựa chọn, tính cạnh tranh trở nên gay gắt hơn thì việc nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, chú trọng giá trị nhân văn luôn là điều kiện tiên quyết giúp bộ phim tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hy vọng các nhà làm phim sẽ ý thức nghiêm túc hơn về điều này, đồng thời không ngừng tìm tòi, học hỏi… để làm ra các sản phẩm nghệ thuật đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng, đóng góp vào sự phát triển nền nghệ thuật nước nhà.