Người lao động đã nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản?

Em tôi chấm dứt hợp đồng lao động khi có thai ở tháng thứ sáu. Tính đến khi nghỉ, em tôi đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được hai năm. Vậy em tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu được thì cần làm những thủ tục gì?

Nguyễn Hùng Vĩ (Bắc Giang)

Trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con như sau: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Trường hợp như bạn nêu, nếu tại thời điểm sinh con, em bạn đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì được hưởng chế độ thai sản.

★ Khoản 1 Điều 101 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

- Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

- Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai.

★ Điều 102 Luật BHXH; Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản như sau: Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH nơi cư trú.

Tính cộng dồn thời gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp

Con tôi làm việc tại một doanh nghiệp, có đóng BHXH, BH thất nghiệp được hơn 5 năm rồi nghỉ việc. Vì lý do riêng nên sau 5 tháng nghỉ việc mới làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp thì có được không? Nếu không được nhận trợ cấp thất nghiệp thì có được bảo lưu không?

Trần Văn Hà (Bắc Kạn)

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là: Người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật này.

Khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm quy định: Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là trong vòng ba tháng kể từ thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Do đó trường hợp người lao động đã nghỉ việc gần sáu tháng sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, thời gian đóng BH thất nghiệp mà con của ông chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cộng dồn và tự động bảo lưu cho lần hưởng sau theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm.