Tư vấn đối thoại

Tiền thưởng có dùng để tính đóng BHXH?

Số tiền thưởng hằng tháng mà doanh nghiệp thưởng cho người lao động dựa trên kết quả công việc có tính vào thu nhập đóng BHXH không?

Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Ninh)

Trả lời:

Căn cứ điểm 2.1, 2.2 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐ-TB&XH ngày 16-11-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

Theo đó, các khoản bổ sung khác dùng để tính đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải được xác định mức tiền lương cụ thể trong hợp đồng lao động và mang tính chất chi trả thường xuyên trong mỗi kỳ lương.



HLV, VĐV bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:Được hưởng chế độ gì?

Trong thời gian tập trung tập huấn hay thi đấu, nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) được hưởng chế độ BHXH gì?

Trần Duy Hùng (Nghệ An)


Trả lời:

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu nêu rõ, HLV, VĐV bị TNLĐ, BNN trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu được hưởng các chế độ sau:

a) Được cơ quan sử dụng HLV, VĐV kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị;

b) Được cơ quan sử dụng HLV, VĐV thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định, gồm: thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không có trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động (KNLĐ) đối với những trường hợp kết luận suy giảm KNLĐ dưới 5% do cơ quan sử dụng HLV, VĐV giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm KNLĐ tại Hội đồng giám định y khoa; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với HLV, VĐV không tham gia BHYT;

c) Được cơ quan sử dụng HLV, VĐV trả đủ tiền lương, tiền hỗ trợ theo quy định tại Điều 3 Nghị định này khi phải nghỉ tập huấn, thi đấu trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

d) Được cơ quan sử dụng HLV, VĐV bồi thường hoặc trợ cấp và giới thiệu giám định y khoa theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 38, Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 Nghị định này; được cơ quan sử dụng VĐV hỗ trợ 1 lần bằng tiền bằng với mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên bị TNLĐ theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định này bị TNLĐ;

đ) Được hưởng chế độ BHXH về TNLĐ, BNN quy định tại mục 3 Chương III Luật ATVSLĐ như đối với lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 6 cũng quy định: HLV, VĐV không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc bị chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ khi tập huấn, thi đấu thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp một lần bằng mười lần mức lương cơ sở và thân nhân của HLV, VĐV được hưởng hỗ trợ một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng mà HLV, VĐV bị chết do cơ quan sử dụng HLV, VĐV chi trả.