Bảo vệ thương hiệu và trách nhiệm xã hội khi quảng cáo trực tuyến

Chi một số tiền lớn để quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên nền tảng trực tuyến đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nhưng vì thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ, một số DN đang bị thiệt hại nghiêm trọng do nội dung quảng cáo bị lồng ghép vào các clip (đoạn phim) có nội dung xấu, độc.

Buổi làm việc chiều ngày 25-6 vừa qua giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT - TT) với đại diện các DN về nội dung chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng internet đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN và dư luận xã hội. Thực tế thời gian qua cho thấy, dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời nhưng nội dung quảng cáo của nhiều DN Việt Nam tiếp tục xuất hiện trong một số clip có nội dung độc hại, bịa đặt, vu cáo và chống phá Nhà nước, các cá nhân, tổ chức, được phát tán tràn lan trên mạng xã hội.

Ðến nay, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT - TT) đã có công văn gửi đến hơn 100 DN, nhãn hàng của Việt Nam để cảnh báo việc thương hiệu, nhãn hàng của họ quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới vẫn xuất hiện trong những clip có nội dung xấu, độc. Ðó là chưa kể tới 55.000 clip chứa nội dung xấu, độc đã được cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu YouTube gỡ bỏ, nhưng việc xử lý của YouTube còn rất chậm chạp, thiếu triệt để. Hiện YouTube mới chỉ gỡ bỏ 8.000 clip (chiếm tỷ lệ 14,54% số clip bị yêu cầu xử lý).

Ðáng lo ngại là các sai phạm trên YouTube chủ yếu xuất phát từ 130.000 kênh tiếng Việt do chính YouTube trực tiếp quản lý. Chưa kể, việc gỡ bỏ những clip xấu, độc của YouTube còn mang tính hình thức, theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa": chỉ gỡ bỏ link (liên kết) vi phạm, trong khi các kênh phát tán những nội dung độc hại này chưa hề bị ngăn chặn. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, trên các kênh này lại đăng tải các video clip mới có nội dung tương tự; dẫn đến tình trạng các nội dung nhảm nhí, chống phá Nhà nước Việt Nam tiếp tục được phát tán, lan truyền, trong đó có chèn quảng cáo các thương hiệu Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống clip "bẩn", các DN không thể nằm ngoài cuộc. Bởi hiện nay nhiều DN Việt Nam đang chi một số tiền khá lớn cho việc quảng cáo trên các mạng xã hội như Google, YouTube, Facebook, nhưng chính họ lại không kiểm soát được địa chỉ xuất hiện và nội dung của những quảng cáo này. Ðiều này cho thấy, nếu không thận trọng, tỉnh táo, có biện pháp ràng buộc trách nhiệm với đối tác trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội một cách kỹ càng, nghiêm túc, các DN sẽ lâm vào tình trạng "tiền mất, tật mang". Việc mất tiền để mua quảng cáo trên một nền tảng xấu, độc không chỉ khiến DN tốn kém về tiền bạc mà còn tự làm hại ngay cả chính thương hiệu của mình, thậm chí vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, gây tổn hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ðể phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm, kiên quyết với các trang mạng xã hội và DN cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp nền tảng trực tuyến. Vì lẽ ra, nếu tôn trọng pháp luật của Việt Nam, tuân thủ đạo đức kinh doanh, sau khi giao kết với các DN, đơn vị cung cấp nền tảng trực tuyến phải có trách nhiệm lựa chọn nền tảng "sạch" để đăng tải nội dung quảng cáo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thương hiệu, nhãn hàng. Song trước tình trạng phần quảng cáo của các DN Việt Nam xuất hiện trên các clip độc hại dường như các đơn vị này lại luôn tìm cách né tránh trách nhiệm, hoặc cố tình làm ngơ.

Không chấp nhận thiệt hại do lỗi của đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến, thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã có biện pháp kiên quyết, kịp thời ngăn chặn bằng việc chấm dứt hợp đồng. Có thể kể gần đây là việc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) quyết định tạm dừng quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện các quảng cáo của MSB xuất hiện trong một số clip của Khá "bảnh" có nội dung bạo lực, vi phạm thuần phong, mỹ tục. Tương tự, đại diện Shopee Việt Nam cũng cho biết, DN này đã dừng quảng cáo trên YouTube, Google cho đến khi vấn đề được xử lý. Một loạt thương hiệu lớn như Yamaha Việt Nam, VNG... cũng đã yêu cầu YouTube phải có biện pháp xử lý triệt để tình trạng quảng cáo xuất hiện trên các clip có nội dung vi phạm pháp luật. Ðiểm chung giữa các DN này là lâu nay họ đã tốn khá nhiều tiền bạc nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm của DN mình để rồi các nội dung quảng cáo bị xuất hiện tràn lan trên các clip độc hại, được chính YouTube, Facebook trả tiền.

Như trường hợp của Khá "bảnh" có tháng thu về tới 450 triệu đồng chỉ nhờ việc đăng tải clip nhảm nhí, đầy tính bạo lực. Ðiều đó khiến không ít đơn vị nghi ngờ rất có thể một phần trong số tiền DN bỏ ra để quảng cáo thông qua đơn vị cung cấp nền tảng trực tuyến đã vào túi những người làm ra clip bẩn. Vô hình trung, tiền của DN đã tiếp tay cho cái xấu, cái ác lộng hành trên mạng.

