Lăng kính an sinh

“Lượng hóa” sự hài lòng

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thụ hưởng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với sự phục vụ của ngành BHXH năm 2019.

Kế hoạch này sẽ được tiến hành trong sáu tháng đầu năm 2020, tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo hai giai đoạn cụ thể. Theo đó, tại các bưu điện, đại lý thu, cơ sở khám, chữa bệnh, bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH, việc khảo sát sự hài lòng sẽ được tiến hành qua phiếu điều tra. Ngoài ra, Trang/cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam cũng sẽ đăng tải mẫu phiếu điều tra để người dân, tổ chức và doanh nghiệp tham gia trả lời... Những tiêu chí đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của ngành BHXH sẽ được xác định theo năm yếu tố: Tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; thủ tục hành chính (TTHC); viên chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả giải quyết TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và cuối cùng là việc tiếp nhận, giải quyết các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị...

Mặc dù những phần việc cụ thể để thực hiện kế hoạch này mới đang trong giai đoạn “khởi động”, nhưng việc chuẩn bị triển khai của ngành BHXH đã cho thấy rõ sự nghiêm túc và cầu thị trong những bước đi, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, toàn hệ thống BHXH từ các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tới BHXH các địa phương đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện cải cách TTHC nhằm cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho người dân nói chung, người lao động nói riêng, cũng như các đơn vị sử dụng lao động trong quá trình giải quyết các TTHC về BHXH, BHYT và BHTN, hướng tới sự hài lòng của các cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành BHXH. Sự thuận tiện không chỉ thể hiện ở số lượng TTHC được cắt giảm từ 263 xuống 27 thủ tục; từ việc rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết nhiều thủ tục, chế độ; từ việc bổ sung các phương thức giao dịch qua hình thức trực tuyến hay qua dịch vụ bưu chính... mà còn ở trách nhiệm, sự tận tình, thái độ của mỗi cán bộ BHXH... Những nỗ lực đó không chỉ được xã hội ghi nhận, mà trong nhiều dịp, cũng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành hữu quan đánh giá cao. Điều đó còn thể hiện qua vị trí của BHXH Việt Nam trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin - yếu tố then chốt trong nâng cao chất lượng phục vụ, do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện; hay những bước tiến của chỉ số nộp thuế, BHXH trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB)...

Trong quá trình phục vụ, thực hiện nhiệm vụ, BHXH nhiều địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Phú Yên... cũng đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của người dân với những cách thức khác nhau để làm cơ sở đánh giá chất lượng phục vụ của từng đơn vị trực thuộc, cũng như bình xét đánh giá, xếp hạng thi đua... Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với cơ quan BHXH các địa phương là khá cao. Tuy nhiên, trên bình diện chung, có nơi, có lúc, những nỗ lực đó vẫn chưa được một số tổ chức, cá nhân ghi nhận. Điều đó phần nào ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng công việc của toàn ngành. Bởi vậy, việc triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH năm 2019 không chỉ “lượng hóa”, giúp ngành BHXH đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ, mà còn nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, từ đó có giải pháp thỏa đáng để tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của ngành.