Tư vấn đối thoại

Thủ tục đóng thấp hơn vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
 
 Nếu muốn được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm (BH) tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cần làm những thủ tục gì? Quy trình giải quyết như thế nào?Chính sách này được thực hiện trong thời hạn bao lâu?
 
 Nguyễn Văn Minh (Nghệ An)
 

Trả lời:
 
 Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27-5-2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó:
 
 1. Người sử dụng lao động có nhu cầu áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến, hoặc qua đường bưu điện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
 
 2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm triển khai các công việc sau:
 
 a) Gửi văn bản đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
 
 b) Thực hiện đăng tải thông tin của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi trong vòng ít nhất 10 ngày;
 
 c) Tổ chức thẩm định, quyết định việc áp dụng mức đóng mới thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; gửi hoặc trả kết quả trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp và cơ quan BHXH để tổ chức thực hiện;
 
 d) Trường hợp không đủ điều kiện áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường thì phải trả lời cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
 
 Về thời hạn áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Điều 9 Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định:
 
 1. Thời hạn thực hiện mức đóng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này là 36 tháng, kể từ tháng quyết định áp dụng mức đóng có hiệu lực.
 
 2. Trong vòng 60 ngày trước ngày hết thời hạn áp dụng mức đóng theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu tiếp tục mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì lập 1 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 và thực hiện đề nghị theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
 
 Thẩm quyền xử phạt vi phạm về BHXH của cơ quan BHXH
 
 Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, cơ quan BHXH được phạt đến mức nào?
 
 Trần Thị Thu Hà (Thái Nguyên)
 
 Trả lời:
 
 Điều 5 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt của cơ quan BHXH như sau:
 
 1. Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền:
 
 a) Phạt cảnh cáo;
 
 b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BH thất nghiệp quy định tại Điều 38 của Nghị định này;
 
 c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 38 của Nghị định này.
 
 2. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có quyền:
 
 a) Phạt cảnh cáo;
 
 b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BH thất nghiệp quy định tại Điều 38 của Nghị định này;
 
 c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 38 của Nghị định này.
 
 3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập có quyền:
 
 a) Phạt cảnh cáo;
 
 b) Phạt tiền đến 52.500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BH thất nghiệp quy định tại Điều 38 của Nghị định này;
 
 c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 38 của Nghị định này.