Lương cơ sở tăng, một số chính sách an sinh xã hội điều chỉnh ra sao?

NDO -

NDĐT- Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 110 nghìn đồng mỗi tháng, lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2020. Với sự điều chỉnh này, một số chính sách về lương hưu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng thay đổi.

Ảnh minh họa: Duy Linh.
Ảnh minh họa: Duy Linh.

Tăng mức hưởng lương hưu thấp nhất

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở, trừ một số trường hợp quy định riêng.

Như vậy, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất với người hưởng sẽ là 1,6 triệu đồng/tháng, tăng 110 nghìn đồng tính từ thời điểm 1-7-2020.

Tăng mức thanh toán 100% chi phí khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo Điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ở mức 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh nếu thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

Sau ngày 1-7-2020, mức hỗ trợ chi phí 100 % như nêu trên khi mức chi phí khám thấp hơn 240.000 đồng (1.600.000 đồng x 15 % = 240.000 đồng).

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa

Theo Khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, nếu mức lương đóng BHXH cao hơn 20 tháng lương cơ sở, mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở.

Như vậy, sau ngày 1-7-2020, mức trần tối đa đóng BHXH bắt buộc sẽ là: 20 x 1,6 triệu đồng = 32 triệu đồng.

Tăng mức đóng bảo hiểm y tế của các thành viên theo hộ gia đình

Theo Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình, như sau:

Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Ttừ người thứ năm trở đi,đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Như vậy, từ ngày 1-7-2020, mức đóng của người thứ 1 tăng lên 72.000 đồng/tháng (4,5 x 1.600.000 đồng = 72.000 đồng). Đồng thời, mức đóng của những người còn lại cũng tăng theo.

Tăng một số khoản trợ cấp

Tiền trợ cấp một lần khi sinh con của người lao động cũng tăng.

Cụ thể, căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi bằng hai lần mức lương cơ sở.

Cụ thể, trợ cấp một lần sau khi sinh con sẽ là 3,2 triệu đồng, tăng 220 nghìn đồng so với trước đó.

Quy định này áp dụng với lao động nữ sinh con, hoặc lao động nhận nuôi con nuôi dưới sáu tháng tuổi, hoặc con được sinh nhưng chỉ có cha tham gia BHXH.

Cũng theo Khoản 3 Điều 41 của Luật BHXH năm 2014, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Do đó, mức trợ cấp dưỡng sức sau sinh sẽ là 480 nghìn đồng/ngày, tăng 33 nghìn đồng mỗi ngày.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau với người lao động tăng lên 480 nghìn đồng/ngày.

Trợ cấp tuất hằng tháng (với mỗi thân nhân) là 800 nghìn đồng/ tháng, tăng 55 nghìn đồng so với trước. Với đối tượng không có người trực tiếp nuôi dưỡng, mức trợ cấp là 1.120.000 đồng/ tháng, tăng 77 nghìn đồng.

Theo Khoản 2 Điều 66 Luật BHXH năm 2014, trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở. Do đó, mức trợ cấp mai táng từ tháng 7 năm 2020 là 16 triệu đồng, tăng 1,1 triệu đồng.