"Giải cứu" điện ảnh bằng cách nào?

Gần đây, "giải cứu phim" như đã trở thành một chủ đề "nóng" trên nhiều địa chỉ truyền thông. Nhưng liệu việc "giải cứu phim", hoặc rộng hơn là "giải cứu điện ảnh" có tương tự giải cứu nông sản hay hàng tiêu dùng khác? Và các nhà làm phim liệu có thể chỉ trông đợi vào lòng trắc ẩn của khán giả để tiến vào thị trường điện ảnh rất sôi động nhưng đang có xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt?

Mới đây, tác giả Chung Chí Công - đạo diễn bộ phim "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi", đã đưa ra lời kêu gọi trên mạng xã hội đề nghị khán giả "giải cứu" bộ phim của mình vừa ra rạp và có nguy cơ không đủ sức trụ rạp ngay trong những ngày công chiếu đầu tiên. Nhóm làm phim "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" cho biết cần tới 150 khán giả tiếp sức để "cứu" bộ phim, để bộ phim được "sống" ngoài rạp lâu hơn và thêm cơ hội lan tỏa đến khán giả. Trước "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi", một số nhóm làm phim tại Việt Nam cũng đã từng áp dụng chiêu này để "giải cứu" các bộ phim của mình. Tháng 8-2019, đạo diễn phim "Thưa mẹ con đi" Trịnh Ðình Lê Minh lên mạng xã hội thống thiết kêu gọi khán giả mua vé ủng hộ sản phẩm của mình. Tháng 9-2018, thời điểm phát hành phim "Song Lang" - một bộ phim về đề tài cải lương của đạo diễn Việt Kiều Leon Le, xuất hiện một chiến dịch có tên "Yêu Song Lang thêm một lần nữa". Theo đó, một nhóm khán giả yêu mến đạo diễn Leon Le và bộ phim đã viết lời kêu gọi trên mạng xã hội để phim được chiếu thêm một tuần lễ ngoài rạp. Trước đó, vào dịp nghỉ lễ 30-4-2018, cùng thời điểm bộ phim "Avengers: Endgame" (tên tiếng Việt là Biệt đội siêu anh hùng: Hồi kết) bom tấn của Hollywood phát hành và hai bộ phim sản xuất ở trong nước là "100 ngày bên em" của đạo diễn Vũ Ngọc Phương và "Lật mặt 3" của đạo diễn Lý Hải cũng "rủ nhau" ra rạp phục vụ khán giả. Tuy nhiên, hai bộ phim này đã thua xa phim ngoại về khâu bán vé. Trước nguy cơ thất bại thê thảm, ê-kíp làm phim "100 ngày bên em" cực chẳng đã phải viết lời kêu gọi trông mong sự ủng hộ của khán giả, dấy lên một cuộc tranh cãi kịch liệt trong công chúng.

Vậy nguyên nhân từ đâu mà không ít các bộ phim trong nước phải liên tục dùng chiêu "giải cứu", trông chờ vào tình cảm, sự trắc ẩn của công chúng như vậy? Một trong các nguyên nhân đầu tiên mà phần lớn các đạo diễn hay nhắc tới, đó là phim Việt Nam đang phải chịu cảnh bị các cụm rạp xếp suất chiếu vào các khung giờ xấu, ít suất chiếu trong ngày, lại ở các cụm rạp cách xa trung tâm. Việc phim trong nước bị xử ép trên "sân nhà" thì báo chí, truyền thông đã nhiều lần nhắc tới. Hiện nay phần lớn các cụm rạp chiếu trên cả nước đều thuộc sở hữu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như CGV, Lotte... Việc phát hành phim vào các cụm rạp như thế nào, tỷ lệ ăn chia cũng như việc xếp các suất chiếu, khung giờ chiếu ra sao đều do phía các cụm rạp quy định. Việc ưu tiên cho các phim "bom tấn", hoặc phim giải trí của nước ngoài luôn được các cụm rạp này đặt lên hàng đầu, khiến không ít nhà làm phim trong nước phải dở khóc dở cười vì tác phẩm mình làm ra nhưng không được phía rạp chiếu ưu ái các điều kiện để có cơ hội đến với khán giả nhiều hơn. Ðối với không ít đạo diễn hiện nay, việc làm phim không áp lực bằng việc đưa phim ra rạp. Cạnh tranh không cân sức với phim ngoại đã khó, nhưng nếu bị phía các đơn vị chiếu phim không tạo cơ hội thì tình trạng trụ được tại rạp còn khó hơn bội phần.

Tuy nhiên, liệu có phải tất cả các phim trong nước được kêu gọi "giải cứu" thời gian qua đều do không được tạo cơ hội hay không, hay còn do thiếu một chiến lược khôn ngoan trong phát hành và quan trọng hơn là chất lượng bộ phim có đủ hấp dẫn để kéo khán giả tới rạp? Nhìn lại câu chuyện của các bộ phim từng phải thống thiết kêu gọi cộng đồng "giải cứu" gần đây có thể thấy, phim Việt Nam dường như đang gặp phải tất cả các vấn đề trên. Chẳng hạn, sự thất bại khi ra rạp của phim "100 ngày bên em" là do nhà sản xuất quá tự tin hay thiếu tỉnh táo (?) khi phát hành phim đúng vào thời điểm mà bộ phim bom tấn "Avengers: Endgame" cũng ra rạp và được khán giả cả thế giới chờ đợi. Sự song hành không cân sức giữa một bộ phim nội địa với một bộ phim "khủng" của Holywood đã dẫn tới hậu quả phim Việt Nam đã bị nhấn chìm nghỉm ngay trong những suất chiếu đầu tiên.

Về vấn đề phim Việt Nam không được tạo cơ hội trong các cụm rạp, thiết nghĩ cũng cần có một cái nhìn thỏa đáng hơn, để tránh hiện tượng các nhà làm phim hễ gặp thất bại là "đổ thừa" cho lý do này. Thí dụ phim "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi", nhà sản xuất đã chọn thời điểm phát hành tốt, không có phim ngoại "khủng" để phải cạnh tranh, nhưng sau ba ngày đầu công chiếu, doanh thu của phim chưa tới một tỷ đồng. Con số từ Box Office Việt Nam (đơn vị phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam) cho hay, trong hai ngày từ 27 đến 29-9-2019, phim "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" có 620 suất chiếu ở các cụm rạp, nhưng có tới 170 suất trống. Nghĩa là số suất chiếu không có người mua vé và phải hủy là rất lớn, qua đó khó có thể nói bộ phim đã không được tạo cơ hội. Rõ ràng theo quy luật, các đơn vị chiếu phim không thể nào tăng thêm suất chiếu cho một bộ phim mà số suất trống quá nhiều như vậy. Thị trường luôn phải điều tiết theo quy luật cung - cầu, phim hay sẽ thu hút khán giả, mà phim không hay thì khán giả không quan tâm là điều dễ hiểu.

Ðến đây chúng ta vẫn phải quay về câu chuyện đầu tiên và muôn thuở là chất lượng của các bộ phim. Dù thế nào chăng nữa, việc "giải cứu" một bộ phim cũng chỉ là giải pháp tức thời và còn ít nhiều nói lên cả tình trạng "đáng thương" của bộ phim đó. Nói cách khác thì bộ phim đã không đủ hấp dẫn để có thể tồn tại trên thị trường, chiếm được chỗ đứng vững chắc trong công chúng. Từ đầu năm 2019 đến tháng 9-2019, đã có 26 bộ phim Việt Nam phát hành ra rạp. Riêng trong dịp hè, có 13 phim cùng chạy đua để phục vụ khán giả, nhưng không có phim nào có lãi, chỉ lỗ hoặc hòa vốn là may mắn. Từ các con số như vậy chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và đặt câu hỏi rằng: Phải chăng bức tranh chung của điện ảnh đang có vấn đề?

Xét từ bất kỳ góc độ nào thì tác phẩm điện ảnh vẫn là sản phẩm văn hóa, liên quan chặt chẽ đời sống tinh thần, thị hiếu điện ảnh và nhu cầu thưởng thức của người xem. Công chúng không dễ để mua vé và dành thời gian ngồi xem một bộ phim mà họ hoàn toàn không có nhu cầu, không thấy hay, không thấy hấp dẫn. Vì thế, nếu việc "giải cứu" chỉ đến từ lòng trắc ẩn thì chắc chắn cũng chỉ có thể diễn ra với khán giả một đôi lần. Do đó, lời kêu gọi "giải cứu" phim của một số nhóm làm phim gần đây, đối với phần nhiều khán giả là không thuyết phục, dù trong một phạm vi nào đấy, người ta sẵn sàng bỏ tiền mua vé sau lời kêu gọi của đạo diễn hay đoàn làm phim, vì một sự ủng hộ, động viên cần thiết cho điện ảnh trong nước. Vậy nên muốn thuyết phục khán giả, không có cách nào khác, chính là những người làm phim phải tạo ra được những tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật tốt.

Về phía các cơ quan quản lý, việc hỗ trợ điện ảnh nước nhà bằng các chính sách bảo hộ là rất cần thiết. Chúng ta cần tham khảo từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong việc cấp hạn ngạch màn ảnh, quy định cụ thể số lượng phim cũng như số giờ chiếu phim nước ngoài, dành chế độ ưu tiên cho phim trong nước, hỗ trợ các nhà làm phim trong nước đưa tác phẩm đến với khán giả một cách tích cực, hiệu quả hơn. Ðiện ảnh Việt Nam cần tiếng nói ủng hộ từ phía các cơ quan quản lý, từ phía khán giả, nhưng vấn đề quan trọng và vô cùng cấp thiết vẫn là nội lực của chính những người làm điện ảnh. Cần bình tĩnh đánh giá đúng các thành công cũng như thất bại của mình trong từng dự án, để có những điều chỉnh kịp thời nhằm hướng đến mục đích cuối cũng là sản xuất được những bộ phim hay để đem tới cho khán giả. Bất luận vì lý do gì thì vẫn cần được xác định chất lượng cao về mọi mặt của mỗi tác phẩm điện ảnh là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất có khả năng "giải cứu" nguy cơ thưa vắng khán giả như thực tế đang diễn ra hiện nay.