Khôi phục, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Bài 2 :Gạn đục khơi trong 
 
 Thực tế cho thấy việc một số tổ chức xã hội, cá nhân cùng chung tay góp phần khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống đem lại hiệu quả khá tích cực. Tuy nhiên đã và đang xuất hiện hiện tượng “lệch dòng” thể hiện trên một số diễn đàn với những cuộc tranh luận có tính đấu đá, phê bình phiến diện hoặc thiếu chuẩn xác. Đó là điều cần chấn chỉnh, bởi với sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi hiện nay của mạng xã hội (MXH), những hạn chế hoặc sai sót về kiến thức nếu được đăng tải trên các diễn đàn sẽ nguy cơ dễ gây ra sự lệch lạc trong nhận thức của người tiếp nhận. Vì vậy, cần có các giải pháp hữu hiệu để lành mạnh hóa và phát huy tính tích cực xã hội của trào lưu này.
 

Phủ Dầy tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. (Ảnh: Internet)
Phủ Dầy tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. (Ảnh: Internet)

Có thể nói các hoạt động khôi phục giá trị văn hóa truyền thống không chỉ góp phần bảo lưu, giữ gìn mà còn là cách đưa văn hóa truyền thống gần hơn với cuộc sống hôm nay. Nhờ đó, một số bạn trẻ từ chỗ xa lạ với văn hóa truyền thống nay đã trở nên gắn bó, yêu thích và chủ động trở thành thành viên tích cực tham gia các hoạt động nhằm góp phần lan tỏa một số giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời không ít người cao tuổi vốn yêu mến văn hóa đã tìm thấy cơ hội “sân chơi” để thể hiện niềm đam mê và mong muốn đóng góp của mình. Chính sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng đã trở thành điểm tựa tinh thần để nhiều người đến với văn hóa truyền thống, góp phần tạo ra thị trường để có thể nuôi dưỡng nhiều loại hình di sản khác nhau.
 
 
 
 Tuy nhiên, có một thực tế, phần lớn các hoạt động “về nguồn”, khôi phục giá trị văn hóa nói trên đều do những nhóm xã hội, nghề nghiệp, cùng sở thích,… tự tổ chức, nên trong hoạt động còn có xu hướng tự phát. Một số nhóm vì thiếu chuyên gia có kiến thức sâu sắc dẫn dắt nên dễ dẫn đến lệch lạc về kiến thức, hoặc cách nhìn nhận thấu đáo, biện chứng về các vấn đề văn hóa. Thí dụ, một số trang thông tin chưa chuẩn xác trong phân biệt, đánh giá đình, đền, chùa, miếu, phủ… Tình trạng đưa thông tin chưa chính xác về các nhân vật là thành hoàng, hay các vị thánh, thần ở một số di tích cũng khá phổ biến dẫn đến không ít sai sót không đáng có... Trong quá trình khám phá, tìm lại một số giá trị văn hóa truyền thống, nhìn chung xu thế tự hào, ca ngợi các nét văn hóa, tập tục xưa là chủ đạo. Điều đó không sai, song không ít tổ chức, cá nhân vì quá đề cao “nét đẹp” văn hóa truyền thống, văn hóa làng quê mà trên một số diễn đàn đã để cảm hứng tự hào, ca ngợi lấn át, không phân biệt giữa phong tục và hủ tục. Thậm chí có người còn trở lên nhầm lẫn, vô tình ca ngợi, cổ súy cho một số hủ tục. Chưa kể, với một số diễn đàn về văn hóa truyền thống trên Facebook thu hút hàng chục nghìn thành viên và có ảnh hưởng lớn, việc đăng tải thông tin không chính xác, hoặc bình luận thiếu tính xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt tới nhận thức của người tham gia. Cũng cần phải nói thẳng rằng, có một thực tế kiến thức của không ít cá nhân cộng đồng mạng vẫn còn hạn chế cho dù sự yêu thích, quan tâm đến văn hóa truyền thống có thể đủ đầy.
 
 Điển hình như với tín ngưỡng thờ Mẫu, việc đăng tải một số thông tin chưa chính xác, hoặc đứng từ góc nhìn chưa hợp lý, không kiểm soát các bình luận đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng, tạo ra một số nhận thức sai lạc về nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng,… Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hình thức hầu đồng, lên đồng rất dễ làm nảy sinh biến tướng, trở thành mê tín, dị đoan, hoặc lợi dụng để trục lợi bất chính. Nếu không có sự am hiểu sâu sắc, cách nhìn khoa học, khách quan, vô hình trung lại có thể cổ vũ cho những “biến dị” của hầu đồng. “Thuần Việt hay không thuần Việt” cũng là một chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn. Nhiều facebooker quá đề cao giá trị văn hóa Việt, hoặc đề cao giá trị “thuần Việt”, dẫn đến tình trạng một số phong tục, tập quán, mỹ thuật,… hình thành, tồn tại do giao lưu với các nền văn hóa ngoài Việt Nam đã trải qua nhiều thế hệ nay bị nhìn nhận, đánh giá một cách cực đoan, thậm chí phân biệt, tẩy chay. Thậm chí, đã có tình trạng trên Diễn đàn Làng Việt xưa và nay từng có thành viên kêu gọi gỡ hết các câu đối, đại tự ở các di tích viết bằng chữ Hán - Nôm để thay thế bằng chữ quốc ngữ. Lời kêu gọi này bị nhiều người phản đối, nhưng cũng không ít người bình luận cổ vũ. Cách tiếp cận phiến diện này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, thái độ xã hội của người yêu mến văn hóa truyền thống, nhất là người chưa trang bị kiến thức đầy đủ về tiến trình phát triển văn hóa của dân tộc, mà ở đó những yếu tố giao lưu, tiếp biến là một trong các tiền đề để các nền văn hóa khác nhau học hỏi, làm giàu thêm cho văn hóa của mình. Trên thực tế, không thể phủ nhận, việc sử dụng chữ Hán, chữ Nôm đã góp phần xây dựng nền văn hóa Đại Việt giàu có, đồ sộ, giúp lưu truyền văn hóa, lịch sử, phong tục, thi ca,… qua nhiều thế kỷ.
 
 Hay gần đây, trào lưu khôi phục trang phục cổ đã phát triển mạnh, với nhiều nhóm hoạt động trên cả ba miền. Một số nhóm thiết kế trang phục cổ cách tân, trong đó mẫu áo nhật bình - một trang phục dành cho nữ giới quyền quý, nhất là ở triều Nguyễn, đã trở thành mẫu áo được giới trẻ ưa chuộng. Vào giai đoạn cuối của triều Nguyễn, áo nhật bình được sử dụng rộng rãi hơn, nhưng thường cũng chỉ trong những dịp quan trọng như lễ cưới. Nhiều chiếc áo nhật bình cách tân và được nhiều nhóm cổ phục giới thiệu, rao bán. Nhưng nếu tận mắt tiếp xúc một số áo nhật bình cách tân, nhiều người sẽ thấy “sốc”. Bởi áo nhật bình thường mặc với quần trắng nhưng ở mẫu cách tân, ngoài phần cổ giữ nguyên thiết kế và họa tiết kiểu cổ phần áo bị cắt ngắn, chiếc quần bị bỏ đi biến thành chiếc váy ngắn cũn cỡn, như bộ váy ngủ. Dù dư luận phản ứng, nhưng không ít bạn trẻ vì thiếu hiểu biết thấu đáo về bản chất của loại trang phục này vẫn nhiệt tình bảo vệ, cho rằng đó là cách để trang phục truyền thống “thích ứng với cuộc sống hiện đại”. Một số người còn “phối” áo nhật bình với đai giữ tất kiểu phương Tây rất phản cảm. Với nam giới, một số bạn mặc áo ngũ thân, tay chẽn, cổ đứng - kiểu trang phục nam giới phổ biến trước năm 1945, nhưng lại thể hiện “cá tính” bằng cách thêu, in hình ảnh, họa tiết hiện đại mang tính phô trương, thiếu phù hợp. Trang phục truyền thống đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, nhưng nhiều bạn thay vì thể hiện sự trân quý, yêu thích lại coi đó là hình thức khẳng định phong cách ăn mặc cá tính, nhất là trong dịp hội hè, lễ, Tết. Nhưng sự hiểu biết chưa đầy đủ cùng với nhu cầu “thể hiện” bản thân quá cao khiến việc sử dụng trang phục truyền thống trở nên không phù hợp, gây phản cảm.
 