Không phải đến bây giờ làn sóng tẩy chay hoạt động quảng cáo trên nền tảng của Google, Facebook ở Việt Nam mới diễn ra. Từ năm 2017, hàng loạt công ty lớn như Vinamilk, VietJet Air, Vinasoy, FrieslandCampina Việt Nam… cũng đã chấm dứt quảng cáo trên YouTube với cùng nguyên nhân: thương hiệu của họ đã bị gắn vào các clip có nội dung xấu, độc, thậm chí vi phạm pháp luật. Lẽ ra đây phải được coi là cảnh báo không chỉ với YouTube mà còn là tín hiệu báo động gửi tới các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng trực tuyến như Google, Facebook. Thế nhưng thật ngạc nhiên, bất chấp phản ứng từ cơ quan chức năng, cộng đồng DN và dư luận xã hội, các mạng xã hội này chưa chứng minh được sự chuyển biến rõ rệt trong việc sửa chữa sai phạm. Ðây là thái độ khó có thể chấp nhận, bởi với tư cách là những công ty có độ phủ sóng toàn cầu Google, Facebook cần phải không ngừng tạo ra sự tin cậy, thể hiện trong việc tôn trọng và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của quốc gia sở tại.

Vậy trên thực tế, người điều hành mạng xã hội như Google, YouTube, Facebook có thể kiểm soát được những bất ổn nảy sinh từ các clip xấu độc hay không? Phát hiện mới đây của hãng tin Bloomberg cho biết, các lãnh đạo của YouTube hoàn toàn hiểu và biết được các nội dung độc hại nhưng họ đã làm ngơ. Theo thông tin từ Bloomberg, nhân viên của YouTube đã từng nhiều lần đề xuất giải pháp ngăn chặn video clip xấu, độc lên các cấp quản lý, song họ lại chỉ nhận được sự im lặng. Ðiều này được lý giải vì lãnh đạo của YouTube sợ mất đi tương tác với người dùng, từ đó có thể ảnh hưởng sự tăng trưởng của nền tảng này. Hơn ai hết, là nơi khai sinh và điều hành mọi hoạt động của các mạng trực tuyến, người điều hành các mạng xã hội như Google, YouTube, Facebook hoàn toàn có thể, và đương nhiên phải chịu trách nhiệm về những nội dung được duyệt đăng tải trên nền tảng mạng của mình. Vậy nhưng cách xử lý của các nhà mạng này trong thời gian qua cho thấy sự thiếu trách nhiệm của họ bất chấp việc làm này có thể đẩy các DN có nhu cầu quảng cáo thương hiệu, sản phẩm vào tình huống nguy hiểm. Ðồng thời, bằng các clip xấu, độc, họ đã góp phần kích động bạo lực, đe dọa, khuyến khích hành vi gây bất ổn xã hội.

Ðang tồn tại một sự thật hết sức phi lý là dù kiếm bộn tiền từ DN nhưng chính Google, Facebook lại cố tình hoặc mặc kệ cho DN bị tổn hại. Số liệu thống kê của ANTS (Công ty cổ phần giải pháp quảng cáo trực tuyến) cho thấy, nếu năm 2010, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam khoảng 26 triệu USD và khi đó thị phần của Google còn rất nhỏ còn Facebook gần như là con số "0" thì đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến ở Việt Nam đã lên tới 550 triệu USD, trong đó 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam nằm trong tay của Facebook và Google, với số tiền là 387 triệu USD. Như vậy chỉ sau tám năm, Google và Facebook đã có cú nhảy vượt bậc trong việc chiếm lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Dự báo trong năm 2019, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến sẽ đạt 630 triệu USD, trong đó doanh thu của Facebook và Google sẽ không dưới 450 triệu USD. Ðó là những con số có thể đo đếm, kiểm chứng được một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một thị trường quảng cáo ngầm không kém phần sôi động và màu mỡ từ những người dùng mạng xã hội trực tiếp mua quảng cáo từ đơn vị cung cấp mạng. Ðiều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước bị thất thu thuế đối với nguồn tiền đáng kể này.

Lợi nhuận lớn, tốc độ phát triển ngày càng gia tăng, nhưng một số nền tảng trực tuyến đã hoạt động không tương xứng với sự kỳ vọng của cộng đồng. Chính vì vậy không chỉ ở Việt Nam, mà tại nhiều nước trên thế giới, từ năm 2017 trở lại đây, YouTube thường xuyên phải đối mặt với nhiều chỉ trích khi đặt quảng cáo của nhiều nhãn hàng vào những video clip có nội dung không phù hợp. Trên thực tế, những cam kết của YouTube về việc cải thiện thuật toán, thắt chặt việc kiểm soát nội dung không đạt hiệu quả như mong muốn. Hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia như Walmart, AT&T, Pepsi, Verizon, GSK, Johnson & Johnson… vì vậy đã đồng loạt rút quảng cáo ra khỏi nền tảng này. Không những thế, có hãng còn thẳng thừng tuyên bố "nghỉ chơi" vĩnh viễn với YouTube.

Không thể phủ nhận quảng cáo trực tuyến là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên cùng với đó, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung và bảo vệ uy tín thương hiệu của DN nói riêng cũng cần được quan tâm và đề cao hơn bao giờ hết. Các DN cần tỉnh táo lựa chọn đối tác truyền thông tin cậy, uy tín, hiệu quả. Các DN cũng hoàn toàn có thể lựa chọn nền tảng mạng xã hội ở trong nước có đủ năng lực, hoạt động tuân thủ nghiêm pháp luật, có khả năng hỗ trợ hoạt động hiệu quả cho các DN để quảng cáo, khuếch trương thương hiệu, sản phẩm, hạn chế các rủi ro như đã xảy ra thời gian qua. Lựa chọn quảng cáo "sạch" không chỉ là cách tự bảo vệ thương hiệu mà còn thể hiện trách nhiệm của DN đối với xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.