Lực lượng vũ trang chính thức tham gia bảo hiểm y tế

Bắt đầu từ ngày 15-10, theo Nghị định số 70/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu chính thức tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một chính sách mới trong chăm sóc sức khỏe cho lực lượng vũ trang và góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Khám bệnh cho đối tượng BHYT ở Khoa Mắt, Bệnh viện 7 (Quân khu 3). Ảnh: DUY HỒNG
Khám bệnh cho đối tượng BHYT ở Khoa Mắt, Bệnh viện 7 (Quân khu 3). Ảnh: DUY HỒNG

Theo Nghị định 70/2015/NĐ-CP, đối tượng của lực lượng vũ trang tham gia BHYT, gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân ở bộ, ngành, địa phương và học viên cơ yếu. Ngân sách nhà nước bảo đảm đóng toàn bộ BHYT với mức bằng 4,5% tiền lương tháng đối với người hưởng lương và 4,5% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí. Do lần đầu quân đội và Công an triển khai thực hiện BHYT sau hàng chục năm thực hiện chăm sóc sức khỏe trong hệ thống y tế riêng, cho nên, Chính phủ đưa ra lộ trình: từ nay đến hết năm 2015, thực hiện BHYT đối với 15% đối tượng; năm 2016 - 2017, ít nhất 30%; năm 2018 - 2019 ít nhất 60%; từ ngày 1-1-2020, đạt 100% số đối tượng. Được biết, hiện nay, mẫu thẻ BHYT đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn tất để kịp thời bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng và đạt lộ trình đã đề ra. Với các đơn vị chưa nằm trong lộ trình thực hiện BHYT vẫn thực hiện việc khám, chữa bệnh trong hệ thống cơ sở y tế của ngành như trước đây.

Đại tá Lưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng BHYT (Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng) cho biết, thực hiện quy định mới, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu sẽ được mở rộng hơn quyền lựa chọn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, không chỉ tại các bệnh xá, bệnh viện quân đội, công an mà tại trạm y tế xã, phòng khám khu vực hoặc bệnh viện đa khoa huyện. Với cán bộ thuộc trung ương quản lý, đăng ký tại bệnh viện được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương; cán bộ thuộc diện tỉnh, thành phố quản lý, đăng ký tại Phòng khám của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố. Nếu đi công tác, được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thuận tiện nhất. Kết quả thực hiện thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT của Bộ Quốc phòng thời gian qua cho thấy, tại các đơn vị thí điểm, có 67% số quân nhân đi khám, chữa bệnh được chuyển tuyến đến bệnh viện của ngành y tế. Điều đó cho thấy nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế hiện đại tại các bệnh viện của ngành y tế của lực lượng vũ trang khá cao và quy định mới đáp ứng được nhu cầu này.

Thuận lợi hơn là quy định về chuyển tuyến. Trước đây theo quy định việc chuyển tuyến điều trị về cơ bản chỉ thực hiện trong hệ thống quân y hoặc y tế công an. Thực hiện chính sách BHYT mới, cán bộ, chiến sĩ có điều kiện chuyển ra điều trị tại các bệnh viện dân sự nếu vượt khả năng chuyên môn của cơ sở y tế đang điều trị. Đại tá Nguyễn Minh Thao, Trưởng phòng BHYT, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết, quy định chuyển tuyến thuận lợi hơn cho cán bộ, chiến sĩ trong trường hợp một số chuyên khoa ở các bệnh viện dân sự được đầu tư trang bị kỹ thuật tốt, bác sĩ tay nghề cao. Với cán bộ, chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa sẽ thuận tiện trong việc đi lại khám, chữa bệnh, không phải vất vả vượt hàng trăm cây số đến bệnh viện của ngành như trước đây. Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia BHYT, quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân được bảo đảm tốt hơn khi chi phí điều trị trung bình cho một đầu giường bệnh theo chế độ BHYT cao hơn trước đây. Tuy nhiên, với các trường hợp khám, chữa bệnh không đúng tuyến, Quỹ BHYT chỉ chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh đến ngày 31-12-2020; 70% chi phí tại tuyến huyện đến ngày 31-12-2015.

Không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, việc triển khai BHYT cho quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu còn tạo cơ hội cho các cơ sở y tế của quân đội, công an tự chủ, tránh lãng phí thuốc, hóa chất, nâng cao trình độ, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bởi vì, Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được được giữ lại một phần kết dư quỹ để nâng cấp, mua sắm phương tiện, trang thiết bị y tế...; một phần kinh phí kết dư đóng góp vào quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để điều tiết chung.

BHYT đối với lực lượng quân nhân, công an nhân dân là một chính sách mới. Các đơn vị liên quan của hai bộ: Quốc phòng và Công an đang tập trung triển khai tuyên truyền, tập huấn để các quy định thật sự đi vào cuộc sống, góp phần thiết thực, hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu ngày càng tốt hơn và tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.