Giải bài toán tăng trưởng nóng về du lịch

Hiện nay, việc du lịch tăng trưởng nóng bên cạnh lợi ích kinh tế thu được cũng đang đặt ra rất nhiều áp lực với việc giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như bảo đảm phù hợp phát triển hạ tầng, dịch vụ tại nhiều địa phương. Thực tiễn cho thấy tăng trưởng về du lịch cần phải đi kèm mở rộng, nâng cao chất lượng hạ tầng dịch vụ, không gây tổn hại môi trường cũng như các tài sản văn hóa.

Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam xếp thứ ba trong tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới, đồng thời là đại diện duy nhất của châu Á lọt vào danh sách ba trong số 10 quốc gia có du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế tăng gần bốn lần, từ 4,2 triệu lượt năm 2008 lên 15,5 triệu lượt năm 2018. Trong sáu tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ tăng lượng khách quốc tế, khách trong nước cũng tăng nhanh, từ 20,5 triệu lượt năm 2008 lên 80 triệu lượt năm 2018. Du lịch phát triển mạnh mẽ đã đóng góp quan trọng về kinh tế. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với 15,5 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách trong nước, tổng nguồn thu từ khách du lịch năm 2018 đã mang lại hơn 620 nghìn tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, du lịch đã đóng góp 8% cho GDP. Cùng với những lợi ích về kinh tế, việc làm, thì thông qua du lịch, văn hóa Việt Nam cũng được quảng bá mạnh mẽ hơn với bạn bè quốc tế.

Đóng góp từ sự phát triển của ngành du lịch là không thể phủ nhận, tuy nhiên, nếu du lịch tiếp tục phát triển quá nóng, thiếu kiểm soát, sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo báo cáo thường niên được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7-2019, du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển. Các hệ lụy từ việc phát triển du lịch quá nóng đã được cảnh báo đang ngày càng trở nên cấp thiết, bởi tình trạng các điểm đến bị khai thác theo lối tận thu đang có chiều hướng xuất hiện ngày một nhiều. Có thể thấy khá rõ qua việc tác động của du lịch đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch dần biến mất. Tại những điểm nóng về du lịch, khách đông là căn nguyên của nhiều ứng xử lệch lạc, mâu thuẫn giữa người kinh doanh với khách du lịch... Khách đông cũng là nguyên nhân của việc mở rộng, tăng số lượng các cơ sở lưu trú một cách thiếu kiểm soát, dẫn đến hạ tầng quá tải, dịch vụ không đáp ứng nổi. Câu chuyện của phố cổ Hội An (Quảng Nam) là một thí dụ điển hình. Tại đô thị cổ này, mùa nào cũng đông du khách, kể cả thời điểm được cho là trái mùa. Lượng khách đông quanh năm khiến Hội An “quá sức” trong việc đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, tham quan. Một số di tích xuống cấp, biến dạng; không ít cơ sở lưu trú, kinh doanh bắt đầu có biểu hiện chộp giật, rác thải tràn lan tại các điểm tham quan, bãi biển… Sự đông đúc đôi khi khiến du khách ngộp thở, không còn cảm nhận được sự bình yên và không khí trong lành của đô thị cổ, vốn là hai yếu tố tạo nên sự hấp dẫn, được du khách đánh giá cao khi đến Hội An.

Không chỉ tại Hội An, tại nhiều điểm đến nổi tiếng khác như: Nha Trang, Hạ Long, Đà Lạt, Sa Pa, Côn Đảo, Phú Quốc,… việc quá tải lượng khách, cơ sở lưu trú tăng ồ ạt cũng gây ra rất nhiều hệ quả nặng nề đối với văn hóa, môi trường cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Bởi mỗi khách sạn xây mới kéo theo nhu cầu về điện, nước, xử lý chất thải và các dịch vụ đi kèm khác tăng lên. Trong khi đó, khả năng cung cấp các dịch vụ này tại không ít địa phương vẫn chưa tương xứng. Chưa kể, điều kiện về hạ tầng giao thông, y tế… tại nhiều địa phương cũng chưa phát triển kịp với sự bùng nổ của du lịch, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thậm chí không chỉ ô nhiễm môi trường chung của địa phương mà còn ô nhiễm chính trong vùng lõi di sản, ảnh hưởng nghiêm trọng giá trị di sản. Nguy cơ “chảy máu” di sản cũng rất gần, nếu du lịch cứ tiếp tục phát triển ồ ạt, sẽ phá vỡ, làm biến mất dần các nét đặc trưng của di sản nói riêng và văn hóa truyền thống của địa phương nói chung.

Nguyên tắc thứ hai của Điều 2 Công ước quốc tế về du lịch văn hóa trong việc quản lý du lịch ở những nơi có di sản quan trọng được Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS - trực thuộc UNESCO) thông qua tại Mê-hi-cô vào tháng 10-1999 nhấn mạnh: “… Các dự án, hoạt động và phát triển du lịch phải đạt được những kết quả tích cực và phải giảm thiểu những tác động bất lợi lên di sản và lối sống của cộng đồng chủ nhà, mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu và ước mong của khách tham quan”. Việt Nam hiện có rất nhiều di sản được UNESCO công nhận như: Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha (Quảng Bình), Tràng An (Ninh Bình),… song đồng thời cũng đều là những điểm nóng du lịch. Điều này cho thấy đã đến lúc cần thiết phải có những giải pháp hữu hiệu để giải bài toán tăng trưởng nóng về du lịch bởi việc bị UNESCO rút danh hiệu di sản đã từng có tiền lệ và vẫn đang là vấn đề có tính thời sự. Tổ chức này từng hai lần rút danh hiệu di sản với Khu bảo tồn linh dương Ả rập ở Vương quốc Oman (Ô-man) và Thung lũng Elbe (En-bơ) của thành phố Dresden (Đre-xđen, Đức)...

Thực trạng nêu trên cho thấy phát triển cân bằng là một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính then chốt. Trước mắt, cần giải quyết tình trạng lượng khách quá tải tại nhiều điểm đến bằng những biện pháp quản lý thật sự hiệu quả với luồng khách để hạn chế số lượng khách tập trung quá đông cùng một thời điểm để giảm áp lực lên điểm đến. Thí dụ, nên tham khảo ý kiến của WB cho rằng cần: “áp dụng giá phân tầng bằng cách thu phí cao hơn để được tiếp cận những điểm có nguy cơ cao hơn, hoặc xác định ngưỡng chi tiêu tối thiểu để đón khách; “thu giá ùn tắc”, trong đó phí tham quan được thu cao hơn tại một số điểm du lịch nhất định ở thời điểm nhu cầu đạt đỉnh. Bên cạnh đó, áp đặt chỉ tiêu hạn mức rõ ràng về số lượng khách tối đa được đến những địa điểm nhất định vào thời điểm cụ thể”.

Đã có rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới sử dụng các giải pháp này nhằm giữ lại giá trị văn hóa cốt lõi của điểm đến, đồng thời vẫn bảo đảm duy trì lượng du khách cần thiết. Như: chính quyền thành phố Barcelona (Bác-xê-lô-na, Tây Ban Nha) đã đóng cửa các khách sạn mới mọc lên trong khu vực trung tâm lịch sử của thành phố để hạn chế lượng tàu thuyền cập cảng, tránh tác động xấu đến môi trường; tương tự, Amsterdam (Am-xtéc-đam, Hà Lan) - thành phố có chưa tới một triệu dân nhưng lại đón hơn 19 triệu du khách mỗi năm cũng giảm lượng du khách bằng cách áp dụng mức thuế tăng 6% cho mọi khách sạn, đồng thời, hạn chế hoạt động của dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn trên Airbnb (Air Bed and Breakfast - một hệ thống đặt và cho thuê phòng, căn hộ trực tuyến). Còn tại New Zealand (Niu Di-lân), để tránh tình trạng quá tải, Cục Bảo tồn nước này đã áp dụng hệ thống đặt trước bắt buộc đối với du khách muốn tham gia một số chuyến du lịch dài ngày đến các điểm du lịch tự nhiên. Tại những di tích nổi tiếng như Machu Picchu (Ma-chu Píc-chu, Pê-ru) hay công viên Guell (Gu-eo, Tây Ban Nha) để ngăn chặn tình trạng xuống cấp của di tích, chính quyền các nước này đều thực hiện bán loại vé giới hạn thời gian tham quan. Trong khi đó tại Bhutan (Bu-tan), để khống chế lượng khách du lịch, nước này đã yêu cầu du khách phải mua chuyến trọn gói của các công ty du lịch trong nước, bảo đảm mỗi du khách phải tiêu ít nhất từ 200 đến 250 USD/ngày.

Tại Việt Nam, trong khi chờ giải pháp tối ưu cũng như đánh giá toàn diện của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về việc trùng tu, bảo vệ Di tích chùa Cầu, Hội An sẽ hạn chế lượng du khách bằng cách giới hạn không vượt quá 20 người/lượt khi lên tham quan chùa. Trong báo cáo thường niên của WB, tổ chức này cũng đưa ra lời khuyên cho Việt Nam về việc sử dụng công nghệ số để kiểm soát đám đông hiệu quả hơn. WB lấy thí dụ về trường hợp đảo El Nido (En Ni-đô, Phi-li-pin) đã khống chế lượng khách hiệu quả bằng cách dùng các ứng dụng số để phân bổ du khách theo khoảng thời gian cụ thể.

Ngoài giải pháp hạn chế số du khách, có thể thực hiện chính sách “khuếch tán” để không gây áp lực tại các địa điểm đến trung tâm bằng cách tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, mở rộng các vùng du lịch vệ tinh... Du lịch Khánh Hòa đang làm khá tốt điều này. Với 380 km bờ biển, có nhiều vịnh, đầm, đảo đẹp,… địa phương này là một điểm đến thu hút đông đảo du khách. Ước tính, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 4,14 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, du khách đến Khánh Hòa lại tập trung phần lớn tại vịnh Nha Trang, biến Nha Trang từ một đô thị biển thoáng đãng thành một “đô thị nén” với người, khách sạn, xe cộ và ùn tắc. Để khắc phục tình trạng quá tải du khách tại khu vực trung tâm, Khánh Hòa đã thực hiện thu hút đầu tư ở hai khu vực mới là bắc bán đảo Cam Ranh và nam vịnh Vân Phong, nhằm mở rộng địa giới du lịch, tạo thêm các vệ tinh du lịch. Tương tự, Hội An cũng đã mở rộng khu vực du lịch ra vùng ven phố cổ với mô hình du lịch cộng đồng tại các làng nghề như: làng nghề Triêm Tây (cách Hội An 2 km). Song song với việc quản lý hiệu quả luồng khách, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp các bộ, ngành liên quan nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, cải thiện dịch vụ và hạ tầng cơ bản tại các điểm đến. Đồng thời, tăng cường hoàn thiện, mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không, dịch vụ y tế trong nước, giảm tình trạng quá tải với lượng du khách ngày càng tăng.

Môi trường và các tài sản văn hóa là những giá trị quan trọng của một quốc gia nhưng lại khó có thể tồn tại vĩnh cửu dưới tác động của thời gian và con người. Vì thế, không thể chấp nhận “hy sinh” môi trường, “hy sinh” tài sản văn hóa để đánh đổi tăng trưởng du lịch. Và việc bảo đảm, hiện thực hóa nguyên tắc quan trọng này đang không chỉ đòi hỏi vai trò trách nhiệm của ngành du lịch nói riêng hay các địa phương, mà cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, bảo đảm ngành du lịch đất nước ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững.