Bình luận - Phê phán

Dân chủ là bản chất chế độ xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước

  Kỳ 1: Lô-gic ngụy tạo của các luận điệu sai trái

Nhiều năm qua, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã đưa ra nhiều luận điệu, thực hiện nhiều thủ đoạn để phá hoại, cản trở tiến trình phát triển của Việt Nam.

Và xem xét một cách kỹ lưỡng, sẽ không khó nhận ra các hoạt động này đều hướng theo một lô-gic ngụy tạo nhằm tác động tới các nhận thức cảm tính, qua đó thực hiện mưu đồ lũng đoạn, làm lạc hướng tinh thần của xã hội.

Xét từ bất kỳ góc độ nào thì nhiều năm nay, mọi luận điệu sai trái của các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đều nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðể đạt mục đích, một mặt họ sử dụng thủ đoạn "mưa dầm thấm lâu" với đủ loại phương tiện để đưa ra các luận điệu vu cáo, vu khống, bịa đặt, khoét sâu và thổi phồng một số sai lầm,… để đầu độc tinh thần những ai thiếu thông tin, hiểu biết hoặc nhẹ dạ, cả tin, nhằm mục đích khiến họ đi từ chỗ nghi ngờ đến chỗ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng; mặt khác, thâm độc và nham hiểm hơn, những đối tượng nói trên sử dụng dân chủ như một chiêu bài nhằm mê dụ một số người hướng theo một lô-gic ngụy tạo: "muốn xã hội phát triển phải có dân chủ - muốn có dân chủ phải thực hiện tam quyền phân lập - muốn có tam quyền phân lập phải thực hiện đa đảng"! Và trên thực tế, bị chi phối bởi nhận thức cảm tính cho nên đã có người ngộ nhận, rồi đưa ra ý kiến bất chấp sự thật, bất chấp tính nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong việc khẳng định dân chủ là bản chất chế độ xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, và luôn nỗ lực tuyên truyền, nghiêm túc tổ chức thực hiện.

 Ngày 2-7-2020, trả lời phỏng vấn của báo chí nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, Ðại sứ Mỹ D.Kritenbrink (Ð.Cri-ten-brinh) cho rằng: "Cá nhân tôi nhận định, câu chuyện thành công của Việt Nam trong 25 năm qua là phi thường. Việt Nam đã thực hiện chính sách tăng cường hợp tác thông qua nâng cao vai trò, vị thế trên trường quốc tế. Các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam cùng tạo nên thành công rất đáng tự hào". Có thể nói đó là một nhận xét rõ ràng và trung thực về sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua, và trong các yếu tố làm nên sự "phi thường" đó, có vai trò cực kỳ quan trọng của Ðảng Cộng sản Việt Nam với quan niệm đúng đắn về dân chủ để từ đó lãnh đạo Nhà nước cùng toàn dân nghiêm túc thực thi dân chủ trong xã hội.

Trong lịch sử, từ góc độ tiếp cận và nhãn quan chính trị khác nhau, có thể có những quan niệm khác nhau về dân chủ, song xét đến cùng, vấn đề then chốt là quan niệm đó vận hành như thế nào, có đem lại các lợi ích chính đáng, toàn diện cho nhân dân hay không?
Ở Việt Nam, từ quan điểm coi dân chủ là bản chất chế độ xã hội, Ðiều 3 Hiến pháp (năm 2013) khẳng định "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". Ðiều này trở thành nguyên tắc chi phối tiến trình bảo đảm toàn dân được giữ quyền làm chủ, được tạo điều kiện làm chủ, biết sử dụng quyền làm chủ trong quá trình phát triển bản thân, tham gia xây dựng xã hội. Tiến trình đó đã được thực hiện theo cả chiều rộng và chiều sâu, luôn là sự thống nhất trong tư cách một hệ thống đồng bộ từ cơ sở đến trung ương, từ trung ương đến cơ sở, để bảo đảm cho dân chủ luôn là "tài sản" của số đông, không phục vụ lợi ích của bất cứ tổ chức, cá nhân, nhóm xã hội nào. Thí dụ điển hình và thời sự về hiệu quả của sự thống nhất này là thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 vào nửa đầu năm 2020 vừa qua. Phải khẳng định, nếu không có những quyết định sáng suốt và chỉ đạo đúng đắn của Ðảng; nếu Nhà nước không tổ chức phòng, chống quyết liệt và không phù hợp với nguyện vọng của toàn dân, nếu mọi lực lượng chức năng không xả thân, không thật sự vì nước, vì dân; nếu toàn dân thiếu đồng thuận, không ủng hộ và không nghiêm túc tuân thủ quy định của chính quyền,… thì chúng ta rất khó có thể thành công như vậy. Nói cách khác, sự thống nhất ý chí và hành động giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân với quyền làm chủ của nhân dân, kết hợp với tinh thần "chống dịch như chống giặc", xác định chấp nhận thiệt hại kinh tế, bảo đảm mục tiêu tối thượng là bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân, đã quyết định thành công của việc phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Trên thực tế, các quốc gia tổ chức, quản lý xã hội theo đường hướng chính trị khác nhau nên quan niệm dân chủ chắc chắn sẽ có sự khác nhau và do đó không thể áp đặt. Thực tế lịch sử đã và đang cho thấy, việc xây dựng, thúc đẩy một xã hội phát triển trước hết phụ thuộc vào sự nhất quán, tính nhân văn trong đường lối chính trị, trong các chính sách bảo đảm an sinh cho toàn dân, trong cách thức tổ chức, quản lý xã hội, trong ý nghĩa cao cả của sự sinh tồn mà mỗi cá nhân cho đến cả cộng đồng đều có thể nhận thức… Quá trình này thành công hay thất bại luôn bị chi phối bởi sự xuyên thấm của các giá trị dân chủ chân chính trong toàn bộ hoạt động xã hội, xuyên thấm vào mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại giữa sự nhất quán, tính nhân văn trong đường lối chính trị của đảng cầm quyền với hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp,… nhằm bảo đảm dân chủ thực thi thật sự hiệu quả. Do đó về bản chất, những ai đã và đang rêu rao "chỉ có tam quyền phân lập, chỉ có đa đảng đối lập mới có dân chủ" là ngụy tạo một lô-gic nhằm thực hiện mưu đồ sâu xa là biến "đa đảng" thành một giá trị phổ quát. Với họ, dân chủ không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện, vỏ bọc để thực hiện mưu đồ xấu xa.

