Lạm dụng giải trí, trò chơi để trục lợi từ trẻ em?

Thời gian qua, chương trình giải trí, trò chơi trên truyền hình (gameshow) hoặc internet (in-tơ-nét) với sự tham gia của trẻ em có xu hướng ngày càng nở rộ. Việc tạo thêm sân chơi cho lứa tuổi trẻ thơ là điều đáng mừng và cần khuyến khích. Tuy nhiên thực tế lại đang dấy lên không ít lo ngại vì dường như khá nhiều chương trình, hoặc gameshow đang có chiều hướng đặt nặng mục đích thương mại, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của các em để trục lợi.

Chương trình giải trí có trẻ em tham gia không phải là điều gì mới mẻ và ngày nay, ngay cả trong thời điểm được gọi là “giờ vàng”, lướt qua các kênh trên truyền hình cáp, thường có thể bắt gặp các gameshow với sự tham gia của trẻ em. Không thể phủ nhận trong điều kiện sân chơi cho trẻ em còn bị thiếu nghiêm trọng như hiện nay, việc sản xuất các gameshow là một cách thức vừa bổ sung không gian vui chơi, vừa tạo điều kiện để các em nhỏ thử sức. Nhiều gameshow được đánh giá là sân chơi bổ ích thiết thực, có tính giáo dục cao giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, học hỏi về kiến thức, truyền cảm hứng đọc sách, thể hiện được niềm đam mê của mình như các gameshow: Cuốn sách của em, Sáng tạo 102, Trường teen,… (trên kênh VTV7), Mỗi ngày một điều hay, A, bạn đây rồi, Nào ta cùng vui,… (trên kênh HTV-Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh)... Ngoài ra còn nhiều gameshow khác giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo, tự tin, tự lập và khả năng thích nghi, ứng biến với các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống, như: Con đã lớn khôn, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Ước mơ của em, Vui cùng hoa lúa, Xúc xắc xúc xẻ, Nhanh nào bé yêu, Hành trình xanh, Cố lên con nhé, Chung sức Kids, Bố ơi, mình đi đâu thế?...

Các chương trình này thu hút được một lượng lớn khán giả ở các độ tuổi khác nhau bởi tính hấp dẫn, ý nghĩa thực tế, đồng thời giúp cha mẹ các em hiểu rõ hơn về tâm sinh lý lứa tuổi của con mình. Tuy nhiên, điều dư luận lo ngại là dường như các gameshow có nội dung giáo dục đang ít dần, thay vào đó, nhiều chương trình giải trí có tính thị trường đang nổi lên, chiếm sóng “giờ vàng” của không ít đài truyền hình. Thậm chí có chương trình vốn dành cho người lớn, có rating (xếp hạng) cao cũng lần lượt cho ra đời phiên bản dành cho trẻ em như: Giọng hát Việt nhí, Người mẫu nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí… Và khi chương trình như vậy xuất hiện nhiều một cách bất thường trên truyền hình và internet đã làm nảy sinh một số vấn đề không thể xem nhẹ.

Sẽ không có gì phải bàn nhiều nếu thí sinh nhí tham gia các chương trình này vì đam mê, yêu thích, và chương trình có nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng thiếu nhi. Song những gì đang diễn ra tại nhiều gameshow cho thấy trẻ dường như đã phải gồng mình, học cách hóa thân thành vai người lớn. Thậm chí lạm dụng các chiêu trò mà mục đích là để... mua vui. Mới đây, chương trình truyền hình thực tế Model Kid Vietnam 2019 (Người mẫu nhí Việt Nam 2019) đã gây ra khá nhiều tranh cãi quanh việc thí sinh nhỏ tuổi nhưng được trang điểm quá đậm, lòe loẹt, tóc nhuộm vàng hoặc xoăn tít, nối mi giả dày cong như người lớn. Thậm chí, có em còn khoác lên mình những trang phục hở hang đến nỗi chính huấn luyện viên của chương trình này cũng thừa nhận nhiều bậc cha mẹ đã tô vẽ quá nhiều cho các bé bằng các phụ kiện hoàn toàn không phù hợp, khiến nhìn các bé già hơn tuổi. Chưa kể, tình trạng một số em nhỏ trình diễn quá bài bản do được đào tạo từ các “lò” mẫu nhí với các động tác uốn éo, chống nạnh, lắc hông rất phản cảm. Không biết các em nhỏ học được gì nhiều sau chương trình này, vì nuôi dưỡng ước mơ, rèn luyện trở thành người mẫu là hoàn toàn khác biệt so với việc cho con trẻ bắt chước những hình ảnh bóng bẩy, khêu gợi bề ngoài. Hay như trong các cuộc thi về giọng hát, nhiều em ở lứa tuổi rất nhỏ (4 đến 5 tuổi) nhưng lại chọn tiết mục dự thi với ca khúc vốn dành cho người lớn, giai điệu não nề, không phù hợp với sự ngây thơ, giọng hát còn non nớt của lứa tuổi. Ví như trường hợp một bé được tung hô là “thần đồng Bolero” tham gia Biệt tài tí hon đã thử sức ở các ca khúc có tính tự sự của người lớn như: Duyên phận, Ðèn khuya… Dù các giám khảo đánh giá cao giọng hát của em nhưng khi nghe một đứa trẻ 4 tuổi cất lên những ca từ: “Không biết đêm nay vì sao tôi buồn/Buồn vì trời mưa hay bão trong tim/Ðã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm/Ðể rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm…”, không ít khán giả đã cảm thấy e ngại cho sự phát triển của cậu bé này.

Dư luận cũng không hẳn không có lý khi đã nghi ngờ về tình trạng một số nhà sản xuất chương trình giải trí lợi dụng trẻ em để thu lợi. Vì không thể coi là bình thường khi có chương trình cố tình tạo ra chiêu trò, tạo scandal (vụ bê bối) mà nhân vật chính là các em để đẩy rating lên cao nhằm thu hút quảng cáo. Cũng phải nói rằng, sở dĩ một số nhà sản xuất thực hiện được mục đích riêng một phần cũng nhờ sự tiếp tay khá dễ dãi từ chính cha mẹ các em. Không chỉ bởi tâm lý “con hát mẹ khen hay”, mà dường như có một số phụ huynh vì mong muốn con thành công, vì mong muốn con được nổi tiếng nên đã “đẩy”, ép con “chín” sớm trong “lò” luyện tài năng để tham gia các cuộc thi trên truyền hình. Sự việc một bé gái 5 tuổi khi tham gia một chương trình gameshow về gia đình đã hồn nhiên nói với người dẫn chương trình rằng đóng quảng cáo kiếm tiền quan trọng hơn việc đi học, đã khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi: phải chăng việc tham gia các show (chương trình) trên truyền hình hay quảng cáo, tham gia sự kiện cũng là nguy cơ khiến suy nghĩ non nớt của các em có thể phát triển lệch lạc, chệch hướng?

Cùng với nguy cơ bị lạm dụng hình ảnh, quyền tự do vui chơi học tập, một số trẻ em cũng đang đứng trước nguy cơ bị khai thác từ internet với nhiều cách thức tinh vi. Ðã xuất hiện không ít kênh YouTube hướng đến người xem là trẻ em, tuy nhiên, nội dung các đoạn phim trên các kênh YouTube dành cho trẻ em gần như bị buông lỏng, rất khó kiểm soát. Có rất nhiều kênh đăng tải nội dung được coi là dành cho trẻ em nhưng thực chất lại không mang nhiều tính giáo dục, mà chủ yếu vì mục tiêu kinh doanh. Có kênh doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng không chỉ từ lượng subscriber (người đăng ký) lớn mà còn vì chứa nhiều nội dung quảng cáo của các nhãn hiệu hàng hóa, hoặc chủ kênh tự kinh doanh các sản phẩm giới thiệu trên đoạn phim của mình. Thậm chí, có kênh là dành cho trẻ em nhưng mang tải cả các nội dung phản cảm, ảnh hưởng không nhỏ tâm sinh lý lứa tuổi. Kênh Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life (Người nhện đông lạnh Marvel - Siêu anh hùng ngoài đời thực) từng bị phạt 30 triệu đồng vì nội dung chứa nhiều hình ảnh hở hang, khiêu dâm, phản cảm là một thí dụ điển hình. Ngoài ra, một hiện tượng đáng nói khác là có cha mẹ lập kênh YouTube riêng cho con với mục đích chủ yếu là kiếm tiền (từ lượng người theo dõi, quảng cáo thương hiệu đồ chơi, bánh kẹo). Hậu quả là một số cha mẹ đã trở thành YouTuber (người làm nội dung để chia sẻ trên YouTube) mà mục đích chính là khai thác và biến đứa con mới chỉ 5-7 tuổi thành “công cụ kiếm tiền” cho mình. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, mà còn tác động tiêu cực đến sinh hoạt của cộng đồng.

Thực tế, sự nở rộ các gameshow, sự phát triển của mạng xã hội đã tạo thêm sân chơi cho lứa tuổi trẻ thơ, giúp các em có cơ hội thử sức và thể hiện tài năng của bản thân nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy rất khó lường. Ðã có không ít em xuất hiện tâm lý ganh đua, ảo tưởng về bản thân, theo đuổi hào quang sân khấu… mà thiếu sự nhìn nhận đúng đắn về khả năng của mình. Chưa kể, có thí sinh định hình phong cách sống, kiểu lối tư duy từ chính các cuộc thi mà các em tham gia trên truyền hình. Ðiều này đẩy tới hệ lụy nhất định khi các em còn chưa đủ khả năng nhận biết và điều chỉnh cho phù hợp, mà nhiều khi chỉ là mô phỏng, bắt chước sự hào nhoáng mà các em vừa trải nghiệm. Một số thí sinh thành công từ cuộc thi phải đối mặt với việc phải gồng mình với những trách nhiệm không dành cho một đứa trẻ khi trở thành “người của công chúng” quá sớm. Thay vì được sống hồn nhiên, lành mạnh đúng với lứa tuổi, các em lại phải lo hành xử sao cho tương xứng với danh xưng “người nổi tiếng”, hoặc “ngôi sao”. Thậm chí, có thí sinh đã phải hứng chịu phản ứng nặng nề của cộng đồng khi có lời nói hay hành động bị đánh giá không đúng mực. Ðiều này dễ khiến các em phải chịu ảnh hưởng xấu về tâm lý, tình cảm. Cần xác định rằng, các chương trình giải trí, gameshow chỉ nên là một sân chơi để các em bồi đắp tình yêu nghệ thuật, thể hiện khả năng vốn có, rèn luyện kỹ năng, đừng biến đó thành nơi đào tạo “ngôi sao”, càng không nên coi là phương tiện giúp trẻ em kiếm tiền.

Trẻ em là một nhóm yếu thế trong xã hội, khả năng tự bảo vệ chưa có, nhận thức còn non nớt nên rất cần được bảo vệ. Do đó cần xác định hành vi trục lợi từ trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều không được phép, và cần phải có biện pháp xử lý rốt ráo, nghiêm khắc. Hiện nay, pháp luật đã có quy định xử phạt rõ ràng đối với hành vi trái pháp luật khi để trẻ em tham gia các hoạt động không xuất phát từ sự tự nguyện của trẻ, không vì lợi ích của trẻ, lợi dụng hoặc có các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển, và các quyền của trẻ em. Về phần gia đình, để bảo vệ trẻ, các bậc cha mẹ, người thân không nên tự cho mình quyền được quyết định thay các em trong những hoạt động liên quan xã hội, mà cần tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con em mình. Hãy để các em được sống đúng với lứa tuổi, với niềm yêu thích và những khả năng riêng của bản thân, đừng bắt trẻ phải khoác “chiếc áo” quá rộng, càng không nên tìm mọi cách để buộc trẻ em phải trở thành “nhân tài” theo ước mơ của cha mẹ. Chỉ khi được phát triển tự nhiên, lành mạnh, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển,… thì trẻ mới thật sự phát huy hết năng lực của bản thân và trong tương lai sẽ trở thành người có ích cho xã hội.