 Hiện nay, hầu hết các câu lạc bộ, hội, nhóm về văn hóa truyền thống đều sử dụng MXH, nhất là Facebook, làm công cụ tương tác, kết nối cộng đồng, lan tỏa các giá trị. Tuy nhiên cũng tại đây, mặt trái của MXH thể hiện qua các bình luận thiếu trách nhiệm, thậm chí thiếu văn hóa, gây ra không ít hệ lụy. Nhiều cuộc tranh luận về văn hóa lại trở thành cuộc “đấu đá”, bài bác, nói xấu nhau. Có thể kể đến sự việc xảy ra cuối năm 2020 khi Bảo tàng Mỹ thuật phối hợp nhóm Sen Heritage (một nhóm gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đam mê văn hóa truyền thống) trưng bày “Khám phá kiến trúc chùa Diên Hựu thời Lý trong không gian 3D”. Đây là công trình nghiên cứu, phục dựng chùa Diên Hựu (thường gọi là Chùa Một Cột) trong không gian thực tế ảo mà nhóm Sen Heritage phải thực hiện trong mấy năm. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận, hoặc góp ý một cách khách quan, xây dựng, nhưng khi thông tin, hình ảnh về chùa Diên Hựu của nhóm Sen Heritage được đăng tải, tại một số diễn đàn đã có nhiều ý kiến công kích, phê phán thiếu tinh thần học thuật, thậm chí thiếu văn hóa. Họ coi đó là “chùa lai căng”, gọi nhóm Sen Heritage là “vong bản”… Các tác giả không tranh luận, nhưng các ý kiến này đã khiến họ buộc phải tổ chức một cuộc tọa đàm khoa học ngoài dự kiến với chủ đề “Thuần Việt hay không thuần Việt”. Đây cũng chính là lý do để một số diễn đàn như: Đình làng Việt, Làng Việt xưa và nay,… thi thoảng phải công bố “trục xuất” hoặc “treo nick” tạm thời một số thành viên bình luận thiếu văn hóa. Mặc dù vậy, do không thể lúc nào admin (quản trị mạng) cũng kiểm soát kịp thời, đầy đủ, nên bình luận thiếu văn hóa vẫn xuất hiện. Cá biệt, trên một số diễn đàn về tín ngưỡng, tôn giáo, một số thành viên còn đứng trên lập trường, quan điểm của tín ngưỡng, tôn giáo này bài bác tín ngưỡng, tôn giáo khác. Những cách ứng xử như vậy vừa thiếu tính xây dựng và văn hóa, chưa tính ở góc độ nào đó xét đến cùng thì đó còn là hành vi vi phạm pháp luật.
 
 Chính vì vậy, việc sớm có các giải pháp ứng xử, tìm cách “gạn đục, khơi trong” trong các hoạt động khôi phục giá trị văn hóa truyền thống mang tính xã hội hóa hiện nay là hết sức cần thiết. Vì hầu hết các câu lạc bộ, hội, nhóm về văn hóa truyền thống đều tập hợp, kết nối, sinh hoạt song song dưới hai hình thức “thực” và “ảo”, trong đó ảnh hưởng của sinh hoạt “ảo” là rất lớn. Để khắc phục nhược điểm, trước hết các diễn đàn cần yêu cầu các thành viên khi tham gia cần có thái độ ứng xử văn minh trên không gian mạng; ban hành quy định của nhóm, kiểm soát thật chặt chẽ; trục xuất, hoặc treo nick những đối tượng vi phạm. Về phía cơ quan quản lý, việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH và vận động cộng đồng thực hiện cần được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý văn hóa cần có sự quan tâm đúng mức đến trào lưu này để có giải pháp, biện pháp phù hợp.
 
 Thực tế cho thấy, hoạt động của không ít các câu lạc bộ, hội, nhóm góp phần gìn giữ khôi phục các giá trị văn hóa, truyền thống hiện vẫn nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan văn hóa. Vì thế cần tìm kiếm mô hình hợp tác giữa cơ quan nhà nước với các câu lạc bộ, hội, nhóm, nhất là những câu lạc bộ thu hút đông đảo thành viên; tăng sự tương tác, trao đổi giữa các bên, hợp tác làm việc trên một số lĩnh vực; nhất là trong tương tác, hợp tác với thành viên đứng đầu. Sự phối hợp chặt chẽ, mang tính hợp tác này vừa có thể hỗ trợ các hội, nhóm hoạt động, vừa huy động được sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời trên cơ sở đó, có thể định hướng hoạt động của các câu lạc bộ, hội, nhóm sao cho phù hợp. Các cơ quan quản lý, nghiên cứu văn hóa truyền thống cũng nên khuyến khích cán bộ, nhân viên của mình tham gia các câu lạc bộ, hội, nhóm, vừa lan tỏa được kiến thức tới cộng đồng, vừa tham gia điều chỉnh, cũng như để tiếp cận kiến thức văn hóa từ cộng đồng. Thậm chí, tùy theo tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan, có thể phân công một bộ phận kiêm nhiệm theo sát hoạt động của các câu lạc bộ, hội, nhóm về văn hóa truyền thống để từ đó có giải pháp phù hợp. Việc các tổ chức xã hội, cá nhân chủ động tham gia các hoạt động nhằm gìn giữ, khôi phục giá trị văn hóa truyền thống là một trào lưu mới, với những cách thức hoạt động mới, cần được hoan nghênh, cổ vũ và tạo điều kiện phát triển. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần có cách tiếp cận mới, giải pháp mới để gạn đục, khơi trong, phát huy sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
 
 (*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-2-2021.

Khôi phục, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống