Tư vấn Đối thoại

Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau giám định lại

Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) khi thương tật, bệnh tật tái phát được giám định lại. Sau giám định lại, cần có hồ sơ, giấy tờ gì để được hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN?

TRẦN HUY HÀ (Hải Dương)

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28-7-2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về BH TNLĐ, BNN bắt buộc, hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN trong trường hợp như bạn hỏi bao gồm:

1. Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với trường hợp bị TNLĐ, BNN đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp; bản sao hợp lệ hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN đối với trường hợp đã được hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN.

2. Biên bản điều tra TNLĐ; trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định hưởng chế độ TNLĐ thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ TNGT hoặc biên bản TNGT của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 1-7-2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động.

3. Kết quả đo đạc, quan trắc môi trường lao động đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 1-7-2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp BNN.

4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động lần trước gần nhất của Hội đồng Giám định y khoa đối với trường hợp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp.

5. Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng Giám định y khoa.

6. Chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).

Nhận “gửi” đóng bảo hiểm y tế sẽ bị xử phạt

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết ở một vài nơi, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) có phát hiện một số trường hợp người lao động không làm việc nhưng “gửi” đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc ở một đơn vị sử dụng lao động nào đó. Được biết, hành vi đưa người ngoài vào danh sách lao động tham gia BHXH là vi phạm và sẽ bị xử phạt. Vậy việc cho người tham gia BHYT như trên có phải chịu hình thức xử lý gì không?

NGUYỄN VĂN MINH (Hà Nội)

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi đã được quy định rõ tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020).

Đối với việc xử lý vi phạm quy định về đưa người không thuộc trách nhiệm quản lý của tổ chức vào danh sách tham gia BHYT, Điều 81 Nghị định này quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi đưa người vào danh sách tham gia BHYT không đúng quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng tính trên mỗi thẻ BHYT đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng tính trên mỗi thẻ BHYT đối với trường hợp đã sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

2. Phạt tiền đối với hành vi tham gia BHYT tại cơ quan, tổ chức không đúng quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng tính trên mỗi người có thẻ BHYT nhưng chưa sử dụng thẻ BHYT để khám bệnh, chữa bệnh BHYT;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng tính trên mỗi người có thẻ BHYT đã sử dụng thẻ BHYT để khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là thẻ BHYT đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.