Ðể phát triển du lịch quốc gia

(Tiếp theo và hết) (*)

Kỳ 3 Cơ hội tăng tốc từ du lịch thông minh

Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch thông minh được xem là hướng đi mà các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Việt Nam phải lựa chọn nếu không muốn bị tụt hậu. Theo phương châm "đi tắt đón đầu", nhanh chóng tiếp nhận các tiến bộ từ khoa học công nghệ, đến nay du lịch Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua nhằm khẳng định vị thế và tận dụng các tiềm năng sẵn có về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa.

Mặc dù là một khái niệm mới mẻ và còn gây nhiều tranh luận trong giới học thuật nhưng không thể phủ nhận du lịch thông minh (smart tourism) đang là một xu thế tất yếu mà không một doanh nghiệp du lịch lữ hành nào tại Việt Nam và trên thế giới có thể phủ nhận bởi các lợi ích thiết thực mà nó mang lại. Smart tourism được hiểu đơn giản là vận dụng các ứng dụng của khoa học, công nghệ như: truyền thông di động, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, mạng xã hội,… trong dịch vụ du lịch, lữ hành. Tuy nhiên, như nhận định của Giáo sư R.Baggio (R.Bát-giô) tại Hội thảo quốc tế Phát triển du lịch thông minh tổ chức tháng 9-2019 tại TP Hồ Chí Minh, công nghệ chỉ cung cấp công cụ và giải pháp, chính quyền địa phương có vai trò xây dựng quy trình vận hành, tổ chức hợp lý và đội ngũ nhân lực đủ sức khai thác, vận hành nguồn dữ liệu. Trên thực tế, du lịch thông minh không thể phát triển một cách độc lập mà cần có mối liên hệ chặt chẽ tới quá trình phát triển đô thị thông minh - mô hình đang được nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu và áp dụng.

Những tiện lợi mà công nghệ đã đem lại cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng lớn, tác động trực tiếp tới cách thức vận hành, hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đồng thời từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Ðơn cử là các dịch vụ đặt phương tiện, phòng khách sạn qua hình thức trực tuyến như Vntrip, Atadi, Gotadi giờ đây đang từng bước thay thế cho loại hình truyền thống bởi sự nhanh chóng, tiện lợi. Ở chiều ngược lại, công nghệ cũng tạo cơ hội cho nhiều công ty mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận thị trường khách du lịch tiềm năng. Thí dụ nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể chứa nhiều điểm sáng của du lịch thông minh. Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thực tế ảo (virtual reality - VR), thực tế tăng cường (augmented reality - AR) và thực tế hỗn hợp (mixed reality - MR) góp phần đem lại những trải nghiệm chưa từng có cho khách du lịch. Thời gian gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, các công nghệ này liên tục được nhắc đến như chìa khóa giúp cho ngành du lịch hồi sinh khi chúng đem lại cho người dùng các trải nghiệm du lịch ngay tại nhà. Thực tế, từ lâu những công cụ như vậy đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành du lịch Việt Nam như: quảng bá, giới thiệu hình ảnh của di sản, danh lam, thắng cảnh; tái hiện, phục dựng một số di tích lịch sử đã mất; tăng cường trải nghiệm khám phá cho du khách… Có thể kể đến các dự án như: Số hóa phố cổ Hội An của Trường đại học Duy Tân dựa trên công nghệ 3D để bảo tồn, giới thiệu di sản Việt Nam ra thế giới; hoạt động trải nghiệm thực tế ảo VR Ði tìm hoàng cung đã mất tại phía đông điện Thái Hòa, Ðại nội Huế; trợ lý du lịch ảo Meet and Go của trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm... Hiện, quá trình số hóa các danh lam thắng cảnh tại Việt Nam vẫn đang được các cơ quan nhà nước, các cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức, viện nghiên cứu thực hiện hứa hẹn sẽ mang lại nhiều dấu ấn tích cực trong thời gian tới. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ về an ninh, bảo mật tưởng chừng không liên quan đến du lịch nhưng cũng bắt đầu được một số doanh nghiệp xem xét, đầu tư nghiêm túc. Từ giữa tháng 4-2019, hệ thống khách sạn của VinPearl bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Ứng dụng của hệ thống lưu trữ và xử lý số liệu không chỉ xác thực danh tính khách du lịch một cách nhanh chóng, nâng cao trải nghiệm với những dịch vụ đặc quyền của VinPearl, mà còn tăng cường an ninh, trật tự tại các địa điểm nghỉ dưỡng.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, không thể phủ nhận ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều công việc phải thực hiện nếu muốn trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn. Trong đó, việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào các phần mềm, ứng dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, nhất là các trang thương mại, dịch vụ điện tử về du lịch là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Trong thị trường này, rõ ràng là những website dịch vụ Vntrip, Hotel84, Chudu24,… đang lọt thỏm giữa vòng vây của Agoda, Booking, Airbnb hay Trivago. Sự thua thiệt đó xuất phát từ sự sơ sài trong hệ thống thông tin khi các ứng dụng nêu trên chưa có chính sách thích hợp nhằm lôi kéo sự tham gia từ các cơ sở cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, vận chuyển hành khách, ẩm thực địa phương, các điểm tham quan, giải trí… Ngoài ra, nhìn chung giao diện của nhiều ứng dụng Việt vẫn còn khó sử dụng, khó truy cập đối với chính du khách trong nước. Do đó vẫn thiếu căn cứ để có thể tin rằng chúng sẽ trở thành ứng dụng hàng đầu đối với khách du lịch quốc tế khi họ muốn tìm hiểu, đặt dịch vụ tại Việt Nam. Ðó là chưa kể việc xây dựng kho dữ liệu lớn (big data) về bản đồ, địa điểm tham quan, các lễ hội cổ truyền, nghệ thuật đặc sắc, các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh, cơ quan chức năng về an ninh, trật tự tại địa phương cũng là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp du lịch, đòi hỏi chính quyền và các nguồn lực xã hội hóa cùng chung tay thực hiện. Vì đây là vấn đề có tính vĩ mô, yêu cầu một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng nguồn nhân lực có trình độ và năng lực chuyên môn cao. Nhiều năm nay, một số cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tiến hành xây dựng dữ liệu thống kê về lượng khách du lịch trong và ngoài nước, các thị trường tiềm năng... Tuy nhiên những dữ liệu như thế vẫn còn tương đối ít ỏi. Các thông số quan trọng như thói quen du lịch, nhu cầu tham quan giải trí, khả năng chi tiêu,… chưa được khảo sát rộng rãi để từ đó tìm ra các giải pháp kích thích tiêu dùng cho doanh nghiệp lữ hành, vận tải, dịch vụ, khách hàng tiềm năng. Dù rằng với điều kiện của công nghệ và các thuật toán cao cấp như hiện nay, phương án này là hoàn toàn khả thi.

Ngoài ra, phương án áp dụng các ứng dụng công nghệ vào các loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm cũng cần được tính đến nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, tránh các tác nhân có thể gây hại cho môi trường tự nhiên. Trước mắt, đối sánh với tình hình thực tế, mới chỉ có ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Ðà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đáp ứng được các đề án lớn, toàn diện. Ðó cũng là các thành phố được kênh truyền hình CNA ngợi ca về tốc độ xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh thuộc tốp đầu của khu vực Ðông - Nam Á. Nhìn rộng ra, nỗ lực phát triển du lịch thông minh nói riêng và đô thị thông minh nói chung tại một số địa phương như Quảng Ninh, Huế, Khánh Hòa,… cũng rất đáng được khen ngợi.

Trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được khống chế tại Việt Nam, cơ hội tái cấu trúc ngành du lịch, bắt kịp đà tăng trưởng theo dự tính trước đây là hoàn toàn khả thi. Tiến hành các hoạt động quảng bá, hướng dẫn du khách quốc tế sử dụng ứng dụng, dịch vụ thông minh để nâng cao trải nghiệm tham quan, tìm hiểu con người, đất nước Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng được Tổng cục Du lịch, các cơ quan chức năng liên quan đến các doanh nghiệp, công ty hướng đến. Song ở chiều ngược lại, phát triển du lịch thông minh hay mọi xu hướng du lịch trong tương lai vẫn luôn phải gắn với yếu tố bền vững. Các dự án, kế hoạch đầu tư, phát triển công nghệ trong du lịch luôn phải thực hiện song song với các chiến lược gìn giữ, bảo tồn và phát triển cảnh quan, di tích lịch sử, di sản văn hóa, thiên nhiên,… Hiện, chúng ta mới chỉ hướng đến việc áp dụng các thành tựu công nghệ vào du lịch nhằm thu hút lượng khách trong và ngoài nước, trong khi các đề án bảo tồn, phục dựng di tích, danh lam thắng cảnh bằng công nghệ hiện đại lại chưa thật sự được để tâm, chú trọng.

Dù chưa được triển khai rộng rãi, đồng bộ trên quy mô cả nước, du lịch thông minh với các thành tựu đạt được đã cho thấy tiềm năng của nó trong nền kinh tế tri thức. Cùng những giá trị từ lâu đã tạo nên thương hiệu của du lịch Việt Nam, phát huy tốt vai trò của công nghệ sẽ giúp cho ngành "công nghiệp không khói" ở Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, dù vai trò của công nghệ quan trọng đến mức nào thì các giá trị cốt lõi của đất nước, con người Việt Nam như bản sắc văn hóa, cảnh quan, thiên nhiên, giá trị lịch sử... vẫn là yếu tố chủ đạo cho du lịch. Chỉ khi chúng ta biết gìn giữ, trân trọng, nâng niu các di sản thiên nhiên và văn hóa, lịch sử thì mới có thể tận dụng hiệu quả những ưu thế, mới đem lại sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2-6-2020.