Chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Chính sách dân tộc là một trong các biểu hiện cụ thể, sinh động quan điểm nhất quán về nhân quyền của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhiều năm qua đã được triển khai thực hiện một cách bài bản, hoàn chỉnh trên đầy đủ các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội,... nhằm xây dựng, phát triển cuộc sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được chú trọng. Đó được xác định là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia tổ chức, lãnh đạo, tác động, nêu gương,... góp phần quan trọng giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ngày càng phát triển.

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và to lớn trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác dân tộc của Đảng luôn thể hiện sự nhất quán và xuyên suốt trong các thời kỳ lịch sử với nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã chỉ rõ: Vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Vì thế, để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tạo thế và lực cho cách mạng, vai trò của cán bộ nói chung, của cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS nói riêng được xem là một khâu then chốt, trọng yếu, có tính quyết định.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước hiện có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi, chiếm 49% tổng số xã toàn quốc. Khoảng 87% xã DTTS phân bố ở khu vực nông thôn. Tính đến ngày 1-4-2019, dân số của 53 DTTS khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ DTTS ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đội ngũ cán bộ DTTS ngày càng khẳng định rõ vai trò là những chiến sĩ xung kích, hạt nhân tiêu biểu trong việc vận động quần chúng đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, lập nên rất nhiều chiến công, thành tích trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở vùng DTTS và miền núi. Trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, rất nhiều cán bộ, đảng viên, đồng bào người DTTS đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, nhiều cá nhân tiêu biểu luôn đi đầu trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia lãnh đạo và tổ chức, triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển văn hóa, giao lưu quốc tế, ở vùng DTTS và miền núi. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển chung của cả nước, diện mạo vùng DTTS và miền núi nước ta đã có những thay đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả các phương diện. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2019, khoảng 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS được tiếp cận điện, chủ yếu sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đạt 95,2%; các xã có trạm y tế chiếm 99,5%. Cả nước đã có gần 21.600 trường học; 26.500 điểm trường vùng DTTS với 91% trường học kiên cố; tăng hơn 3.800 trường và giảm 2.300 điểm trường so với năm 2015. Tuổi thọ trung bình của 53 DTTS là 70,7 tuổi. Mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt so với năm 2015, đặc biệt ở cấp THPT với 50,7% người trong độ tuổi đi học. Tỷ lệ người DTTS tham gia lực lượng lao động chiếm khoảng 83%. Gần như toàn bộ các hộ DTTS đều đã có nhà ở, trong đó nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 79,2%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người gần 17 m2; có 96,7% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng; khoảng 92,5% hộ sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng; 61,3% hộ tiếp cận in-tơ-nét; năm 2019, 19,7% hộ DTTS đã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội...

Đáng chú ý, với sự quan tâm đào tạo và bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cá nhân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng cao chất lượng, tỷ lệ người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị ngày càng cao. Trong các nhiệm kỳ gần đây, nhiều cán bộ người DTTS được giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước như các cương vị Tổng Bí thư, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng và tương đương... Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác cán bộ người DTTS được các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương hết sức quan tâm, tập trung tuyển chọn, đào tạo, sử dụng một cách hệ thống, hiệu quả. Đại hội đảng các cấp trong năm 2020 cũng đã khẳng định nhất quán chủ trương về công tác cán bộ người DTTS của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả bầu cử tại 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương có 389 đồng chí cấp ủy viên là người DTTS, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%. Tỉnh Cao Bằng có tới 75,5% tỉnh ủy viên là người DTTS. Ủy viên ban thường vụ người DTTS là 113 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,86%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%. Bí thư cấp ủy người DTTS là sáu đồng chí, đạt tỷ lệ 9,23%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%...

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều dự án lớn, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống của đồng bào DTTS. Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 phấn đấu đạt thực hiện các mục tiêu: Mức thu nhập bình quân của người DTTS đến năm 2025 tăng hơn hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm hơn 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông; 70% thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp ổn định số hộ di cư không theo kế hoạch. Đến năm 2030, phấn đấu 70% số xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn;...

Để tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động phát hiện, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS. Xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực nghiệp vụ để góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chính phủ cũng cần nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; trong chế độ, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; trong tiêu chuẩn, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tại các cơ quan trực tiếp làm công tác dân tộc như: Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc. Giao biên chế dự phòng để địa phương bố trí, tiếp nhận, sử dụng cán bộ, công chức là người DTTS tại vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Đối với các địa phương có đông đồng bào DTTS, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS hợp lý theo yêu cầu khách quan của từng địa phương, cơ sở và của từng dân tộc. Tuy nhiên, không nên thực hiện một cách máy móc tỷ lệ cán bộ theo đúng như tỷ lệ số dân. Thực hiện nguyên tắc, cán bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung và điều kiện, yêu cầu cụ thể, tăng cường đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo những hình thức thích hợp. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS, ngoài các tiêu chuẩn chung về phẩm chất và năng lực, cần chú ý tiêu chuẩn về sự tín nhiệm của đồng bào các dân tộc, khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân các dân tộc ít người. Có thể ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách, nhưng không được hạ thấp tiêu chuẩn.

Về công tác DTTS, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là quan điểm, chủ trương có tính nhân văn, vì sự phát triển đồng đều và bền vững của cả nước nói chung, của đồng bào các DTTS nói riêng. Đó cũng là biểu hiện rõ ràng, cụ thể của thực thi nhân quyền, tạo điều kiện để đồng bào các DTTS có điều kiện thực hiện các quyền của mình trong quá trình phấn đấu tiến lên cùng cả nước.

Trước đây và hiện nay, đồng bào các DTTS Việt Nam luôn trung thành với Tổ quốc và lợi ích quốc gia dân tộc; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; luôn một lòng, một dạ, đoàn kết đi theo Đảng. Duy trì, củng cố đại đoàn kết các dân tộc là duy trì, kế thừa truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, vì thế Đảng và Nhà nước rất nhất quán quan điểm, khẳng định đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết keo sơn, vững bền ấy. Đó cũng là nền tảng vững chắc đưa đất nước ta ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu đáng tự hào, được thế giới ghi nhận.