Lăng kính An Sinh

Đưa cam kết thành hiện thực

Ngày 14-6 vừa qua, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, 100% số đại biểu Quốc hội có mặt đã tán thành thông qua Nghị quyết việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Như vậy, riêng trong năm 2019 này, Việt Nam đã phê chuẩn ba công ước của ILO, nâng tổng số Công ước của ILO mà Việt Nam tham gia tính đến thời điểm này lên con số 24, trong đó có sáu trong số tám công ước cơ bản. Đây là những minh chứng sống động cho thấy hội nhập quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương lớn, nhất quán của Việt Nam từ khi thực hiện đổi mới đến nay. Điều đó cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng năng động và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động...

Trên thực tế, cùng với việc gia nhập các công ước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình trong việc tiếp tục gia nhập và thực hiện các tiêu chuẩn lao động của ILO thông qua nhiều văn kiện, kế hoạch, chương trình hành động như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5-11-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 38/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW; Quyết định số 2528/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện và đề xuất gia nhập các công ước của Liên hợp quốc và của ILO trong lĩnh vực lao động - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 145/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 121/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo các văn kiện và các chương trình, kế hoạch hành động nêu trên, Việt Nam cam kết tiếp tục nghiên cứu đề xuất gia nhập các công ước của ILO, trong đó có hai công ước cơ bản là Công ước 105 về lao động cưỡng bức (dự kiến năm 2020), Công ước 87 về tự do liên kết (dự kiến năm 2023) và sáu công ước kỹ thuật khác về tiền lương và một số nhóm lao động yếu thế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện sự nghiêm túc trong việc nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có Bộ luật Lao động.

Có thể nói, những bước đi cụ thể của Việt Nam trong lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình hội nhập, bởi các công ước cốt lõi của ILO đã trở thành một cấu phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP hay FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia. Tất nhiên, việc tham gia các công ước, hiệp định này cũng là những cơ sở quan trọng để chúng ta bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động và các bên quan hệ lao động. Đơn cử như với Công ước 98, bao gồm ba cấu phần chính nhằm bảo đảm thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động diễn ra một cách hiệu quả. Việc phê chuẩn Công ước 98 sẽ đẩy mạnh hơn nữa thương lượng tập thể thực chất, để có được những giải pháp đem lại lợi ích cho tất cả các bên tại nơi làm việc. Điều đó có thể tạo nên những tác động để điều kiện làm việc được cải thiện theo hướng tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững.