Bình luận - Phê phán

Dân chủ là bản chất chế độ xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước

Kỳ 2: Sử dụng "chiêu bài dân chủ" để phá hoại dân chủ!

Bất chấp thành tựu mọi mặt Việt Nam đã đạt được, nhiều năm qua, với chiêu bài "dân chủ", các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ở trong nước và nước ngoài luôn tìm mọi cách để bôi nhọ, vu cáo và tiến công Ðảng và Nhà nước Việt Nam, thực hiện mưu đồ làm suy yếu hệ thống chính trị, suy giảm lòng tin của nhân dân, làm chệch hướng tiến trình phát triển. Vì thế, vạch trần bản chất của thủ đoạn này luôn là việc làm cần thiết và thường xuyên.

Lịch sử tổ chức, lãnh đạo cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, một trong những vấn đề có tính nguyên tắc mà Ðảng luôn đặt lên hàng đầu và nhất quán thực hiện trong mọi thời kỳ cách mạng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy dân chủ trong xã hội luôn được Ðảng hết sức coi trọng, thể hiện qua luận điểm mang tính chỉ đạo là "Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm" (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011). Các năm qua, những nội dung này vẫn tiếp tục được triển khai trong hoạt động thực tiễn, đồng thời luôn được bổ sung, hoàn thiện và điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử, tạo điều kiện để toàn dân phát huy quyền làm chủ, và để việc thực hành dân chủ thật sự phát huy hiệu quả.

Không thể phủ nhận thực tế là ở Việt Nam ngày nay, mọi quyền lực của nhà nước luôn thuộc về nhân dân, nhân dân trực tiếp bầu ra cơ quan quyền lực đại diện của mình để điều hành đất nước, thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục đối với hoạt động của hệ thống chính trị; nhân dân được bảo đảm mọi quyền lợi, và hoàn thành trách nhiệm cộng đồng. Ðiều này đã được khẳng định trong Hiến pháp - văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mà điểm nổi bật là toàn bộ chương II, Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) dành riêng cho các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó khoản 1, Ðiều 14 xác định rất cụ thể: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Ðể cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam luôn rất nhất quán, bảo đảm mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền khiếu nại và tố cáo; quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe,… không phân biệt về giới tính, sắc tộc, tôn giáo. Ðồng thời, Nhà nước đưa ra nhiều chủ trương, thực hiện nhiều chính sách xã hội thiết thực, tạo nhiều cơ hội để nhân dân thật sự được làm chủ, được tạo mọi cơ hội phát triển. Trên bình diện quốc tế, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, cụ thể như: Năm 1981 gia nhập Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc (CERD); năm 1982 phê chuẩn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), gia nhập Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); năm 1990 tham gia Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới trở thành thành viên của Công ước này); năm 1994 tham gia 20 Công ước về quyền lao động; năm 2019, tham gia Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể... Những nỗ lực không biết mệt mỏi đó đã làm cho dân chủ trở thành tài sản chung vô giá của toàn dân Việt Nam, đưa tới rất nhiều thành tựu được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế, nhiều năm qua, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn cố tình thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng vu cáo, xuyên tạc vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Họ thường xuyên tìm mọi thủ đoạn lớn tiếng vu khống, dựng chuyện cho rằng ở Việt Nam "không có dân chủ". Lợi dụng một số sự kiện được dư luận quan tâm như khiếu kiện, tranh chấp đất đai, một số phiên tòa còn gây tranh cãi, hoạt động vi phạm pháp luật xảy ra tại một số giáo xứ, đời sống còn khó khăn của một bộ phận người dân tộc thiểu số,... họ thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo thực tế xã hội để tiến công Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Dựa trên lô-gích ngụy tạo "muốn xã hội phát triển phải có dân chủ - muốn có dân chủ phải thực hiện tam quyền phân lập - muốn có tam quyền phân lập phải thực hiện đa đảng", những đối tượng thù địch và thiếu thiện chí luôn hướng tới mục đích duy nhất là tác động tiêu cực và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, tiến công các cơ quan công quyền (nhất là cơ quan thực thi pháp luật). Vu cáo Việt Nam "vi phạm dân chủ, đàn áp tôn giáo, đàn áp dân tộc" và phủ nhận thành tựu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, họ mưu đồ làm rối loạn nhân tâm, kích động thái độ bất mãn, xuống đường biểu tình, kiếm cớ lôi kéo thế lực bên ngoài can thiệp, đặc biệt là tổ chức "buôn dân chủ" bằng thủ đoạn gây quỹ. Một thủ đoạn quen thuộc của những đối tượng nêu trên là cố gắng dựng lên một số cá nhân, gán cho nhãn hiệu "tù nhân lương tâm, nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động môi trường, dân oan",... kết hợp với việc cho ra đời hàng loạt hội nhóm hoạt động bất hợp pháp, hô hào "đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền" nhằm hình thành một số xu hướng chính trị mà bản chất là đi ngược lợi ích của đất nước, đi ngược lợi ích của toàn dân. Không phải hằng năm, mà hằng tháng, hằng tuần, họ liên tục sản xuất các loại "thư ngỏ, đơn, kiến nghị" với nội dung bịa đặt, gửi nơi này nơi khác để vu cáo Việt Nam về dân chủ. Qua những luận điệu họ quảng bá, kêu gào thực hiện, không khó nhận ra đó là thứ "tự do, dân chủ, nhân quyền" vô chính phủ, đứng ngoài luật pháp, không cần luật pháp, chỉ để đáp ứng đòi hỏi ích kỷ, vụ lợi của một số người tập hợp trong một số phe nhóm hữu danh vô thực và việc nhận tài trợ từ nước ngoài nay không còn là điều phải giấu giếm.

Ngày 24-6 vừa qua, việc cơ quan chức năng khởi tố bị can, bắt tạm giam, tiến hành khám xét đối với các đối tượng gồm: Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Cẩm Thúy, Vũ Tiến Chi về "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Ðiều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015) đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo cơ quan chức năng, kết quả điều tra ban đầu xác định sáu bị can này đã soạn thảo, đăng tải, phát tán video clip (đoạn phim), bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân nhằm mục đích chống phá Nhà nước. Thời gian trước, Nguyễn Thị Tâm từng có một tiền án về tội "Chống người thi hành công vụ", Cấn Thị Thêu có hai tiền án về tội "Chống người thi hành công vụ", "Gây rối trật tự công cộng". Lợi dụng việc chính quyền tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, các đối tượng này đã thực hiện rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật, tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Cấn Thị Thêu. Năm 2016, người này tổ chức tụ tập khiếu kiện chây ỳ ở một số địa phương, mang băng-rôn, hô khẩu hiệu với nội dung có tính chất kích động, gây rối trật tự công cộng (như nằm ra lòng đường để cản trở giao thông vào giờ tan tầm, gây mất an ninh trật tự; kêu gọi tẩy chay bầu cử...). "Nối gót" mẹ, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư (hai con trai của Cấn Thị Thêu) cũng rất thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội nhiều tin tức xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu chế độ, kết nối với một số "nhà dân chủ" để vu khống công an, quân đội, chính quyền đàn áp nhân dân, kích động dư luận bộc phát hành vi chống đối, kêu gọi tổ chức, cá nhân ở nước ngoài ủng hộ…

Ðó là một thí dụ vừa có tính thời sự vừa có tính điển hình cho "mặt thật" của số người tự xưng hoặc được đồng bọn gán cho nhãn hiệu "nhà dân chủ, nhà hoạt động", rồi triệt để khai thác, lợi dụng để rêu rao, vu cáo "Việt Nam vi phạm dân chủ, không có dân chủ". Từ bản chất, cách thức phối hợp hoạt động và diễn biến của vấn đề, phải khẳng định đó là số người đã và đang vi phạm pháp luật. Vì với dân chủ thì không có "đặc quyền", thực thi dân chủ phải đi cùng với tuân thủ pháp luật. Không có quốc gia nào trên thế giới cho phép công dân thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cấu kết với các thế lực bên ngoài,… để phá hoại tiến trình phát triển của đất nước. Dù họ là ai, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì ở đâu cũng phải bị nghiêm trị, nhất là khi đã cấu kết, tiếp tay cho tổ chức khủng bố (như có người ở Việt Nam đã cấu kết, tiếp tay cho các tổ chức khủng bố "Việt tân", "chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"). Vì thế, việc cơ quan chức năng của Việt Nam khởi tố, bắt tạm giam một số người là việc làm hợp pháp, kịp thời và cần thiết, để những người gọi là "nhà dân chủ, nhà hoạt động" không thể ngang nhiên vi phạm pháp luật.

Như đã trình bày, từ một lô-gích ngụy tạo, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí coi dân chủ là "đột phá khẩu" mở ra và bắt đầu lộ trình tiến công Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Chính vì thế, dân chủ trở thành chiêu bài được họ triệt để lợi dụng để gieo rắc luận điệu xuyên tạc, gây nghi ngờ, đầu độc dư luận, tác động đến một số cá nhân nhận thức còn hời hợt, chưa suy xét một cách tỉnh táo, hoặc vì bức xúc trước một số hiện tượng tiêu cực mà bị tiêm nhiễm. Ðó là thủ đoạn, luận điệu của các thế lực thù địch, của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã và đang sử dụng dân chủ làm chiêu bài để cản trở, phá hoại tiến trình thực hiện dân chủ ở Việt Nam, và cần phải vạch trần. Vạch trần không chỉ để nhận diện mà phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi, các phát ngôn lợi dụng dân chủ làm rối loạn trật tự xã hội, phá hoại sự ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, của công dân,… để xây dựng một xã hội dân chủ đích thực, mà ở đó, mọi công dân đều được hưởng các thành quả của dân chủ, mọi công việc xã hội đều thực hiện theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

(Còn nữa)

-----------------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 10-7-2020.