Những năm tháng qua, chúng ta đã và đang được chứng kiến nhiều sự kiện, hiện tượng liên quan đến dân chủ đã xảy ra trên thế giới, và thực tế cho thấy dân chủ được tiếp cận phức tạp như thế nào, đã được vận dụng và để lại hậu quả ra sao. Nhân danh dân chủ, người ta tiến hành "Mùa xuân A-rập", hậu quả là hàng chục năm qua, các nước Li-bi, Xy-ri, Y-ê-men lâm vào các cuộc chiến đẫm máu chưa biết bao giờ kết thúc, kèm theo đó là bất ổn chính trị tại một số quốc gia A-rập, Bắc Phi, cùng làn sóng người di cư trở thành gánh nặng đối với nhiều nước trên thế giới. Gần hơn, đối diện đại dịch Covid-19, một số quốc gia vốn được một số "nhà dân chủ" ca ngợi là "kiểu mẫu về dân chủ", kêu gọi "phải áp dụng" lại lộ ra một số khiếm khuyết mà ở đó, sinh mạng con người dường như chưa được quan tâm, chưa được bảo đảm chắc chắn. Các sự kiện, hiện tượng này cung cấp thêm cứ liệu cho thấy không có lô-gic "muốn xã hội phát triển phải có dân chủ - muốn có dân chủ phải thực hiện tam quyền phân lập - muốn có tam quyền phân lập phải thực hiện đa đảng" mà dân chủ phải được chứng minh qua hiệu quả tích cực trong sinh tồn xã hội, qua việc không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, chứ không phải chỉ la lối qua "đầu môi, chót lưỡi"!

Khoản 2 Ðiều 4 Hiến pháp (năm 2013) khẳng định: "Ðảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" và để thực hiện tốt vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng mở rộng và nâng cao dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Ðảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Tinh thần đổi mới và ý thức thường xuyên chỉnh đốn để hoàn thiện cách thức tổ chức, phương thức hoạt động của Ðảng đã làm cho dân chủ trong Ðảng ngày càng nâng cao, tạo cơ sở để nhà nước của dân, do dân, vì dân luôn được củng cố và hoàn thiện nhằm bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhấn mạnh vai trò của dân chủ, chúng ta xác định quyền lực trong tổ chức, quản lý đất nước là thống nhất, nhưng vừa phân công rạch ròi, vừa phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Biểu hiện cụ thể là hoạt động của Quốc hội Việt Nam ngày càng dân chủ và công khai, mọi người dân được trực tiếp chứng kiến hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các phiên họp của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, do Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn được chú trọng đẩy mạnh. Ðể bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện, nền hành chính quốc gia được cải cách, quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo điều kiện giúp mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, hoạch định, giám sát thực hiện các chủ trương của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, được công khai bày tỏ quan điểm, chính kiến, được pháp luật bảo hộ. Ðặc biệt, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quyền khiếu nại tố cáo của nhân dân được bảo đảm thực hiện ngày càng hiệu quả, kịp thời; một số vụ án oan sai đã được xác minh, xin lỗi công khai, và bồi thường thiệt hại. Trong quá trình này, dân chủ giữ vai trò là cơ sở để Ðảng xác định "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, và mọi cá nhân vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Từ đó khơi nguồn cho cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, xử lý những cá nhân tham nhũng, hối lộ, kể cả quan chức cao cấp trong Ðảng, Nhà nước; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước các cán bộ yếu kém, tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà với nhân dân…

Tuy nhiên, dân chủ hóa là một quá trình phức tạp, phải giải quyết nhiều thách thức nảy sinh từ hoạt động của chính con người, khó có thể đạt tới kết quả như mong muốn trong một sớm một chiều. Trên thực tế, ở Việt Nam vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tôn trọng dân chủ, thậm chí vi phạm dân chủ; đồng thời có một số người lợi dụng dân chủ để đưa ra đòi hỏi không chính đáng, không phù hợp pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước. Ðó là loại hiện tượng xuyên tạc bản chất xã hội, phản ánh không đúng đắn bản chất xã hội, sẽ sớm bị loại bỏ khỏi cuộc sống khi toàn Ðảng, toàn dân tiếp tục nỗ lực củng cố, hoàn thiện nhận thức về dân chủ, xây dựng tinh thần dân chủ trở thành ý thức tự giác trong suy nghĩ và hành động.

(Còn nữa)

ĐÔNG Á và QUANG HÀ