Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Sáng 23-5, lễ ra quân Tháng vận động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân theo hình thức trực tuyến đã được BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp triển khai từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện trong toàn quốc.

Đây là Tháng vận động tham gia BHXH toàn dân lần đầu được tổ chức theo Ðề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động…

Có thể nói, việc Chính phủ có riêng một đề án về công tác tuyên truyền BHXH đã cho thấy tầm quan trọng cũng như sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước đối với vấn đề này. Tất nhiên, không phải tới thời điểm này các hoạt động tuyên truyền về BHXH mới được chú trọng, mà đây đã luôn được xem là bước đột phá trong thực hiện chính sách. Trong suốt những năm qua, công tác tuyên truyền về BHXH ở nước ta đã không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh. Các nội dung tuyên truyền về BHXH không ngừng được cập nhật, mở rộng, bám sát đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới tất cả các nhóm công chúng trong xã hội; tập trung nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia cũng như những lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị... trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Bên cạnh việc thông tin, biểu dương kịp thời những kết quả, cách làm tốt, công tác tuyên truyền còn tập trung vào việc đấu tranh, phê phán những nhận thức lệch lạc, sai trái, những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về chính sách BHXH, từ đó tự giác, tích cực hơn trong công tác tổ chức, phối hợp và thực hiện chính sách an sinh xã hội quan trọng này. Những chuyển biến tích cực đó đã thể hiện rõ qua việc số người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng gia tăng, tạo những bước đà quan trọng trong thực hiện lộ trình BHXH toàn dân, BHYT toàn dân của nước ta.

Mặc dù vậy, thực tế cũng cho thấy những kết quả đạt được trong công tác BHXH vẫn còn những khoảng cách so với yêu cầu. Ngoài những lý do khách quan như điều kiện kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, thu nhập của một bộ phận lớn người dân, người lao động còn hạn chế..., một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm toàn dân chưa đạt được kỳ vọng chính là yếu tố nhận thức.

Trên thực tế, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa coi thực hiện BHXH là trách nhiệm của mình; một bộ phận người dân, người lao động chưa ý thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng qua việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... Bởi vậy, cùng với những nỗ lực trong hành động thực tiễn, hơn bao giờ hết, để đạt những mục tiêu đã đề ra trong phát triển BHXH theo Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác tuyên truyền BHXH cần tiếp tục được đẩy mạnh, với yêu cầu đã được xác định rõ trong Ðề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, đó là: Phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.