Hơn 53 nghìn đơn vị ở Hà Nội nợ bảo hiểm xã hội gần 1.860 tỷ đồng

NDO -

NDĐT- Đến hết tháng 5 năm nay, có 53.083 đơn vị trên địa bàn Hà Nội nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền phải tính lãi là 1.851 tỷ đồng. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng hơn 500 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Duy Linh.
Ảnh minh họa: Duy Linh.

Đây là thông tin từ hội nghị triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020 của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thành phố Hà Nội.

Theo đó, trong sáu tháng đầu năm nay, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn. Tính đến thời điểm 31-5, tỷ lệ bao phủ BHYT của Hà Nội đạt 86,29% dân số. Con số tham gia BHYT là 6.949.847 người, giảm 50.324 người so với tháng 12 năm 2019.

Trong khi đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.722.520 người, giảm 37.897 người so với tháng 12 năm 2019; đạt tỷ lệ 87,8%. Số người tham gia BHTN là hơn 1,6 triệu người, đạt 94,2% số người thuộc diện tham gia.

Thành phố có 37.200 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 1.837 người so với tháng 12 năm 2019. Tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện so với năm 2019 đạt 5,19%.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện trong hai tháng đầu năm nay với 105 đơn vị nợ BHXH. Tính đến hế tháng 5, hiện có 53.083 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.851 tỷ đồng (tăng 937 tỷ đồng so với tháng 12 năm 2019).

Thành phố cũng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 191 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT… Trong năm tháng đầu năm 2020, đã có gần 3,9 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với chi phí khám, chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán là 7.296 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm 2020, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã… tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 đạt 90,1%. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đạt 95% số người thuộc diện tham gia. Tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 30% so với năm 2019. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn Hà Nội bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ nợ bình quân của cả nước.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Bảo đảm việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN...