Nâng mức hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro

Cùng với cơ chế ưu đãi để khuyến khích lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho những người lao động (NLĐ) gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, do còn nhiều hạn chế cho nên chính sách này chưa thật sự phát huy hiệu quả.
 

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, lao động Việt Nam, nhất là lao động có tay nghề thấp, người nghèo, người dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp nhiều rủi ro hơn do thiếu thông tin khi tiếp cận dịch vụ. Bên cạnh đó, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn có nguy cơ đối diện với những rủi ro đột xuất, có nguyên nhân từ những bất ổn ở nước sở tại hoặc dịch bệnh. Có thể kể hai đợt đưa NLĐ ở Li-bi về nước năm 2011 và 2014 do những bất ổn về chính trị tại quốc gia này khiến hơn 10 nghìn NLĐ Việt Nam tại nước này trong năm 2011 phải về nước trước thời hạn. Đồng nghĩa, những khoản tiền mà NLĐ vay để đi XKLĐ khó có nguồn để trả. Gần đây nhất, trong khủng hoảng do đại dịch Covid-19, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết quý I-2020, có 560 nghìn NLĐ đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19. Đa số họ đều có nguyện vọng ở lại nước sở tại, chỉ có gần năm nghìn người về nước. Cũng như lao động trong nước, NLĐ Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài cũng bị giãn việc, mất việc.
 
 Đối với NLĐ làm việc ở nước ngoài phải về nước vì những rủi ro, Chính phủ quy định sẽ hoàn trả các khoản chi phí tiền môi giới, tiền dịch vụ và hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, theo Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg. Việc thành lập Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trên cơ sở tổ chức lại Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động được thành lập theo Quyết định số 163/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho NLĐ và doanh nghiệp (DN). Quỹ này do DN và NLĐ đóng góp là chủ yếu. Theo đó, khi về nước trước thời hạn vì lý do khách quan, bên môi giới có trách nhiệm hoàn trả lại cho NLĐ một phần tiền môi giới lao động đã nộp theo nguyên tắc: NLĐ làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng, được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp; NLĐ đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên, sẽ không được nhận lại tiền môi giới. Trường hợp NLĐ không thể đòi được của bên môi giới, DN có trách nhiệm hoàn trả cho NLĐ theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN. Cơ chế này phần nào tháo gỡ khó khăn về tài chính cho NLĐ làm việc ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn. Tuy nhiên, mức hỗ trợ để đưa NLĐ về nước trong trường hợp gặp rủi ro khách quan hiện nay rất thấp, không đủ chi phí để NLĐ mua vé máy bay về nước. Các chuyên gia lao động công đoàn cho rằng, việc hỗ trợ tối đa năm triệu đồng/vé máy bay cho một người, trích từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là quá thấp.
 
 Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) từ năm 2007 đến ngày 31-11-2019, kết quả thu của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là gần 354,8 tỷ đồng, mới chi 114,2 tỷ đồng hỗ trợ gần 14 nghìn trường hợp NLĐ và DN. Vì vậy, trước những đòi hỏi của thực tiễn, cần xem xét nâng định mức hỗ trợ lao động ở nước ngoài phải về nước vì gặp rủi ro; có cơ chế linh hoạt trong mức chi các hoạt động hỗ trợ kịp thời cho DN và NLĐ, nhất là khi NLĐ gặp rủi ro ở nước ngoài.