“Giảm nợ” để bảo vệ quyền lợi người lao động

Cách đây ít ngày, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH quận, huyện tập trung mọi giải pháp, nguồn lực cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ. Trong đó, BHXH thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý các đơn vị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thu trực tiếp; cập nhật dữ liệu thu kịp thời; duy trì việc gửi thông báo kết quả đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đến các đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý đối tượng... để bảo đảm tăng thu; đồng thời giảm tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (gọi chung là nợ BHXH) trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm nay, trên địa bàn đã có 69 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, chiếm hơn 75% tổng số đơn vị đang được BHXH thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Trong đó, 21.500 đơn vị nợ từ sáu tháng trở lên. Về số nợ, tính đến cuối tháng 7-2020, các đơn vị sử dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh đã nợ hơn 5.245 tỷ đồng, trong đó có 2.592 tỷ đồng là nợ hơn một tháng, chiếm 3,5% số phải thu (cùng kỳ năm 2019 chiếm 2,6%). Trong khi đó, tại Hà Nội, tình trạng nợ đọng BHXH từ đầu năm đến nay cũng diễn ra theo chiều hướng khá phức tạp, với số đơn vị sử dụng lao động nợ đọng hơn 66.700 đơn vị. Theo BHXH thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 7, các đơn vị này đã nợ  4.607,4 tỷ đồng (bằng 9,5% số phải thu), tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Nếu không tính tới số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch do giải thể hay doanh nghiệp thuộc diện nợ khó đòi, thì riêng các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động đã nợ hơn 3.300 tỷ đồng.

Điều đáng lo ngại là tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng không phải chỉ xảy ra tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà là thực trạng chung, phổ biến từ đầu năm đến nay tại các địa phương trong cả nước. Theo tổng hợp của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7, tổng số nợ BHXH trên toàn quốc là 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu (cùng kỳ năm 2019 chiếm 4,8%). Sự gia tăng đáng lo ngại này không chỉ ảnh hưởng nỗ lực chung của toàn ngành BHXH trong việc thực hiện chỉ tiêu thu, giảm nợ được xem là thành công trong những năm gần đây, mà quan trọng hơn là những ảnh hưởng trực tiếp quyền được thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của hàng triệu lao động, từ đó tác động xấu việc bảo đảm an sinh xã hội. 

Theo phân tích của cơ quan BHXH, tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng trong thời gian qua chủ yếu do dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn đơn vị, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản phẩm bị tồn đọng khiến doanh thu sụt giảm; nhiều doanh nghiệp khó cân đối thu - chi, nhất là bảo đảm nguồn trích nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh những doanh nghiệp thật sự khó khăn phải cắt giảm lao động hoặc tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh đã được tạm dừng đóng vào các quỹ dài hạn (hưu trí, tử tuất) theo quy định, trên thực tế cũng có không ít doanh nghiệp dù hoạt động không bị ảnh hưởng nhưng vẫn cố tình viện vào khó khăn khách quan này để chây ỳ, không chịu thực hiện trách nhiệm đóng BHXH (bao gồm cả việc đóng các quỹ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHYT, BH thất nghiệp) cho người lao động. Điều đó khiến các quyền lợi cơ bản của người lao động trong những trường hợp này không được bảo đảm. 

Thực tế trên đòi hỏi ngành BHXH và các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn đối với những doanh nghiệp cố tình nợ đọng kéo dài để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng này, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nhất là trong giai đoạn khó khăn này.